Hiện, tại làng Đại Hoàng, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam vẫn còn ngôi nhà của nhân vật này.
Ngôi nhà của Bá Kiến (tên thật là Bá Bính) nằm lọt trong một khu đất rộng chừng 900m2 tại làng Đại Hoàng (xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam), còn có tên gọi khác là làng Vũ Đại. Được biết, ngôi nhà này đã tồn tại hàng trăm năm, và qua 7 đời chủ.
Các bô lão trong làng kể lại rằng: chủ nhân đầu tiên của ngôi nhà là cụ Trần Duy Hanh - một lái buôn giàu có. Vào khoảng những năm 1910, cụ Hanh thuê gần 20 thợ mộc nổi tiếng ở Cao Đà, Phủ Lý Nhân về dựng nhà, khiến cả làng ngưỡng mộ.
Ngôi nhà truyền đến đời con cháu thứ ba của cụ Hanh thì phải gán nợ cho Bá Bính – nguyên mẫu của nhân vật Bá Kiến trong truyện “Chí Phèo” của Nam Cao.
Nhà được dựng theo kiểu 3 gian truyền thống, gồm 4 hàng cột với tổng cộng 16 cây cột lim, chân cột được kê đá tảng đẽo gọt công phu. Đầu thế kỷ 19, chưa có xi măng, khi làm nhà, người ta trộn mật mía, bồ hóng vào vôi và thêm một số phụ gia khác để làm thành hồ. Gạch dùng xây tường và lát nền được nung bằng rơm nên dù đã nhiều năm trôi qua, bức tường vẫn không hề bong tróc.
Sau Bá Bính, ngôi nhà còn trải qua ba đời chủ khác, cho đến tháng 11/2007 thì được Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nam mua lại với giá 700 triệu đồng và giao cho Phòng Văn hoá - Thông tin huyện Lý Nhân quản lý.
Hiện nay, ngôi nhà Bá Kiến trở thành một điểm tham quan nổi tiếng của huyện Lý Nhân, bên cạnh khu tưởng niệm nhà văn, liệt sĩ Nam Cao.
Hậu duệ của nhà văn Nam Cao, ông Trần Hữu Vịnh cho biết, khu tưởng niệm được xây dựng trên phần đất của ông Trùm Ruyện - nguyên mẫu của nhân vật Lão Hạc.
Làng Vũ Đại của Nam Cao, ngoài Chí Phèo, Thị Nở, Lão Hạc, Bá Kiến... thì còn nổi tiếng với chuối tiến vua và cá kho xuất khẩu.
Ông Trần Luận (là em họ ba đời với nhà văn Nam Cao) hiện là chủ một doanh nghiệp cá kho cho hay: "Đây là vùng đất chiêm trũng, xưa kia hộ gia đình nào cũng có ao cá, vừa để trữ nước, vừa để cải thiện bữa ăn. Cá là món ăn chủ yếu của người dân, thậm chí còn ăn cá thay cơm. Trong những ngày Tết, trên bàn thờ tổ tiên của các gia đình bao giờ cũng có món cá kho ngon nhất để thờ cúng, như một cách tạ ơn thần linh đã ban phước lộc cho người dân. Qua thời gian, khi nhiều người phương xa được thưởng thức và biết tới, dần dần cá kho làng Vũ Đại trở thành một món ăn đặc sản, bán đi muôn nơi, thậm chí xuất khẩu sang cả nước ngoài".
Còn chuối ngự Đại Hoàng là một đặc sản tiến vua nổi tiếng từ lâu.
Ông Trần Hữu Vịnh cho biết: Chuối ngự Đại Hoàng có ba loại là chuối ngự trắng, chuối ngự trâu và chuối ngự mít, trong đó chuối ngự mít quý nhất – quả chỉ nhỉnh hơn ngón tay cái, khi chín vỏ mỏng dính có màu vàng đậm, thịt quả vàng hơi hồng, hương thơm ngát.