
Chiến tranh kết thúc, vang khúc khải hoàn
Bức ảnh chụp Tổng thống Dương Văn Minh đọc tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, sau ngày giải phóng được ông Phạm Kỳ cất như kỷ vật của gia đình. Chuyển nhà bao bận, cái gì có thể bỏ nhưng chiếc máy Nikon cũ kỹ và bức ảnh “để đời” luôn được ông giữ chặt bên mình. Nâng niu bức ảnh bằng hai tay, cựu phóng viên Hãng Thông tấn AP mở đầu câu chuyện, giọng xúc động xen lẫn tự hào: “Đây là bức ảnh quý nhất trong hành trình làm báo của tôi. Chính thức làm phóng viên cho AP tại Sài Gòn từ năm 1972, tôi cùng chiếc máy ảnh đã đi qua nhiều tỉnh, thành nơi diễn ra các trận đánh khốc liệt, bom đạn cận kề và lưu lại những thời khắc khó quên của lịch sử. Thế nhưng, đúng như lời tòa soạn AP, bức ảnh chụp tại Đài Phát thanh Sài Gòn ngày 30/4/1975 có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Lúc đó tầm 12 giờ 30 phút, căn chỉnh bố cục xong xuôi, tôi đưa máy lên chụp rồi khẩn trương gửi toàn bộ phim cho tòa soạn theo đúng quy định. Sau đó, họ rửa bức ảnh này và tặng kèm phim cho tôi vì cho rằng đây là dữ kiện lịch sử cần được lưu giữ cẩn thận. Bức ảnh đánh dấu hồi kết của cuộc chiến tranh đặc biệt tại Việt Nam”.

Đôi tay run run, lấm tấm đồi mồi, người đàn ông gần 90 tuổi nhớ nhớ quên quên chuyện xưa, nhưng riêng chuyện về buổi phát thanh đặc biệt hôm ấy, ông kể vanh vách. Ngày 30/4/1975, khi phóng viên Phạm Kỳ cùng một số người ghé Đài Phát thanh Sài Gòn, chẳng có ai ở đó, mọi thứ bỏ ngỏ. Ông đứng lại, quan sát phòng thu âm thật kỹ và phát hiện mọi thứ trống rỗng nên quay sang nhìn mọi người đang đứng gần đó, gợi ý: “Muốn sử dụng được phương tiện này ghi âm, bây giờ chỉ còn một cách các anh phải đi cùng tôi về “Làng báo chí” ở phường Thảo Điền tìm người có chuyên môn hỗ trợ”. Xe đưa ông Phạm Kỳ về “Làng báo chí” ngay sau đó. Đến nơi, ông khẩn trương liên hệ và mời mấy chuyên viên của Đài Phát thanh Sài Gòn lên Đài khởi động, điều khiển máy móc. Xe quay lại Đài, đồng hồ điểm 12 giờ trưa, mọi thứ rất khẩn trương.
Không lâu sau đó, Đài Phát thanh Sài Gòn phát đi lời đầu hàng vô điều kiện của Tổng thống Dương Văn Minh. Ông Nguyễn Hữu Thái, cựu Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn được phân công làm phát thanh viên cho chương trình phát thanh đặc biệt ấy. Ông Thái nói lời mở đầu trên sóng: “Chúng tôi là những người đại diện cho Ủy ban nhân dân cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Chúng tôi là những người đầu tiên đến Dinh Độc Lập. Chúng tôi là giáo sư Huỳnh Văn Tòng và cựu Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn Nguyễn Hữu Thái. Đời sống bình thường đã trở lại Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố mà Bác Hồ mong đợi, nay đã được giải phóng. Xin giới thiệu lời kêu gọi của ông Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu của chính quyền Sài Gòn về vấn đề đầu hàng ở thành phố này”.

Ngay sau đó là lời của Tổng thống Dương Văn Minh: “Tôi, Đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn, kêu gọi quân lực Việt Nam Cộng hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn từ trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn. Từ trung ương đến địa phương trao lại cho chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam”. Kế tiếp đó là lời chấp nhận đầu hàng của chính ủy Bùi Văn Tùng, phát biểu của giáo sư Vũ Văn Mẫu. “Quân giải phóng đã tiến vào Dinh Độc Lập và làm chủ hoàn toàn các điểm chốt quân sự cũng như dân sự của vùng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định”, ông Thái tiếp lời trên sóng phát thanh.
Trong bức ảnh chụp tại Đài Phát thanh Sài Gòn hôm ấy, ông Thái có mặt. Ông mặc sơ mi trắng, tay ôm tập tài liệu, cùng mọi người bàn bạc chuẩn bị cho chương trình. Ông cũng là người điều hành buổi phát thanh, đọc thêm bảng công bố chính sách của Cách mạng đối với vùng mới giải phóng. Tiếp đó, nhóm sinh viên có mặt tại đài chủ động kéo dài chương trình. Ông Thái kể lại, nhiều người đổ về đài phát thanh từ sau lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh, trong đó có nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Mọi người cùng nhau hát bài “Nối vòng tay lớn” vào ngày đáng nhớ của lịch sử. Không đàn hay trống, mọi người tạo nhịp bằng tiếng vỗ tay, cùng hát vang trong niềm vui chiến thắng, thống nhất nước nhà.

