Cảnh báo về nguy cơ tăng các bệnh lý viêm vùng mũi họng dịp sau Tết

PGS TS BS Phạm Thị Bích Đào BV ĐH Y Hà Nội | 04/02/2025, 09:59

Sau Tết, nhiều người gặp phải các vấn đề về viêm mũi họng do chế độ ăn uống không khoa học và thói quen sinh hoạt chưa hợp lý.

Viêm mũi họng có thể xảy ra với nhiều người sau Tết, bởi trong kỳ nghỉ dài, mọi người thường đi du lịch hoặc có nhiều cuộc tụ họp liên hoan, ăn uống nhiều, ít vận động và sinh hoạt thất thường.

Trong dịp Tết, nhiều người có xu hướng ăn uống không kiểm soát, thường xuyên ăn quá no, tiêu thụ thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay nóng, rượu bia và đồ ngọt. Thói quen này không chỉ gây tăng cân mà còn làm gia tăng các bệnh lý liên quan đến hệ tiêu hóa và hô hấp, đặc biệt là các bệnh Tai Mũi Họng do hiện tượng trào ngược dạ dày - thực quản. Việc nhận biết sớm các vấn đề sức khỏe này và thực hiện các biện pháp phòng ngừa sẽ giúp bảo vệ hệ hô hấp và duy trì sức khỏe ổn định sau kỳ nghỉ lễ.

Nguyên nhân và cơ chế tác động

Khi ăn uống quá mức, dạ dày bị căng đầy, kích thích sản xuất nhiều dịch acid. Việc nằm ngay sau khi ăn có thể làm cho dịch acid dễ dàng trào ngược lên trên, gây kích thích niêm mạc thực quản, họng, thanh quản và thậm chí cả vùng mũi xoang. Hiện tượng này kéo dài làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý như viêm mũi xoang,  viêm họng và loét miệng, viêm thanh quản…

Viêm mũi xoang

Dịch acid trào ngược có thể lan đến vùng mũi họng, làm tổn thương niêm mạc mũi và gây viêm mũi xoang. Viêm mũi xoang có thể biểu hiện với các triệu chứng như:

- Nghẹt mũi, chảy dịch mũi kéo dài.

- Đau nhức vùng trán, hốc mắt hoặc hai bên má.

- Cảm giác nặng đầu, khó tập trung.

- Ho kéo dài, đặc biệt vào ban đêm.

- Hơi thở có mùi hôi do dịch nhầy đọng lại.

Nếu không được điều trị kịp thời, viêm mũi xoang có thể trở thành bệnh mạn tính, gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống. Ngoài ra, viêm mũi xoang tái phát nhiều lần cũng có thể dẫn đến biến chứng như viêm tai giữa, viêm phế quản và làm giảm thị lực.

Viêm họng và loét miệng do virus

Môi trường acid tăng cao ở vùng hầu họng tạo điều kiện thuận lợi cho virus và vi khuẩn phát triển mạnh. Các triệu chứng thường gặp của viêm họng bao gồm:

- Đau rát họng, nuốt vướng.

- Khô họng, kích ứng khi nói hoặc nuốt.

- Ho khan hoặc có đờm kéo dài.

- Có thể kèm theo sốt nhẹ hoặc mệt mỏi.

Bên cạnh đó, việc ăn nhiều đồ ngọt và thực phẩm cay nóng cũng có thể làm mất cân bằng hệ vi sinh trong khoang miệng, tạo điều kiện cho virus phát triển mạnh. Hậu quả là người bệnh dễ bị loét miệng, gây đau nhức khó chịu khi ăn uống và giao tiếp.

Viêm thanh quản do trào ngược họng thanh quản

Acid từ dạ dày trào lên họng và thanh quản có thể gây viêm, dẫn đến:

- Khàn tiếng, mất giọng, đặc biệt vào buổi sáng.

- Ho kéo dài, dai dẳng, nhất là khi nói nhiều.

- Cảm giác đau rát hoặc vướng nghẹn ở vùng cổ.

- Giọng nói yếu hoặc thay đổi bất thường.

Nếu không kiểm soát, tình trạng này có thể gây tổn thương dây thanh âm, dẫn đến viêm thanh quản mạn tính, ảnh hưởng lớn đến giao tiếp và công việc. Những người làm nghề cần sử dụng giọng nói nhiều như giáo viên, ca sĩ, MC cần đặc biệt chú ý để bảo vệ dây thanh âm.

Làm thế nào để phòng tránh các bệnh Tai Mũi Họng dịp sau Tết?

Để giảm nguy cơ mắc các bệnh Tai Mũi Họng sau Tết, mỗi người cần thực hiện các biện pháp như: duy trì thói quen ăn uống, sinh hoạt hợp lý và chăm sóc hệ hô hấp.

Về chế độ ăn uống, cần chú ý không nên ăn quá no, đặc biệt vào buổi tối. Hạn chế thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay nóng, rượu bia. Tránh thức uống có gas và cà phê, vì chúng có thể làm tăng tiết acid dạ dày. Tăng cường rau xanh, trái cây để cung cấp vitamin và khoáng chất giúp tăng cường đề kháng.

Không nên đi nằm ngay sau khi ăn (người uống rượu bia thường thấy mệt và hay nằm ngay sau khi ăn no). Tốt nhất nên đứng hoặc ngồi thẳng ít nhất 2 giờ sau bữa ăn để tránh trào ngược. Khi đi ngủ cũng nên duy trì một tư thế hợp lý, có thể kê cao đầu để tránh nguy cơ acid trào ngược. Hàng ngày nên uống nhiều nước, điều này giúp trung hòa acid trong dạ dày và giảm kích ứng niêm mạc họng. Bên cạnh đó, cần tập thể dục thường xuyên để tiêu hóa tốt và cải thiện sức khỏe tổng thể.

Luôn vệ sinh răng miệng sạch sẽ: đánh răng sau khi ăn, súc miệng bằng nước muối sinh lý để loại bỏ vi khuẩn và giảm nguy cơ viêm nhiễm. Hạn chế tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, bởi khói bụi, hóa chất có thể làm tăng nguy cơ kích ứng đường hô hấp.

Nếu có dấu hiệu kéo dài như đau họng, khàn tiếng, viêm xoang tái phát, ho lâu ngày không dứt, người bệnh nên đi khám chuyên khoa Tai Mũi Họng để được tư vấn và điều trị kịp thời. Việc phát hiện và điều trị sớm không chỉ giúp nhanh chóng cải thiện sức khỏe mà còn ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm.

Việc nhận thức rõ nguyên nhân các bệnh lý viêm vùng mũi họng sau Tết và thực hiện các biện pháp phòng ngừa là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe, giúp mỗi người có một cơ thể khỏe mạnh để tiếp tục làm việc và học tập hiệu quả sau kỳ nghỉ lễ.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Chủ tịch Quốc hội: Lực lượng công an tiên phong đi đầu trong sắp xếp, tinh gọn bộ máy
Chủ tịch Quốc hội biểu dương lực lượng công an tiên phong đi đầu trong việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy đảm bảo mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Mô hình này được các địa phương, bộ ngành khác học tập làm theo.
Mới nhất