Tôi bị cuốn hút bởi con người, văn hóa và phong cảnh Việt Nam
PV:Khi thực hiện dự án phim này, tại sao chị lại chọn Việt Nam? Chị có ấn tượng gì về đất nước và con người nơi đây?
Nhà biên kịch Eirene Tran Donohue: Tôi cảm thấy bị cuốn hút bởi con người, văn hóa và phong cảnh nơi đây và muốn đưa những yếu tố này vào trong dự án phim của mình. Chúng tôi cũng nhận được sự tư vấn, hỗ trợ nhiệt tình từ những người Việt Nam làm việc chung trong dự án này.
PV: "Hành trình tình yêu của một du khách" được quay tại 5 điểm đến mang tính biểu tượng của Việt Nam. Mỗi một phân cảnh phim ở các thành phố khác nhau của Việt Nam có ý nghĩa như thế nào?
Nhà biên kịch Eirene Tran Donohue: Đây là một bộ phim về đề tài du lịch. Người xem có thể thấy những diễn viên sẽ bắt đầu từ một nơi, và tại nơi đó, họ có sự mong đợi cho riêng mình, cho chuyến hành trình sắp tới. Điều khiến cho câu chuyện trở nên đặc biệt chính là sự phát triển trên chuyến hành trình xuyên suốt Việt Nam, lẫn chuyến hành trình khám phá những cảm xúc của mình.
Trên những chuyến hành trình đó, họ được kết nối với những người xung quanh, tại những bối cảnh khác nhau, từ đó hiểu rõ về bản thân mình hơn. Như khi ở TP.HCM, các nhân vật luôn đi trên vỉa hè, mang theo sách hướng dẫn du lịch, làm một danh sách cho riêng mình. Nhưng khi đến Hội An, một nơi vô cùng đẹp, vô cùng lãng mạn, các nhân vật lại có một cách nhìn khác về nhau, họ bắt đầu mở lòng hơn, thư giãn nhiều hơn. Sau đó họ lại đến một vùng đồng quê để ăn Tết và tự dưng họ thấy được những điều chưa từng thấy trước đây. Mọi thứ chậm lại và giống như họ học cách thật sự “thở”. Nhưng rồi khi họ trở về Hà Nội, hiện thực và cuộc sống bận rộn của họ cũng trở lại. Họ phải học cách để những trải nghiệm xuyên suốt chuyến đi với thực tế của cuộc sống. Đó là cách mà chuyến hành trình xuyên suốt Việt Nam và chuyến hành trình khám phá những cảm xúc của bản thân được phát triển cùng nhau.
PV:Trong quá trình làm phim, chị đã di chuyển rất nhiều tại Việt Nam, vậy đâu là nơi khiến chị thích thú nhất và kỷ niệm nào đối với chị là đáng nhớ nhất và có ảnh hưởng lớn nhất đến bộ phim này?
Nhà biên kịch Eirene Tran Donohue: Tôi đến Việt Nam để làm bộ phim này lần đầu tiên là vào năm ngoái. Trước đó, khi còn trẻ tôi cũng đã đến Việt Nam vài lần và cảm nhận được sự thay đổi lớn lao của đất nước này trong vài chục năm qua. Điều đó khiến tôi cảm thấy rất phấn khích.
Tôi yêu TP.HCM còn hơn cả những thành phố lớn khác mà tôi từng qua ở quê nhà Mỹ như New York hay New Orleans. Đây là một thành phố sôi động nhưng lại đặc biệt thân thiện và mến khách. Tôi cũng đã đến Hội An, một thành phố xinh đẹp, lãng mạn với một dòng sông thơ mộng và những chiếc đèn lồng đầy màu sắc. Thật tuyệt vời khi được thưởng thức bữa tối tại đây.
Tôi hy vọng có thể đưa gia đình của mình đến Hội An, Đồng Nai và Cần Thơ trong quá trình thực hiện dự án phim của mình để chồng và con gái tôi hiểu rõ hơn về Việt Nam. Hai năm trước, tôi và chồng đã có mặt tại Hà Nội và tôi đưa anh ấy đi xem múa rối nước và chồng tôi cảm thấy rất thích thú. Tôi đã quyết định đưa một phân cảnh múa rối nước vào trong phim của mình.
PV: Chị đã làm gì để thiết kế một câu chuyện đủ hấp dẫn, lôi cuốn để không bị lấn át bởi bối cảnh ở Việt Nam?
Nhà biên kịch Eirene Tran Donohue: Với tôi, ngoài những yếu tố về Việt Nam đã được đưa vào bộ phim, thì yếu tố cảm xúc trọng tâm mà tôi muốn hướng đến, chính là truyền tải thông điệp rằng: Bạn không cần phải sống theo một lối mòn đã định sẵn, không cần phải quá chú trọng đến những kỳ vọng mà những người xung quanh đặt cho bạn, cũng chẳng cần tuân theo luật hệ của ai đó. Chúng ta là những người làm chủ chính vận mệnh và con đường chúng ta đi.
Khi tôi chia sẻ câu chuyện về lần gặp chồng của mình tại Việt Nam cho mọi người, họ thường bảo tôi rằng đó chính là định mệnh. Nhưng tôi lại tin vào những cơ hội hơn. Cuộc sống luôn gửi đến bạn vô vàn những cơ hội, và nếu như bạn luôn mở lòng, luôn sẵn sàng, bạn sẽ tìm thấy con đường bạn nên đi, nơi bạn nên đến. Tình yêu sẽ chỉ được tìm thấy khi chúng ta lựa chọn con đường cho riêng mình, chứ không phải đi theo lối mòn mà người khác chọn thay, hay mong đợi bạn sẽ đi. Đó chính là yếu tố cảm xúc mang tính cốt lõi của câu chuyện.
