PGS.TS Nguyễn Thị Lâm bất ngờ trước thông tin hai doanh nghiệp sản xuất gần 600 loại sữa giả. Bà khẳng định bản thân không phải là người của công ty và hoàn toàn không liên quan đến quá trình sản xuất sản phẩm.
Năm 2023, bà được một công ty truyền thông mời tham gia giới thiệu về sản phẩm của Công ty Hacofood. Bên mời cung cấp đầy đủ các giấy tờ pháp lý như giấy chứng nhận FDA Hoa Kỳ, cũng như giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Những thông tin và tài liệu này khiến bà tin tưởng và đồng ý tham gia với vai trò chuyên gia.
“Tôi không làm việc trực tiếp với nhà máy mà chỉ thông qua đơn vị truyền thông. Họ xin được đầy đủ giấy tờ từ ban đầu, nhưng khi đưa vào sản xuất lại không đảm bảo chất lượng, đó là điều tôi không thể ngờ tới”, PGS Lâm nói.

PGS Lâm cho biết, bà từng cùng đơn vị truyền thông đến thăm cơ sở sản xuất. Qua quan sát, bà thấy nhà máy khá sạch sẽ, quy trình sản xuất một chiều, thông khí đầy đủ. Tuy nhiên, sau khi xảy ra sự việc, truyền thông không cung cấp lại clip quảng cáo đăng trên YouTube để bà xem lại nội dung mình xuất hiện.
“Tôi thực sự cảm thấy bị lợi dụng hình ảnh. Nếu biết trước sự việc, tôi đã tư vấn để nhà máy đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu”, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm nói.
Theo bà, sai phạm lớn nhất nằm ở khâu sản xuất. “Đáng lẽ, mỗi lô hàng phải được kiểm nghiệm các thành phần dinh dưỡng như đã công bố trên nhãn mác, nhưng công ty lại không làm kỹ. Khi công bố không đầy đủ, sản phẩm hiển nhiên không đạt chuẩn”, PGS.TS Lâm nói thêm.
Sự việc không chỉ khiến người tiêu dùng hoang mang, mà còn đặt ra cảnh báo về việc sử dụng hình ảnh chuyên gia, bác sĩ trong quảng cáo sản phẩm. “Chúng tôi, những người làm chuyên môn, bị lợi dụng mà không hay biết. Điều đó ảnh hưởng đến uy tín cá nhân và niềm tin của cộng đồng với ngành y tế”, PGS Lâm nói thêm.
Bộ Công an vừa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán và tiêu thụ sữa bột giả với quy mô lớn, liên quan đến Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty Cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group.
Theo kết quả điều tra ban đầu, từ tháng 8/2021 đến nay, các nghi phạm thành lập hai công ty trên để sản xuất và kinh doanh sữa bột giả, chủ yếu nhắm đến nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non và phụ nữ mang thai. Tổng cộng 573 nhãn hiệu sữa bột giả được sản xuất và đưa ra thị trường, chủ yếu tiêu thụ tại Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Đáng chú ý, trên website, fanpage và các nền tảng mạng xã hội của các công ty cũng như nhãn hàng liên quan, nhiều video quảng cáo các sản phẩm sữa này được đăng tải, trong đó có cả hình ảnh của một số bác sĩ — khiến người tiêu dùng tin tưởng và dễ dàng bị đánh lừa.
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra làm rõ. Bộ Công an cảnh báo người dân cần thận trọng khi mua các sản phẩm sữa bột, đặc biệt là dành cho người bệnh và trẻ em, đồng thời khuyến cáo không nên tin vào quảng cáo trên mạng nếu chưa được kiểm chứng rõ ràng.
Bộ Y tế đã nhiều lần cảnh báo về hiện tượng nhiều bác sĩ, cán bộ y tế và người nổi tiếng sử dụng mạng xã hội để thổi phồng công dụng của thực phẩm chức năng, thậm chí biến chúng thành "thần dược".