Báo chí đã chuyển mình trong kỷ nguyên số

Nguyễn Sử/VOV-Giao thông | 12/07/2025, 15:39

VOVLIVE - Nhiều tòa soạn đã đầu tư hệ thống quản trị nội dung hiện đại, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và điện toán đám mây vào quy trình sản xuất, phân phối tin bài. Nhờ đó, nội dung báo chí ngày càng đa nền tảng, cá nhân hóa, tiếp cận nhanh hơn với độc giả.

Việc ứng dụng công nghệ cũng góp phần nâng cao năng suất lao động, tăng cường tương tác với công chúng và mở rộng nguồn thu từ các dịch vụ truyền thông số. Những bước chuyển này không chỉ giúp báo chí thích ứng với môi trường truyền thông số mà còn góp phần quan trọng vào tiến trình chuyển đổi số quốc gia.

Liên quan đến nội dung này, PV Ban VOV Giao thông Quốc gia đã có cuộc trao đổi với ông Tăng Hữu Phong - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TP.HCM.

PV: Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, báo chí cũng không nằm ngoài xu hướng này. Ông đánh giá như thế nào về việc các cơ quan báo chí của chúng ta thời gian qua đã triển khai công tác chuyển đổi số, cũng như ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động báo chí?

Ông Tăng Hữu Phong: Theo quan sát của cá nhân tôi, hầu hết các cơ quan báo chí trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, cũng như các cơ quan báo chí Trung ương và của các tỉnh, thành phố khác, đều đã có những nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu của khoa học kỹ thuật vào hoạt động báo chí.

Hiện nay, phần lớn các tòa soạn đều hướng tới mô hình tòa soạn đa chức năng. Một phóng viên, nếu như trước đây chỉ thực hiện bản tin cho báo in, thì bây giờ phải sản xuất nội dung cho nhiều ấn phẩm, nhiều kênh truyền tải khác nhau.

Chẳng hạn, một phóng viên hiện nay không chỉ cần biết viết mà còn phải biết quay phim, dựng video, làm đồ họa để hoàn thiện sản phẩm tác nghiệp của mình. Sau đó, tòa soạn sẽ biên tập, phân phối các nội dung này lên nhiều nền tảng khác nhau.

Nội dung đăng trên báo in sẽ khác, báo điện tử khác, còn nếu phát hành trên mạng xã hội thì thời lượng chỉ nên từ một phút rưỡi đến hai phút. Thậm chí hiện nay, có những sản phẩm truyền thông chỉ kéo dài 6 giây, hoặc còn ngắn hơn nữa.

Chính vì vậy, yêu cầu về tổ chức và nội dung cũng thay đổi, do sự phát triển của khoa học công nghệ và do nhu cầu, phương thức tiếp nhận thông tin của độc giả đã khác trước. Việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, nâng cao kỹ năng cá nhân và tổ chức các chương trình đào tạo, huấn luyện để đội ngũ thích ứng với sự thay đổi là yêu cầu bắt buộc và cần được đặc biệt chú trọng.

PV: Như vậy, với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ cùng với sự thay đổi trong thói quen tiếp cận thông tin của công chúng, theo ông, các cơ quan báo chí cần phải cập nhật và thích nghi như thế nào?

Ông Tăng Hữu Phong: Báo chí nói chung đang đứng trước một bước ngoặt rất lớn. Bước ngoặt này không phải do các cơ quan báo chí hay giới làm báo tự tạo ra, mà bắt nguồn từ sự phát triển của xã hội. Các bạn thấy đấy, tốc độ phát triển của khoa học công nghệ hiện nay rất nhanh, thậm chí có thể thay đổi chỉ trong một tuần. Nếu như trước đây, năm năm hay mười năm mới có một công nghệ mới được áp dụng, thì bây giờ tuần này và tuần sau đã có thể có sự thay đổi rồi.

Chúng ta cảm nhận rất rõ điều đó và báo chí không nằm ngoài xu hướng này. Do đó, tôi cho rằng, chuyển đổi số là một xu thế tất yếu, một con đường gần như là độc đạo để chúng ta có thể chinh phục độc giả, làm chủ hoạt động truyền thông của mình. Trong chuyển đổi số, yếu tố quan trọng nhất chính là con người. Kinh phí là một phần quan trọng, nhưng theo tôi, con người mới là yếu tố quyết định.