Tôi muốn mang đến cho người xem sự đa dạng về cảnh sắc ở Việt Nam
PV:Chị đã đến thăm rất nhiều nơi ở Việt Nam nhưng dường như khu phố cổ Hội An được chị đặc biệt quan tâm và đưa nhiều lên phim của mình, có điều gì đặc biệt ở Hội An khiến chị quyết định làm như vậy?
Nhà biên kịch Eirene Tran Donohue: Đúng là tôi đã đi nhiều địa điểm tại Việt Nam nhưng tôi có ấn tượng với Hội An vì nhiều lý do khác nhau. Ban đầu, chúng tôi liệt kê rất nhiều địa điểm mà chúng tôi dự định sẽ đưa vào trong bộ phim. Nếu có thể, tôi muốn đưa hết vào trong phim của mình bởi đó đều là những nơi tuyệt đẹp, nhưng bạn biết đấy, điều này là không thể.
Chính vì thế, chúng tôi buộc phải lựa chọn những địa điểm phù hợp nhất với kịch bản phim. Dù vậy, chúng tôi cũng đã đi hết từ Bắc vào Nam để quay không chỉ khung cảnh đô thị mà còn cả miền núi, bãi biển và vùng nông thôn nhằm mang đến cho người xem sự đa dạng về cảnh sắc ở Việt Nam.
"Ngôi sao thực sự trong bộ phim của chúng tôi là Việt Nam, và chúng tôi không thể hạnh phúc hơn khi thấy Việt Nam tỏa sáng", nữ diễn viên kiêm nhà sản xuất chính Rachael Leigh Cook chia sẻ.
PV: Chị đánh giá như thế nào về NSƯT Lê Thiện, diễn viên kỳ cựu của Việt Nam tham gia vào dự án phim lần này?
Nhà biên kịch Eirene Tran Donohue: Bà ấy thật tuyệt vời! Tôi có cảm giác bà ấy có sự pha trộn tính cách của mẹ và dì tôi – người cùng sống trong trang trại của gia đình tôi. Toàn bộ bộ phim này được lấy cảm hứng từ cuộc sống của mẹ và dì tôi ở vùng nông thôn.
Khi tôi lần đầu nhìn thấy NSƯT Lê Thiện tôi nhận thấy ngay bà rất phù hợp với hình dung của tôi về nhân vật. Trong nội tâm của bà ấy có cả sự yêu thương và kiên cường mà tôi rất thấy ở nhân vật của mình. Khi chúng tôi trao đổi về vai diễn, NSƯT Lê Thiện cũng thể hiện rõ sự quan tâm của mình.
PV: Đâu là sự khác biệt lớn nhất giữa 2 người phụ nữ trong phim của chị và thông điệp mà chị muốn truyền tải từ sự khác biệt đó là gì?
Nhà biên kịch Eirene Tran Donohue: Đầu tiên đó là sự khác biệt về thế hệ, tuổi tác, kinh nghiệm sống của 2 người. Lối sống và trải nghiệm cuộc sống của họ cũng rất khác nhau, một người sống ở vùng nông thôn trong khi người còn lại sống ở thành phố nơi họ không bị gò bó bởi những hủ tục lạc hậu.
Tuy nhiên, khi khớp lại với nhau và nhìn vào mối quan hệ của họ, bạn có thể nhận thấy được sự yêu thương, quý mến mà họ dành cho nhau. Tôi muốn đi sâu vào khía cạnh này để nhấn mạnh rằng, dù có rất nhiều khác biệt họ vẫn là những người cùng chung sống trong một gia đình, luôn gắn bó và hết mực yêu thương nhau.
PV:Những điều chị đã trải nghiệm và khám phá trong những chuyến đi của mình để thực hiện dự án phim lần này và cả những lần trước đó?
Nhà biên kịch Eirene Tran Donohue: Tôi dành rất nhiều thời gian trong đời để đi đây đi đó và đã đến rất nhiều quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Nam Phi, Hà Lan, Việt Nam… Sau mỗi chuyến đi tôi lại học được thêm nhiều điều mới mẻ và những kiến thức mà trước giờ tôi chưa từng biết.
Và một điều đặc biệt mà tôi cảm nhận được là dù chúng ta có khác biệt như thế nào đi chăng nữa thì ẩn sâu trong mỗi người chúng ta vẫn có điểm chung đó là tình yêu thương mà chúng ta dành cho nhau bất chấp chúng ta đến từ quốc gia, chủng tộc và các giá trị văn hóa nào đi chăng nữa.
PV: Chị có thể chia sẻ dự định của mình trong tương lai? Liệu chị có làm thêm một bộ phim nữa về Việt Nam không?
Nhà biên kịch Eirene Tran Donohue: Tôi đã có thêm những ý tưởng làm phim về Việt Nam và rất hy vọng có thể làm thêm nhiều bộ phim về những nhân vật là người Việt Nam và cả những người Mỹ gốc Việt để người dân Mỹ có thể hiểu thêm về cuộc sống và trải nghiệm của người Việt trong và ngoài nước.
PV: Xin cảm ơn chị!./.