Chống nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, cách nào?

CTV Trà Giang/VOV-Miền Trung | 17/12/2022, 08:14

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết đã để lại những hệ lụy nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống và sự phát triển của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Ngãi đã có nhiều hoạt động góp phần ngăn chặn, đẩy lùi nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Đến từng nhà, gặp từng người, vừa vận động, vừa nắm bắt thực tế để sớm ngăn chặn những trường hợp tảo hôn, đó là việc làm thường xuyên của Chi hội Phụ nữ thôn 3, xã Trà Thủy, huyện Trà Bồng.

Bà Lê Thị Hương, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn 3, xã Trà Thủy, Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Trong địa phương cũng từng xảy ra trường hợp chưa đủ tuổi mà đã lấy chồng. Vì vậy chúng tôi mạnh dạn đăng kí mô hình này để tuyên truyền, giảm bớt tình trạng tảo hôn".

Năm ngoái, Chi hội Phụ nữ thôn 3, xã Trà Thủy đã thành lập câu lạc bộ “Gia đình nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”. Ban đầu có vài thành viên phụ nữ, giờ đã lên gần 20 người. Câu lạc bộ chú trọng việc tuyên truyền, vận động, cung cấp thông tin để nâng cao ý thức tuân thủ luật hôn nhân gia đình cho phụ nữ trong thôn. Thôn 3, xã Trà Thủy từng xảy ra nhiều vụ tảo hôn, giờ tình trạng này đã giảm nhiều.

Em Hồ Thị Hà ở thôn 3, xã Trà Thủy, huyện Trà Bồng bày tỏ: “Chưa qua 3 đời thì vẫn gần quá. Các chị em thường hay trao đổi về tảo hôn, tôi cũng biết, sau này tôi trao đổi với các chị em của mình, bạn bè để đừng tảo hôn. Vì việc tảo hôn hệ lụy rất nhiều. Về kinh tế, về con cháu sau này".

Ngăn chặn được một trường hợp tảo hôn cũng đồng nghĩa là thêm một phụ nữ thoát khỏi vòng lẩn quẩn thất học, nghèo đói. Các hội viên phụ nữ đang nỗ lực tuyên tuyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ vùng cao có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Bà Lý Thị Xuân Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi nói: “Hội Phụ nữ huyện xác định việc tuyên truyền vận động để chị em thực hiện tốt phòng chống hôn nhân cận huyết thống và tảo hôn đã chỉ đạo các cơ sở hội thành lập các mô hình, câu lạc bộ liên quan để nhằm tuyên truyền, thay đổi hành vi, nhận thức của người dân, cũng như của các em để thay đổi phong tục, tập quán”.

Trong những năm qua, tại miền núi tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn xảy ra tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, đặc biệt là lứa tuổi học sinh THPT và THCS. Theo các chuyên gia, bác sĩ, nên giáo dục giới tính cho học sinh THCS càng sớm càng tốt. Hội Phụ nữ tỉnh Quảng Ngãi ký kết chương trình phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh, chung tay thực hiện bình đẳng giới ở vùng miền núi. Rất nhiều dự án, đề án triển khai, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở vùng miền núi Quảng Ngãi. Mới nhất là Dự án “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I thực hiện từ năm 2021 – 2025. Dự án được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh  Quảng Ngãi  triển khai ở 5 huyện miền núi. Trước đó, tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Kế hoạch thực hiện đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025. Từ nay đến năm 2025, khoảng 9 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước được dành cho việc thực hiện đề án.

Bà Lê Na, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Hiện nay chúng tôi xây dựng rất nhiều mô hình về xây dựng gia đình hạnh phúc, mô hình phòng chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh. Những mô hình này hoạt động rất hiệu quả. Chúng tôi cũng luôn tranh thủ sự hỗ trợ phối hợp với người uy tín tại cộng đồng, già làng trưởng bản để trong các lớp tập huấn truyền thông của chúng tôi thì mời những người có uy tín tại cộng đồng để nâng cao nhận thức cho người dân tại các huyện miền núi. Để làm sao họ nhận thức đúng đắn, phấn đấu xóa bỏ tình trạng này".

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để lại nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội. Để hạn chế và từng bước xóa bỏ hủ tục này cần có những giải pháp đồng bộ và lâu dài hơn. Chỉ khi người dân nhận thức được đầy đủ pháp luật, kinh tế phát triển thì đời sống sẽ được nâng lên. Từ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống sẽ được giảm dần và đẩy lùi./.

Bài liên quan
Giảm tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vùng dân tộc thiểu số
Ngày 29/12, tại Đài phát thanh và Truyền hình Sóc Trăng, Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thi tìm hiểu pháp luật, tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội giải quyết tên gọi và thủ tục cho dân thế nào?
Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành.
Mới nhất