Là người yêu thích vẻ đẹp của Hồ Tây, anh Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, anh ủng hộ nếu có các dịch vụ vui chơi trên mặt hồ phong phú hơn để giúp thu hút thêm du khách tới đây: "Có những hoạt động thì sẽ thu hút thêm được du khách đến nhiều hơn. Vừa thu hút thêm được lượng khách và cũng là nguồn để Hà Nội có thêm thu nhập".
Tuy nhiên, kinh doanh, tổ chức dịch vụ sao cho không làm cho Hồ Tây bị ô nhiễm, cảnh quan được giữ gìn là điều mà người dân đang băn khoăn, lo lắng: "Kinh doanh cũng được nhưng phải đảm bảo vệ sinh môi trường và những hoạt động phải có nội quy rõ ràng để cho các đơn vị kinh doanh không vi phạm".
Trước đây, sự tồn tại của những tàu du lịch, nhà nổi đã khiến hệ sinh thái, thủy sản trong hồ chết hàng loạt dẫn tới hồ Tây bị ô nhiễm nghiêm trọng. Năm 2017, Hà Nội đã yêu cầu chấm dứt các hoạt động kinh doanh dịch vụ. Do đó, việc nhiều hoạt động kinh doanh dịch vụ có thể xuất hiện trở lại ở khu vực này đã làm trỗi dậy những mối lo ngại về môi trường.
KTS Trần Huy Ánh - Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội lo lắng về nhiều thách thức cần giải quyết: "Du thuyền, đạp vịt, xả thải của nhà hàng ven hồ và ăn uống trên mặt hồ từng phải đối mặt và mất rất nhiều thời gian để khắc phục, gần chục năm. Giờ đây Hồ Tây đứng trước nguy cơ mâu thuẫn các hoạt động xung đột với nhau, các ngành nghề khác nhau và mâu thuẫn với hiện tại khi Hồ Tây vẫn đang ô nhiễm, lượng bùn lắng đọng nhiều".
Bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng cho hay, việc phát triển du lịch, dịch vụ ở hồ Tây có thể thu hút thêm du khách và mang lại nguồn thu, nhưng yêu cầu đầu tiên là phải bảo đảm không gây ô nhiễm cũng như ảnh hưởng tới không gian hồ và mỹ quan của thắng cảnh này. Nếu cho phép quá nhiều loại hình kinh doanh trên Hồ Tây sẽ tạo ra sự lộn xộn về cảnh quan, từ đó có thể mất đi giá trị vốn có của hồ lớn nhất Thủ đô. Chính vì thế cần phải hết sức thận trọng trong việc cho phép kinh doanh ở đây.
"Yếu tố đầu tiên phải nghĩ đến là làm thế nào bảo vệ được môi trường và giữ được môi trường bởi đó là yếu tố duy nhất để cho các dịch vụ đó tồn tại. Từ khía cạnh môi trường, việc phát triển dịch vụ kinh tế trên các mặt nước có thể làm được nhưng phải phát triển hạ tầng cơ sở ngay từ ban đầu như đánh giá tác động môi trường, kiểm soát ô nhiễm của từng khu vực", bà Nguyễn Ngọc Lý cho biết.
Các chuyên gia môi trường cho rằng, cần phải có nghiên cứu thật kỹ về tác động của các loại hình dịch vụ định mở đối với hệ sinh thái và môi trường của hồ Tây. Khi cấp phép và khai thác, phải có biện pháp quản lý hiệu quả để đảm bảo khu vực này không bị các tác động tiêu cực về môi trường và cảnh quan.
Nếu không, Hồ Tây sẽ tiếp tục phải hứng chịu những hệ quả xấu về môi trường khi sự ô nhiễm trước đó còn chưa được khắc phục hoàn toàn.