Hòa bình đẹp lắm!
Trước khi đến Đài Phát thanh Sài Gòn, ông Thái đã chứng kiến khoảnh khắc đáng nhớ khác tại Dinh Độc Lập vào ngày 30/4 lịch sử. Ông là một trong hai người hỗ trợ dẫn đường để Đại đội trưởng Bùi Quang Thận lên cắm cờ giải phóng trên nóc Dinh Độc Lập. “Để treo lá cờ giải phóng lên, phải hạ lá cờ vàng ba sọc xuống. Nhưng lá cờ ba sọc quá lớn, lại được cột chắc chắn nên phải mất khá lâu chúng tôi mới hạ xuống được. Dường như tất cả chúng tôi đều không cầm được nước mắt. Sài Gòn đã giải phóng, hòa bình lập lại và đất nước từ nay thống nhất. Anh Bùi Quang Thận kéo lá cờ giải phóng xanh đỏ sao vàng lên sau khi ký tên vào lá cờ với nội dung “11 giờ 30 ngày 30/4. Thận”. Vào thời điểm lịch sử ấy trên nóc Dinh Độc Lập, có mặt ba chàng trai của ba miền đất nước. Anh bộ đội Thận gốc Thái Bình từ Đồng bằng sông Hồng, sinh viên Thái sinh ra ở thành phố cảng Đà Nẵng miền Trung và giáo sư Tòng quê Tây Ninh, Nam bộ. Chúng tôi vừa sung sướng, vừa hãnh diện”, ông Thái kể lại chuyện của 50 năm về trước.
Tác nghiệp tại chương trình phát thanh đặc biệt tại Đài Phát thanh Sài Gòn trưa ngày 30/4 xong, sau khi hoàn thành nốt các phần việc chuyên môn, chiều hôm ấy, với chiếc Nikon trên cổ, phóng viên Phạm Kỳ theo dòng người xuống đường chào mừng chiến thắng. Chỉ cách đó vài tiếng, đường phố Sài Gòn vắng lặng, không một bóng người, không khí ngột ngạt đến nghẹt thở mà giờ đây, mọi thứ rộn ràng, hân hoan. “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm! Việt Nam muôn năm!”… Dòng người ùa ra từ các ngả đường, con hẻm, cờ hoa rực rỡ, hô vang khẩu hiệu, tinh thần chiến thắng ngút ngàn. Hòa bình thật đẹp trong mắt bao người!

Phút giây thiêng liêng ấy, ông Phạm Kỳ ngắm nhìn mọi thứ thật lâu, hít thở thật chậm. Là phóng viên chiến trường, chứng kiến bao mất mát, đau thương, ông biết giây phút hòa bình quý giá thế nào. Ông đưa máy, ngắm từng ánh mắt, nụ cười rồi chụp lại rất nhiều bức ảnh trong buổi chiều không thể nào quên ấy. Sài Gòn hôm ấy thật khác, nắng đẹp hơn, phố đông hơn theo bước chân, tiếng hát của bao người. Sau bao năm mong ngóng, hòa bình đã hiện diện ngay trước mắt.
Sau khi tác nghiệp tại khu Bàn Cờ (quận 3), phóng viên Phạm Kỳ chạy xe về hướng quận 1 và dừng lại trước Tòa Đô chính (nay là UBND TP.HCM) rồi sang Bưu điện Sài Gòn (nay là Bưu điện Trung tâm TP.HCM), tiếp tục ghi lại hình ảnh đáng nhớ của thành phố. Càng về chiều, dòng người càng đông đúc. Tiếp đó, ông xuôi về Bến Bạch Đằng, ghé đến các điểm quan trọng chụp thêm nhiều bức ảnh gửi cho tòa soạn. Những ngày sau đó, Sài Gòn bắt đầu nhộn nhịp hơn, thành phố tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, kiến thiết cuộc sống. Ông Phạm Kỳ ở lại thành phố đến ngày hôm nay, chứng kiến sự thay da đổi thịt của thành phố, lòng rất đỗi vui mừng. Như bao người đi qua chiến tranh, tận mắt chứng kiến những thời khắc quan trọng của lịch sử, ông hạnh phúc vì thành phố ngày càng giàu đẹp, có nhiều bước nhảy vọt ở tất cả các lĩnh vực. Cựu phóng viên Hãng AP chia sẻ, giọng bùi ngùi: “Bức ảnh giờ cũ mèm, nhưng lạ thay, càng cũ tôi thấy nó càng đẹp. Mỗi lần nhìn ảnh, trong đầu tôi lại rõ như in hình ảnh ngày 30/4, ngày Sài Gòn chấm dứt chiến tranh, đất nước thống nhất, ngày nụ cười hòa vào nước mắt của hạnh phúc”.