Chiếm đoạt 16 tỷ đồng bằng thủ đoạn mua nhà bị ngân hàng phát mãi

CTV Nguyên Hưng/VOV-Miền Trung | 28/02/2023, 12:33

Tự giới thiệu có khả năng mua nguồn nhà bị ngân hàng phát mãi hoặc nhà có giá "sập hầm", Học lừa nhiều người góp vốn rồi chiếm đoàn hàng tỷ đồng.

Sáng 28/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Đà Nẵng đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Chí Học (37 tuổi), thường trú tại phường 13, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh, hiện ở tại phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” tổng số tiền hơn 16 tỷ đồng.

Trước đó, tháng 1/2022, Nguyễn Chí Học vào làm việc tại một công ty bất động sản có trụ sở trên đường Nguyễn Hữu Thọ, thành phố Đà Nẵng. Quá trình làm việc, Học đã sử dụng các nghiệp vụ về môi giới bất động sản, định giá bất động sản và hỗ trợ tư vấn, quảng cáo, tiếp thị, thủ tục chốt cọc bất động sản tới các khách hàng có nhu cầu mua bán bất động sản tại thành phố Đà Nẵng cho một số người cùng làm trong công ty để có thêm thu nhập.

Khi Nguyễn Chí Học được bổ nhiệm làm trưởng phòng thì Học càng được tin tưởng về chuyên môn và có nguồn lực tài chính.

Khoảng tháng 4/2022, Nguyễn Chí Học nói với nhiều người là mình có nhiều mối quan hệ với những người làm trong ngân hàng và lãnh đạo làm cùng tại thành phố Hồ Chí Minh nên biết nhiều thông tin về các nguồn nhà giá "sập hầm" (chủ nhà bán với giá thấp hơn mức định giá của ngân hàng) hoặc nguồn nhà bị ngân hàng phát mãi tại thành phố Hồ Chí Minh. Học đã rủ một số người tham gia góp vốn để mua những nhà này.

Học đưa ra mức lợi nhuận là 3% dựa trên tổng giá trị của sản phẩm nhà, giá trị của nhà càng cao thì số tiền lợi nhuận nhận được càng lớn. Học nhờ mối quan hệ với bên mua sẽ góp một khoản tiền để tăng thêm mức tiền cọc nhằm buộc bên bán phải thực hiện hợp đồng, trong trường hợp bên bán (bên nhận đặt cọc) từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên mua (bên đặt cọc) số tiền đã đặt cọc và một khoản tiền tương đương số tiền đã đặt cọc (thường gọi là bồi cọc).

Nhiều người đã đồng ý góp vốn cho Học theo thỏa thuận từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng. Lúc đầu, Học thực hiện đúng về thời hạn và số tiền hoa hồng như cam kết. Khi đã tạo được niềm tin, những người này tiếp tục góp tiền đầu tư vào những bất động sản tiếp theo với số tiền góp vốn tăng dần theo thời gian, có trường hợp lên đến 1 tỷ đồng.

Đến tháng 9/2022, thấy Học không thực hiện theo đúng cam kết (chậm trả hoặc không trả tiền), khi các bị hại hỏi thì Học viện nhiều lý do để thoái thác, né tránh. Đến ngày 10/12/2022 là thời điểm Học hứa sẽ trả hết số tiền cho những người tham gia nhưng vẫn không trả được thì mọi chuyện mới vỡ lẽ…

Bước đầu làm việc với những người tố giác, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Đà Nẵng ghi nhận bằng thủ đoạn vừa nêu, Nguyễn Chí Học đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 5 người với tổng số tiền hơn 16 tỷ đồng. /.

Bài liên quan
"Sập bẫy" cuộc gọi giả mạo Công an, người phụ nữ ở Hà Nội bị lừa 15 tỷ đồng
Giả danh cơ quan Công an gọi điện để lừa đảo chiếm đoạt tài sản không phải thủ đoạn mới nhưng nhiều người vẫn mất cảnh giác, "sập bẫy" của các đối tượng. Mới đây, Công an quận Hà Đông, thành phố Hà Nội đang điều tra, xác minh vụ giả danh cán bộ Công an, lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền 15 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Vì sao chuyên gia Việt Nam quan ngại về kênh đào Funan Techo của Campuchia?
Các chuyên gia đã nêu những quan ngại về Dự án, bao gồm: các tác động của dự án đến tài nguyên nước vùng ĐBSCL, đặc biệt trong bối cảnh hạn hán, mặn xâm nhập diễn ra ngày càng thường xuyên và khắc nghiệt hơn.
Mới nhất