Theo thông tin từ Viện Sức khỏe Tâm thần, có trường hợp nữ sinh 17 tuổi, cao 1m56, chỉ nặng 43 cân, nhưng do theo đuổi hình tượng một siêu mẫu nên luôn nghĩ mình béo, dẫn tới chán ăn tâm thần. Đến khi còn 31 cân, sức khỏe yếu, bệnh nhân phải nhập viện điều trị.
Hoặc như trường hợp bệnh nhân nam 13 tuổi, cách đây khoảng 1 năm nặng 67 cân, chiều cao 1m56. Khi đó, bị bạn bè chê béo, người bệnh đã suy nghĩ rất nhiều về điều này. Sau khi tự tìm hiểu về dinh dưỡng và các chế độ ăn cho người giảm cân, bệnh nhân tự giảm tất cả lượng thức ăn nạp vào cơ thể, đồng thời thực hiện các bài tập thể dục đốt mỡ với cường độ cao nhằm giảm cân. Khi cơ thể giảm còn 39 cân, bệnh nhân vẫn chưa dừng lại. Thấy con bị giảm tập trung chú ý, nguy cơ sức khỏe yếu, gia đình đã đưa đến bệnh viện để điều trị.
Theo ThS. BS Vũ Sơn Tùng, Viện Sức khỏe Tâm thần, việc điều trị lúc đầu gặp khó khăn do bệnh nhân không muốn chấp nhận tình trạng bệnh lý của mình, giấu thông tin về tình trạng sức khỏe của mình nên phải khám ở nhiều chuyên khoa khác nhau. Bác sĩ Tùng cho biết, chán ăn tâm thần là rối loạn ăn uống do hạn chế năng lượng ăn vào so với nhu cầu, dẫn đến trọng lượng cơ thể thấp đáng kể. Bệnh nhân sẽ có cảm giác sợ hãi về việc tăng cân và hình ảnh cơ thể bị biến dạng, không thể nhận ra mức độ nghiêm trọng của trọng lượng cơ thể thấp đáng kể của họ.
Liên tục theo đuổi sự gầy gò, bệnh nhân dễ bị chán ăn tâm thần và tìm đến những biện pháp giảm cân. Thậm chí, người bệnh có nỗi sợ hãi mãnh liệt về việc tăng cân và thường tự bóp méo hình ảnh bản thân, tin rằng mình béo hoặc thừa cân ngay cả khi bản thân có cân nặng thấp dưới ngưỡng.
Có 2 loại chán ăn tâm thần, đó là người bệnh hạn chế lượng thức ăn nạp vào bằng cách ăn càng ít còn tốt và người bệnh ăn thức ăn nhưng sau đó bị nôn hoặc sử dụng thuốc nhuận tràng để tống thức ăn ra ngoài.
Tại nước ta hiện nay chưa có thống kê về số người mắc chứng bệnh này. Còn tại Mỹ, tỷ lệ mắc chứng chán ăn tâm thần suốt đời khoảng 0,6% dân số trưởng thành và tỷ lệ mắc ở nữ giới cao gấp 3 lần nam giới./.