Khoảnh khắc áp giải Dương Văn Minh đến Đài phát thanh đọc tuyên bố đầu hàng

30/04/2025, 08:00

Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày Bắc – Nam liền một dải, nhưng với cựu chiến binh Nguyễn Huy Hoàng, ký ức về ngày 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập vẫn vẹn nguyên như ngày nào. Âm thanh của tiếng bom, tiếng xe tăng, lời tuyên bố đầu hàng… vẫn in hằn trong tâm trí ông như một phần máu thịt.

VOV.VN - Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày Bắc - Nam liền một dải, nhưng với cựu chiến binh Nguyễn Huy Hoàng, ký ức về ngày 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập vẫn vẹn nguyên như ngày nào. Âm thanh của tiếng bom, tiếng xe tăng, lời tuyên bố đầu hàng… vẫn in hằn trong tâm trí ông như một phần máu thịt.

Hẹn gặp Cựu Chiến binh Nguyễn Huy Hoàng tại nhà riêng vào một chiều tháng 4 lịch sử. Từ sớm, ông đã mặc đồ chỉnh tề ngồi đợi chúng tôi, đúng như tác phong trong quân đội.

Với ánh mắt tự hào không giấu giếm, ông hồi tưởng: “Tôi là một binh nhất, làm nhiệm vụ truyền đạt mệnh lệnh bằng miệng, chạy bộ bên cạnh xe chỉ huy để bảo vệ thủ trưởng”.

Có mặt trong khoảnh khắc lịch sử, ông là một trong số những người áp giải Tổng thống Dương Văn Minh từ Dinh Độc Lập đến Đài phát thanh Sài Gòn trên chính chiếc xe Jeep chỉ huy của Trung đoàn E66, để đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện - khép lại chiến tranh, thống nhất đất nước.

Xuất thân là một thanh niên phố cổ Hà Nội, nhà ở ngay trung tâm Thủ đô - số 1 Tràng Thi. Năm 1972, chàng trai Nguyễn Huy Hoàng gác lại những bản vẽ và giấc mơ công trình tại Đại học Kiến trúc để cùng hàng nghìn, hàng vạn thanh niên ưu tú của cả nước khoác ba lô lên đường nhập ngũ.

Đồng hành với ông là người bạn thân thiết Bàng Nguyên Thất (nhà ở ngõ chợ Khâm Thiên), cùng được phiên chế vào Đại đội 70, Tiểu đoàn 68, Trung đoàn 59 – nơi đóng quân huấn luyện ở Tân Lạc, Hòa Bình.

“Sau khi hành quân vào Nam, chúng tôi được điều về đại đội 18, trung đoàn E66, sư đoàn 304 gắn bó cùng nhau từ trận đánh căn cứ Thượng Đức (Đà Nẵng) năm 1974 cho đến ngày tiến về Sài Gòn” – ông Hoàng chia sẻ.

Tại Đà nẵng, đơn vị thu chiến lợi phẩm là chiếc xe Jeep, đây cũng là “người bạn đồng hành” từ miền Trung vào tới Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Và sau này chính nó xuất hiện trong ngày áp giải Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng.

Sáng ngày 30/4/1975, trên đường tiến vào trung tâm thành phố, đoàn xe của đơn vị bị địch chặn đánh ác liệt ở cầu Sài Gòn và khu vực Tân Cảng.

“Chúng tôi mất một xe tăng, nhiều chiến sĩ hy sinh. Nhưng cũng tại đó, xe tăng của ta bắn cháy hai xe tăng địch. Chiếc Jeep của chúng tôi do đồng chí Vân lái phải lách qua đống xác xe tăng đang bốc cháy để vượt cầu”, ông Hoàng kể lại.

Sau trận đánh ngắn nhưng dữ dội ở Thị Nghè, đoàn quân tiếp tục tiến vào trung tâm thành phố. Khi đến gần Dinh Độc Lập, cả tổ trinh sát bối rối vì… không ai biết đường.

Ông Hoàng bỗng nâng tông giọng kể: “Đúng lúc ấy, một người dân giơ cao lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng, chạy ra giữa đường.

Đại úy Phạm Xuân Thệ liền gọi lại: “Chú có biết đường vào Dinh không?”

Ông ấy gật đầu chắc nịch: “Để tôi dẫn đường!”, rồi không chần chừ, leo phắt lên thành xe.”

Chiếc xe Jeep lao đi giữa lòng thành phố Sài Gòn còn khét mùi thuốc súng, theo sát phía sau hai xe tăng.

Khi xe tăng 843 húc mạnh vào cánh cổng bên trái thì bất ngờ chết máy, chiếc 390 lập tức vượt lên, tiếp tục húc đổ cổng chính tiến vào. Chiếc Jeep cũng lăn bánh theo vào trong Dinh Độc Lập.

“Không có sự chống cự ác liệt của quân địch, trong đầu tôi nghĩ, chiến thắng đến nơi rồi” – Ánh mắt ông Hoàng ánh lên nét mừng rỡ.

