Bước đi âm thầm của Mỹ tăng sức ép lên Nga nhưng làm mất lòng Thổ Nhĩ Kỳ

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: Business Insider | 19/10/2022, 07:40

Việc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí kéo dài 35 năm với Cộng hòa Síp có thể phần nào gia tăng sức ép lên Nga nhưng không phải tất cả thành viên NATO đều hài lòng với quyết định này, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ

Tháng 9/2022, Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí trong một thời dài với Cộng hòa Síp, cho phép quốc đảo này mua hoặc nhận vũ khí từ Mỹ bắt đầu từ tháng 10.

Lệnh cấm vận được áp đặt vào năm 1987 nhằm hạn chế số lượng vũ khí trên hòn đảo này để ủng hộ nỗ lực thống nhất Cộng hòa Síp và một khu vực do Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát ở phía Bắc của Síp.

Việc Mỹ dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vào năm 2020 và quyết định dỡ cấm vận hoàn toàn sau đó đã phản ánh sự dịch chuyển tình hình địa chính trị ở Đông Địa Trung Hải và là dấu hiệu cho thấy nỗ lực nhằm làm giảm tầm ảnh hưởng của Nga trong khu vực.

"Đây là một quyết định lịch sử phản ánh mối quan hệ chiến lược giữa hai quốc gia, trong đó có lĩnh vực an ninh", Tổng thống Cộng hòa Síp Nikos Anastasiades cho hay trong một thông báo.

Cộng hòa Síp từ lâu có mối quan hệ gần gũi với Nga, vốn là một nhà cung cấp vũ khí lớn cho nước này. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, chính phủ Cộng hòa Síp đã xích lại gần Mỹ.

Năm 2019, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật Quan hệ đối tác về An ninh và Năng lượng Địa Trung Hải nhằm tăng cường hợp tác năng lượng giữa Mỹ với Cộng hòa Síp, Israel và Hy Lạp. 3 nước Địa Trung Hải này sau đó tiếp tục thắt chặt sự hợp tác về năng lượng và các vấn đề an ninh.

Tiếp đó, vào năm 2020, chính phủ Mỹ dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận, cho phép xuất khẩu các thiết bị quân sự không sát thương tới Cộng hòa Síp và bắt đầu huấn luyện cho các lực lượng của nước này. Động thái trên diễn ra sau các cuộc tập trận thường xuyên giữa các lực lượng đặc biệt của Mỹ và Cộng hòa Síp.

Nỗ lực gây sức ép lên Nga

Ngoài vị trí nhìn ra Đông Địa Trung Hải, vị trí của Cộng hòa Síp cũng cho phép nước này tiếp cận Bắc Phi, khu vực Levant và Tiểu Á.

Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2/2022, Cộng hòa Síp đã cấm một số tàu chiến Nga vào cảng, chấm dứt thỏa thuận năm 2015 về việc cho Nga quyền tiếp cận các cảng trên để bổ sung hậu cần.

Sau khi lệnh cấm vận dỡ bỏ một phần vào năm 2020, Mỹ đã kêu gọi Cộng hòa Síp cấm Nga tiếp cận các cảng biển của nước này, gây ra sự căng thẳng về ngoại giao giữa Washington và Moscow.

Mất quyền tiếp cận Đảo Síp sẽ buộc các tàu chiến Nga phải tới các địa điểm khác để duy trì các chiến dịch trong khu vực. Moscow hiện đã có một cảng ở Syria và đang mở rộng nó.

Việc xích lại gần Mỹ cũng có thể khiến Cộng hòa Síp cung cấp các vũ khí do Nga sản xuất cho Ukraine để đổi lấy các vũ khí mới do Mỹ sản xuất.

