Trong và sau mưa bão, lũ lụt, vô số các vi sinh vật, bụi, rác, chất thải,… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh. Theo TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, do nhiều ngày đối chọi với bão lũ, sức khỏe của người dân cũng bị giảm sút nên sức đề kháng cũng giảm trước những dịch bệnh có thể xảy ra.
“Những dịch bệnh phổ biến trong mùa mưa lũ như: sốt xuất huyết, sốt rét, các bệnh đường tiêu hóa như tả, lỵ do nguồn nước không đảm bảo vệ sinh. Bên cạnh đó là nguy cơ xảy ra các bệnh: thương hàn, tiêu chảy, bệnh nước ăn chân, cảm cúm, đau mắt đỏ”, ông thông tin.
Trước nguy cơ dịch bệnh sau lũ lụt, Bộ Y tế đã có văn bản khẩn gửi các tỉnh, thành bị ảnh hưởng của bão lũ, trong đó đề nghị các địa phương tổ chức giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để những ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra trong và sau mưa lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.
Ngành y tế các tỉnh, thành cũng cần khẩn trương cung ứng đủ thuốc phục vụ việc phòng, chống dịch bệnh, chẩn đoán và điều trị bệnh sau bão lũ.
Sau khi nhận được đề nghị của tỉnh Sơn La, ngày 12/9, Bộ Y tế đã quyết định xuất cấp từ kho hàng phòng chống thiên tai cho Sở Y tế tỉnh này 3.000 thùng Cloramin B với tổng số 75.000kg để khử khuẩn nguồn nước.
TS. Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, sau cuộc họp ngày 12/9 do Thủ tướng Chính phủ chủ trì tại 2 tỉnh Yên Bái và Lào Cai, Bộ trưởng Bộ Y tế đã chỉ đạo đơn vị chức năng xuất cấp cho mỗi tỉnh 2 tấn CloramB, sau đó cấp tiếp 100.000 viên Aquatabs để ngay lập tức nguồn nước đảm bảo nguồn nước sinh hoạt tối thiểu cho người dân.
Bộ trưởng Bộ Y tế đã giao cho Cục Y tế dự phòng và Cục Quản lý môi trường y tế chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh và đưa ra những khuyến cáo kịp thời, đồng thời, hướng dẫn cho người dân về xử lý nguồn nước sinh hoạt đã bị ảnh hưởng của mưa lũ.