Chỉ vào từng nhân vật trong bức ảnh đen trắng trên tay, ông Hoàng kể: “Lúc đó, trong đại sảnh Dinh Độc Lập, Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh chỉ tay giới thiệu: “Đây là Tổng thống Dương Văn Minh”, một người đàn ông cao lớn, đeo kính. Bên cạnh ông là Thủ tướng Vũ Văn Mẫu, mặc bộ comple xám. Cả hai đứng giữa vòng vây của các nhà báo quốc tế máy ảnh chớp sáng liên tục, tiếng thì thầm bằng đủ thứ tiếng vang lên khắp nơi”

“Tổng thống Dương Văn Minh nói: “Chúng tôi chờ các ông đến để bàn giao chính quyền”. Nhưng anh Phạm Xuân Thệ, lúc ấy là Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 6, lập tức đáp: “Không còn gì để bàn giao. Các ông là tù binh. Chỉ có đầu hàng vô điều kiện!”, ông Hoàng kể lại, giọng chậm rãi nhưng dứt khoát.

Đối với ông Hoàng, đây là câu nói “không thể nào quên”, như một lằn ranh cắt ngang lịch sử.

Ngay sau đó, Dương Văn Minh trao khẩu súng lục cho Phạm Xuân Thệ - vật tùy thân cuối cùng của một vị “Tổng thống ngắn ngày”, cũng là lúc lịch sử khép lại một chương đau thương.

Khẩu súng ấy, giờ đây, lặng lẽ nằm trong tủ kính tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam như một chứng tích thiêng liêng của lịch sử.

Trung đoàn E66 được lệnh áp giải Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu đến Đài Phát thanh Sài Gòn để phát đi tuyên bố đầu hàng.

Đó là mệnh lệnh quan trọng, để cả thế giới biết rằng: chiến tranh Việt Nam đã kết thúc, dân tộc Việt Nam đã toàn thắng, non sông Việt Nam đã liền một dải.

“Khi ấy, ông Minh ngỏ ý muốn đi bằng xe riêng,” ông Nguyễn Huy Hoàng nhớ lại, ánh mắt sáng lên nét cương nghị, như đang sống lại thời khắc ấy. “Nhưng anh Phạm Xuân Thệ dứt khoát: “Không. Mời ông lên xe Jeep của chúng tôi!’”

Thế là chiếc xe Jeep chở Tổng thống chính quyền Sài Gòn thất thế đi giữa đường phố đông nghịt, người dân đã bắt đầu ùa ra, cờ hoa vẫy rợp trời.

Trên xe, binh nhất Nguyễn Huy Hoàng ngồi trên thành, súng lăm lăm trong tay, mắt không rời dòng người đang đổ ra đường.

“Tôi ngồi trên thành xe. Người đông như hội. Có người nhận ra Dương Văn Minh. Tôi phải đề phòng mọi tình huống. Lỡ có ai đó quá khích, ném lựu đạn, thì cả xe... coi như xong” – ông trầm giọng, như vẫn còn cảm giác khẩu súng nặng trĩu trên tay.

Theo lời kể của ông Hoàng, chính Dương Văn Minh đã chỉ đường đưa đoàn xe tiến thẳng tới Đài Phát thanh Sài Gòn. Tại đây, Tiểu đoàn 8 thuộc Trung đoàn E66 đã nhanh chóng làm chủ khu vực.

Nhưng lúc này, một trục trặc kỹ thuật xảy ra, chiếc máy ghi âm của Trung đoàn E66 bị rối băng.

Đúng lúc đó, một nhà báo người Cộng hòa Liên bang Đức tên là Boris Glats, đi cùng ông Bùi Tùng, đại diện quân Giải phóng mang theo chiếc máy ghi âm từ Đà Nẵng. Họ đã mượn chiếc máy ghi âm này để ghi lời tuyên bố chấp nhận đầu hàng của Dương Văn Minh.

Chính Trung tá Bùi Văn Tùng, Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 đã soạn thảo lời tuyên bố chấp nhận đầu hàng, rồi đưa cho Dương Văn Minh đọc trên Đài phát thanh.

Nói đến đây, ông Hoàng chỉ cho tôi xem bức ảnh ông Thệ đang cầm bản thảo lời tuyên bố chấp nhận đầu hàng cho Dương Văn Minh đọc rồi ông trở lại câu chuyện.

Giữa trưa ngày 30/4/1975, trong không gian chật hẹp của phòng thu tại Đài Phát thanh Sài Gòn, không khí dường như đặc quánh lại.

Dương Văn Minh cất giọng: “Tôi, Đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống Chính quyền Sài Gòn, kêu gọi Quân lực Việt Nam Cộng hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam…”

Những hình ảnh này luôn in đậm trong tâm khảm ông Hoàng, bởi để có được những phút giây này đã có biết bao xương máu của anh em chiến sĩ, đồng bào, đồng chí đã đổ xuống.

Lời tuyên bố ấy không chỉ là một thủ tục cuối cùng để khép lại một thể chế. Đó là dấu chấm hết những năm chiến tranh, là tiếng sấm xé toang màn đêm chia cắt, là hồi chuông mở ra bình minh thống nhất.

Không một tiếng súng nổ thêm sau đó. Không một giọt máu đổ thêm. Chỉ còn tiếng vỡ òa vang rợp trời của hàng triệu người dân trên khắp mọi nẻo đường đất nước. Niềm vui hòa lẫn máu và nước mắt.

Chiến tranh Việt Nam đã chính thức khép lại. Dân tộc Việt Nam đã toàn thắng!!!

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Trực tiếp: Lễ diễu binh ngày 30/4 mừng 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Trực tiếp: Lễ diễu binh mừng 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trực tiếp lễ diễu binh 30/4 từ TP.HCM.
Mới nhất