Bảo tồn văn hóa Champa trên đất Thừa Thiên Huế

Lê Hiếu/VOV-Miền Trung | 06/12/2022, 17:55

Hôm nay (6/12), Hội Khoa học lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội thảo khoa học văn hóa Champa trên đất Thừa Thiên Huế, thu hút hơn 100 đại biểu là các nhà nghiên cứu tham gia.

Tại Hội thảo, 20 tham luận tập trung làm rõ những vấn đề liên quan đến văn hóa Champa - một thành tố quan trọng tạo nên bản sắc Văn hóa Huế. Ông Phan Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Văn hóa Champa ở Thừa Thiên Huế là một thành tố quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa Huế. Hiện nay, hầu hết các di tích Champa ở Thừa Thiên Huế đã trải qua hàng ngàn năm, chịu sự tác động của thiên nhiên khắc nghiệt và chiến tranh ác liệt, nên đã trở thành phế tích.

Vấn đề cấp bách là phải ưu tiên tập trung các nguồn lực để giữ gìn, bảo quản những gì còn lại. Qua thống kê, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, có 44 dấu tích công trình liên quan đến văn hóa Champa, trong số này có 17 đền, tháp; 3 thành lũy và nhiều công trình như mộ, bia giếng cổ… Trong đó, có 3 địa điểm được công nhận xếp hạng là di tích quốc gia gồm: Tháp đôi Liễu Cốc thuộc phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà; tháp Phú Diên thuộc xã Phú Diên, huyện Phú Vang và Thành Lồi thuộc phường Thủy Biều và phường Thủy Xuân, thành phố Huế. Trên địa bàn tỉnh này hiện có 251 hiện vật Champa được kiểm kê, lập hồ sơ khoa học. Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Việc nghiên cứu, gìn giữ và phát huy các di tích, hiện vật văn hoá Champa sẽ làm giàu kho tàng văn hoá đất nước, văn hoá Thừa Thiên Huế.

Ông Hải nói: "Hiện nay, qua nghiên cứu, qua thám sát, khai quật khảo cổ học, chúng ta đã phát hiện một hệ thống di tích Champa rất là phong phú, tiêu biểu như là: thành Lồi, thành Hóa Châu, tháp Phú Diên. Sở Văn hóa thể thao và các nhà nghiên cứu đều có mong muốn rất lớn là nhà nước quan tâm, đầu tư để chúng ta thưc sự có một thiết chế cụ thể, một bảo tàng về văn hóa Champa chẳng hạn, hoặc một trung tâm diễn giải về văn hóa Champa. Đó sẽ là một trong những điểm có thể khai thác rất tốt, phục vụ trực tiếp cho du lịch, dịch vụ"./.

Bài liên quan
Chủ tịch Quốc hội: Cần cơ chế đặc thù bảo tồn di sản văn hoá quý hiếm
Nhấn mạnh phải coi di sản văn hóa là nguồn lực để bảo tồn, phát huy, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt vấn đề nên chăng cần nghiên cứu bổ sung cơ chế chính sách đặc thù bảo tồn di sản văn hóa quý hiếm của dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín
Chiều 19/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín nhân “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” năm 2024.
Mới nhất