Sáng 26/10, TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học về vấn đề lý luận, thực tiễn trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Hội thảo tổ chức nhằm thực hiện hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương về triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng sâu rộng về nội dung tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Điểm tên cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm
Các tham luận tại hội thảo tập trung làm rõ hơn những nội dung đặc sắc, luận điểm quan trọng và những chỉ dẫn trong tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đồng thời đề ra giải pháp thiết thực, khả thi để triển khai trong thực tiễn, đặc biệt là tại TP.HCM.
Các đại biểu cũng có một số ý kiến như cần thực hiện việc phòng chống tham nhũng một cách thực chất, tránh hình thức, phải lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, của nhân dân…làm sao để cán bộ không làm sai, không dám làm vì sợ sai.
Do đó, các cấp cần phải đi tận cùng vấn đề, kiểm tra, giám sát, lắng nghe ý kiến cán bộ, nhất là về những vướng mắc, đề xuất biện pháp tháo gỡ. Qua đó sẽ xác định cán bộ nào ngại khó không làm hay cán bộ nào chịu làm nhưng bị vướng…
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM nêu quan điểm: "Chúng ta phải đi tận cùng vấn đề. Không nói chung chung cán bộ ngại khó, không dám làm, né tránh mà phải chỉ mặt điểm tên cán bộ nào né tránh, cán bộ nào sợ trách nhiệm. Còn có cán bộ nào chịu khó nghiên cứu có trách nhiệm. Người ta không làm được vì sao, có trình bày thì phải lắng nghe và chúng ta phải có trách nhiệm với vấn đề đó".
Còn bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM cho rằng, cần lắng nghe, không quy chụp, phê phán cán bộ cấp dưới; việc phát hiện xử lý tiêu cực cần khách quan, tránh oan sai. Nếu sai thì cần làm rõ sai khâu nào, trách nhiệm thuộc về ai, tránh một vụ việc mà tất cả cùng chịu trách nhiệm.
"Theo tôi việc coi trọng phòng ngừa giáo dục, trách nhiệm nêu gương cùng với việc kịp thời đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực. Thời gian qua, chúng ta đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực khá tốt nhưng khâu phòng ngừa phải đẩy mạnh hơn nữa", bà Phạm Phương Thảo nêu thêm.
Ai lòng vòng sẽ bị đánh giá thấp
Phát biểu tại Hội thảo, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đánh giá, đây là nội dung rất quan trọng và thiết thực, bổ sung cho TP.HCM nhiều bài học kinh nghiệm quý.
Đảng luôn xác định, cuộc chiến chống tham nhũng tiêu cực là cuộc chiến gay go giữa cái tốt và cái xấu, phải được tiến hành thường xuyên, kiên quyết, kiên trì, bền bỉ gắn với nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Bác Hồ đặc biệt coi trọng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong Đảng, coi đó là giặc nội xâm. Điều này được thể hiện rõ trong cuốn sách: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đây thực sự là kim chỉ nam trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, là tài liệu có giá trị cao về lý luận và thực tiễn; hệ thống quan điểm xuyên suốt với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt; là lời hiệu triệu thuyết phục nhất, động viên, củng cố thêm niềm tin, sức mạnh để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục cuộc chiến đấu có ý nghĩa quan trọng này.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết, từ nhận thức, ý thức và trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, Đảng bộ Thành phố tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong tác phẩm, vận dụng vào thực tiễn TP.HCM một cách hiệu quả nhất. TP.HCM xác định công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải gắn kết chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, trong đó “xây” là chính…
Theo ông Nguyễn Văn Nên, TP.HCM luôn quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, quan tâm sâu sắc công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”, đánh giá cán bộ là quan trọng nhất, phải tuân thủ nghiêm quy định, quy trình của Trung ương nhưng cũng phải lắng nghe nhiều chiều về một con người, ý kiến của nhân dân, đảng viên.
TP.HCM có Quy định 1374 tạo điều kiện cho đảng viên, nhân dân góp ý cho cán bộ. Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên khẳng định: "Chúng tôi cũng dặn dò nhau, cam kết với nhau mỗi người phải tập trung làm đúng và làm tốt việc được giao, có nghĩa là “đúng vai thuộc bài”. Ai không tập trung lo cho công việc, cứ chạy lòng vòng, tranh thủ cá nhân sẽ bị đánh giá thấp. Đó là điều dứt khoát bởi vì thước đo để đánh giá người đó là hiệu quả, sản phẩm mà người đó tạo ra trên cương vị đó chứ không phải là loại thước khác".
Người đứng đầu Đảng bộ TP.HCM cũng đề nghị tăng cường công tác dân vận, hoàn thiện cơ chế phối hợp, nêu gương người tốt, việc tốt và phê phán lên án các hiện tượng tiêu cực; xử lý nghiêm hiện tượng xuyên tạc, hại người tốt…; Phát huy vai trò giám sát của nhân dân để người tốt an tâm cống hiến.