Cộng hòa Síp có 92 xe tăng T-80U, 43 xe chiến đấu bộ binh BMP-3 và một số hệ thống phòng không cũng như phương tiện quân sự khác. Các nhà phân tích cho rằng, việc cung cấp chúng cho Ukraine sẽ làm tăng cường khả năng phòng thủ của Kiev, song điều đó sẽ làm rạn nứt quan hệ giữa Cộng hòa Síp và Nga.

Ngày 13/10, Tổng thống Anastasiades cho biết, Cộng hòa Síp không có kế hoạch cung cấp vũ khí cho Ukraine song sẽ để ngỏ việc trao đổi các phương tiện quân sự của nước này để lấy vũ khí hiện đại hơn.

Làm mất lòng Thổ Nhĩ Kỳ

Nhà quan sát Constantine Atlamazoglou nhận định trên Business Insider rằng, việc dỡ bỏ cấm vận Cộng hòa Síp có thể làm bùng lên căng thẳng lâu nay giữa 2 đồng minh thân cận của Washington.

Đảo Síp là một trong những vấn đề gây tranh cãi giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ - hai quốc gia với mối quan hệ ngày càng xấu đi khiến các thành viên NATO khác lo ngại. Trên thực tế, Đảo Síp bị chia rẽ giữa người Síp gốc Hy Lạp chiếm đa số và cộng đồng thiểu số người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ.

“Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ ở Bắc Síp” hiện là nơi đóng quân của gần 40.000 binh lính Thổ Nhĩ Kỳ. Căng thẳng vẫn thường xuyên diễn ra trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ đang tiếp tục chiếm đóng 1/3 phía Bắc của Síp (Cyprus), cũng là một quốc gia thành viên EU. Việc giải quyết vấn đề này đã bị đình trệ trong nhiều năm, khiến đất nước bị chia cắt bởi một đường biên giới được canh phòng cẩn mật. Trong khi đó, Cộng hòa Síp kiểm soát 2/3 diện tích hòn đảo. Nỗ lực nhằm tái thống nhất hòn đảo này đã nhiều lần thất bại.

Athens hoan nghênh quyết định của Mỹ về việc dỡ bỏ cấm vận khi Ngoại trưởng Nikos Dendias bày tỏ, Hy Lạp cảm thấy vô cùng hài lòng về động thái trên.

Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp Nikolaos Panagiotopoulos đã gọi Hy Lạp và Đảo Síp là "anh em" trong "một kỷ nguyên địa chính trị mới đầy phức tạp", đồng thời cho rằng, việc dỡ bỏ cấm vận có thể mở đường để cho các hợp đồng vũ khí và dự án cơ sở hạ tầng của Mỹ, trong đó có 1 căn cứ hải quân trên Đảo Síp.

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ phản đối mạnh mẽ việc này và hối thúc Mỹ cân nhắc lại quyết định trên. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, việc dỡ bỏ cấm vận sẽ "ảnh hưởng tiêu cực đến những nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề Đảo Síp".

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cũng gọi quyết định trên là một quyết định "không thể giải thích được về hoàn cảnh và thời điểm”, đồng thời cho biết Ankara sẽ tăng cường hiện diện quân sự tại hòn đảo này. Ông Erdogan cũng cho rằng động thái của Mỹ sẽ dẫn đến "một cuộc chạy đua vũ trang" trên Đảo Síp./.

Bài liên quan
Phương Tây trì hoãn viện trợ cho Ukraine khiến Nga càng có lợi thế
VOVLIVE - Tình trạng thiếu hụt đạn dược của Ukraine vẫn tiếp diễn bất chấp việc các nhà lãnh đạo phương Tây ngày càng nhận thức rõ về cái giá của sự trì hoãn. Trong khi đó, các lực lượng của Moscow hiện đang phóng số lượng đạn pháo gấp 7 lần đối phương.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng kiểm tra dự án giao thông trọng điểm tại Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định
Sáng 29/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các Bộ ngành, địa phương nơi có dự án đi qua đã đi kiểm tra các dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông  giai đoạn 2021 - 2025 đi qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định.
Mới nhất