Cẩn trọng khi điều tiết quỹ
Một trong những nội dung lớn của dự thảo luật là Quỹ Phòng thủ dân sự. Chính phủ cho rằng, quỹ này góp phần bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nhanh chóng khắc phục khó khăn do hậu quả của thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh.
Theo đó, Quỹ Phòng thủ dân sự được thành lập ở Trung ương và cấp tỉnh. Nguồn tài chính của quỹ phòng thủ dân sự được hình thành trên cơ sở hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài và điều tiết từ các quỹ ngoài ngân sách có liên quan đến thảm họa, sự cố, bảo đảm quỹ phòng thủ dân sự hoạt động không chồng chéo, linh hoạt, hiệu quả và phù hợp với quy định của pháp luật.
Góp ý vào nội dung này trong phiên thảo luận chiều 9/11, đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) băn khoăn có nên thành lập quỹ này nữa hay không, vì liên quan đến hoạt động phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố hiện đã có Quỹ Phòng, chống thiên tai, Quỹ Bảo vệ môi trường, Quỹ Phòng, chống dịch,….
“Trong phòng chống thiên tai, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường thì nhiều người dân tham gia đóng góp, trong đó có cả công chức, viên chức, giờ thêm Quỹ Phòng thủ dân sự nữa thì cần thiết hay không?”- ông Hoà đặt vấn đề.
Vị đại biểu này cũng cho rằng, việc điều tiết từ các quỹ ngoài ngân sách có liên quan cho Quỹ Phòng thủ dân sự là chưa phù hợp. Dẫn Quỹ Bảo vệ môi trường, ông đánh giá lâu nay đang được thực hiện tốt, giờ điều tiết cho quỹ khác mà gây sự cố, mất cân đối quỹ thì ai chịu trách nhiệm!
Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cũng đề nghị khi Quỹ Phòng thủ dân sự hình thành trên cơ sở đều tiết từ các quỹ liên quan thì cần phải xác định rõ, cụ thể chi hỗ trợ theo đúng nội dung chi của từng quỹ, không thể chi hỗ trợ từ Quỹ Phòng, chống thiên tai cho các thảm họa, sự cố ngoài thiên tai.
Có ý kiến đề nghị cần có điều khoản giao Chính phủ quy định chi tiết đối với Quỹ Phòng thủ dân sự và Quỹ Phòng, chống thiên tai, trong đó quy định rõ nguồn thu, thời gian thu, mức độ đóng góp của từng đối tượng, về điều kiện, đối tượng chi, khoản chi… để đảm bảo tính chặt chẽ trong quá trình quản lý, sử dụng hai loại quỹ này.
Liên quan đến nội dung này, cơ quan thẩm tra dự án luật là Ủy ban Quốc phòng – An ninh cơ bản nhất trí cần quy định thống nhất về việc quản lý, sử dụng các loại quỹ hiện có để phát huy hiệu quả, tập trung nguồn lực cho công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố.
Tuy nhiên, cần đánh giá rõ hơn về hiệu quả hoạt động của các loại quỹ này trong thời gian vừa qua để thiết kế mô hình quản lý Quỹ Phòng thủ dân sự cho phù hợp, theo hướng chỉ quy định nguyên tắc chung về việc thành lập, sử dụng quỹ này và giao Chính phủ quy định việc thành lập, cơ chế quản lý, sử dụng bảo đảm công khai, minh bạch, chủ động, kịp thời xử lý có hiệu quả các tình huống.
Hợp nhất các ban chỉ đạo là phù hợp
Dự thảo Luật quy định cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự là tổ chức phối hợp liên ngành về phòng thủ dân sự. Cơ quan chỉ đạo quốc gia phòng thủ dân sự được thành lập trên cơ sở hợp nhất Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn.
Việc hợp nhất này cũng được thực hiện tương ứng với cơ quan chỉ huy phòng thủ dân sự ở cấp bộ, ngành Trung ương và các cấp địa phương.
Chính phủ nhấn mạnh, việc thành lập cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự trên cơ sở hợp nhất một số tổ chức liên ngành ở trung ương, địa phương là cần thiết, góp phần thu gọn đầu mối cơ quan có trách nhiệm ứng phó, khắc phục thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; giải quyết vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành và nâng cao hiệu quả công tác phòng thủ dân sự; bảo đảm rõ trách nhiệm, thẩm quyền trong quản lý, giải quyết các vấn đề phòng, chống, khắc phục thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh.
Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cho rằng, việc hợp nhất các ban chỉ đạo, chỉ huy ở các cấp là phù hợp, vì hiện nay trong lĩnh vực phòng thủ dân sự việc phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố còn tồn tại nhiều tổ chức chỉ đạo, chỉ huy như Ban chỉ đạo quốc gia về phòng thủ dân sự, Ban Chỉ đạo đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Các tổ chức chỉ đạo trên có nhiều nội dung trùng lắp về vị trí, chức năng, nhiệm vụ và thành viên. Khi có sự cố, các lực lượng trên đều vào cuộc chỉ đạo, điều phối nên khó tránh khỏi sự chồng chéo, lúng túng. Hơn nữa, nhiều cấp chỉ đạo có thể gây tốn kém, lãng phí nguồn lực. Do đó, việc hợp nhất theo các cấp là việc cần làm.
Đại biểu Đoàn Thị Lê An (đoàn Cao Bằng) cũng đồng tình việc hợp nhất cơ quan chỉ đạo ở địa phương và trung ương để tránh chồng lấn, đảm bảo phối hợp nhịp nhàng, không lúng túng hay lãng phí nguồn lực. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo phân tích kỹ hơn mô hình, cách thức hoạt động của các ban chỉ đạo hiện có để đảm bảo có quy định sát với thực tiễn, tăng tính khả thi khi áp dụng luật./.