Nếu chúng ta có công nghệ nhưng không biết sử dụng thì công nghệ đó cũng trở nên vô nghĩa. Việc đầu tư công nghệ cho cơ quan báo chí mà không có nhân lực vận hành sẽ chỉ dẫn đến lãng phí. Vì vậy, con người phải là trung tâm.

Nếu đội ngũ phóng viên, biên tập viên, người làm báo hiểu biết về sự phát triển của khoa học, công nghệ, đặc biệt là các phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) và biết ứng dụng vào công việc thì đó là điều rất tuyệt vời. Khi đó, chúng ta làm chủ được công nghệ và khai thác hiệu quả nó.

Ngược lại, nếu chỉ nghe nói về AI, về công nghệ, mà không biết nó hoạt động ra sao; cơ quan triển khai phần mềm mà bản thân không dám tiếp cận, không dám học hỏi, không chủ động tham gia thì đó là điều cần phải thay đổi, cần phải loại bỏ. Không còn cách nào khác: mỗi cá nhân, mỗi nhà báo ở thời điểm này nhất định phải nắm bắt được các tiến bộ khoa học, công nghệ - những yếu tố đang tác động trực tiếp đến hoạt động nghề nghiệp của chúng ta.

PV: Với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội hiện nay, điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động của báo chí? Và theo ông, những người làm báo cần thay đổi và thích nghi ra sao trước xu hướng này?

Ông Tăng Hữu Phong: Trình độ phát triển khoa học công nghệ, cũng như trình độ phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay đã tiệm cận với trình độ của thế giới. Những vấn đề mà thế giới đang phải đối mặt thì chúng ta cũng đang đối mặt.

Báo chí thế giới đang gặp khó khăn chung trong việc duy trì nguồn thu từ hoạt động nghề nghiệp để nuôi sống bộ máy và đảm bảo hoạt động tổ chức, thì báo chí trong nước, đặc biệt là tại Thành phố Hồ Chí Minh, cũng không ngoại lệ. Chúng ta đang đứng trước một thời điểm vô cùng khó khăn.

Thứ hai là sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình thông tin đại chúng khác. Rõ ràng, thông tin ở thời điểm hiện tại và chắc chắn là trong tương lai không thể chỉ dừng lại ở dạng thông tin như trước đây, mà sẽ đa dạng và đa chiều hơn.

Người dân cũng tiếp cận thông tin theo cách khác, phong phú và nhanh chóng hơn. Đó chính là thách thức mà báo chí cần đặc biệt lưu ý để có điều chỉnh phù hợp, nhằm giúp công chúng phân biệt được đâu là thông tin đúng, đâu là thông tin sai.

Báo chí có một nhiệm vụ rất quan trọng: đó là làm thế nào để thực hiện tốt vai trò đưa thông tin chính xác, đáng tin cậy đến vnới người dân thay vì để các loại thông tin giả, thông tin lừa đảo hay những nội dung gây hoang mang, lệch lạc chi phối nhận thức trong cộng đồng.

PV: Xin cảm ơn ông.

Bài liên quan
Phát triển nguồn lực và ký kết hợp tác về đổi mới sáng tạo và trí tuệ nhân tạo (AI)
VOVLIVE - Sáng ngày 24 tháng 6 năm 2025 tại Đài tiếng Nói Việt Nam - 58 Quán Sứ, đã diễn ra hội thảo “Phát triển nguồn lực và lễ ký kết hợp tác về đổi mới sáng tạo và trí tuệ nhân tạo (AI)” với sự tham gia của lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam, các chuyên gia công nghệ, lãnh đạo doanh nghiệp, đại diện các trường đại học, đơn vị ươm tạo, quỹ đầu tư, cùng đông đảo các phóng viên, sinh viên từ các lĩnh vực truyền thông, kinh doanh và công nghệ.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
VOV phấn đấu là Đài Phát thanh quốc gia mang tầm cỡ quốc tế vào năm 2045
VOVLIVE - Theo Phó Thủ tướng, VOV phấn đấu là Đài Phát thanh quốc gia mang tầm cỡ quốc tế vào 2045, đúng dịp kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập nước và 100 năm Ngày thành lập Đài.
Mới nhất