Ám ảnh ô nhiễm bom mìn tại chiến trường Ukraine và giải pháp khắc phục

Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch Nguồn: Vox | 03/12/2023, 09:02

Mảnh đất Ukraine vốn chứa nhiều bom mìn sót lại từ Thế chiến II và xung đột Donbass năm 2014. Với xung đột vũ trang Nga - Ukraine từ đầu năm 2022, nơi đây lại càng ô nhiễm bom mìn nặng nề hơn nữa, với hậu quả khủng khiếp cả về ngắn hạn và dài hạn.

Ô nhiễm bom mìn diện rộng và tác hại to lớn

Xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine đã biến lãnh thổ Ukraine thành một trong những khu vực gài nhiều mìn nhất thế giới. Trong chưa đầy 2 năm, cuộc xung đột này đã tạo ra một trong những thách thức rà phá bom mìn lớn nhất kể từ Thế chiến II.

Thậm chí ngay cả những vùng đất mà Ukraine vừa tái chiếm được cũng không được an toàn vì vẫn còn đó nhiều bãi mìn chưa được xử lý, người ta chỉ có thể cắm biển cảnh báo “nguy hiểm, có mìn”.

Mìn gài trong đất đai Ukraine bao gồm mìn chống tăng, mìn chống người, và các loại thiết bị nổ tự chế. Ngoài ra, còn có đạn pháo và bom chùm chưa nổ nằm rải rác. Hai bên bắn hàng chục ngàn quả đạn pháo mỗi ngày trong cuộc xung đột đang diễn ra.

Mìn chống tăng trên thực tế không phân biệt mục tiêu là xe quân sự hay xe buýt dân sự. Mìn chống người cũng không phân biệt giữa quân nhân và dân thường. Các quả đạn, quả bom bị câm lúc này vẫn có thể phát nổ bất kỳ thời điểm nào trong tương lai (khi chiến sự đã kết thúc), tiếp tục gây ra thương vong cho con người.

Người ta nghi rằng có tới khoảng 174.000km2 đất Ukraine đang bị ô nhiễm bom mìn và các loại vật liệu nổ khác (gọi tắt theo tiếng Anh là UXO), khu vực này chiếm khoảng 30% diện tích Ukraine. Tất nhiên không phải cứ mỗi mét vuông trong khu vực này cũng có mìn, nhưng vấn đề là người ta không biết chính xác mìn nằm ở đâu.

Tác động từ bom mìn trong lòng đất không chỉ là thiệt hại trực tiếp do bom mìn nổ mà còn là các tác động gián tiếp khi người ta không thể sử dụng các vùng đất đó. Các tác động như thế bao gồm tác động về kinh tế và về xã hội, không chỉ ở Ukraine mà còn cả đối với thế giới. Chẳng hạn, nhiều vùng đất Ukraine chưa thể canh tác do ô nhiễm bom mìn, điều này khiến người nông dân không có công cụ sản xuất để nuôi sống bản thân, còn an ninh lương thực thế giới cũng bị ảnh hưởng do thiếu nguồn cung.

Việc rà phá bom mình ở Ukraine hiện nay gặp khó khăn lớn vì nhiều lý do, trong đó có việc chiến sự vẫn tiếp diễn. Ngay thời bình, việc ra phá bom mìn đã ngốn nhiều nguồn lực, nhân lực và thời gian.

Ngoài kinh tế, tình trạng ô nhiễm bom mìn có gây đảo lộn cuộc sống của người dân. Ví dụ, khi một trạm điện bị nghi có mìn xung quanh, các thợ điện sẽ không thể nhanh chóng khắc phục sự cố về điện. Xe cứu thương cũng sẽ phải lựa chọn hành trình dài hơn để tới bệnh viện một cách an toàn (do phải tránh các con đường cụ thể bị rải mìn).

Mạng lưới toàn cầu “Chiến dịch quốc tế về cấm mìn đất” ghi nhận hơn 600 vụ thương vong dân thường do bom mìn ở Ukraine trong năm 2022, tăng 10 lần so với năm 2021.

Trước khi nổ ra xung đột Nga - Ukraine vào tháng 2/2022, Ukraine đã phải đương đầu với bom mìn sót lại từ thời Thế chiến II cũng như cuộc xung đột ở Donbass từ năm 2014. Thách thức của Ukraine trong rà phá bom mìn vì thế là lớn chưa từng thấy.

Chiến tuyến giữa Nga và Ukraine dài hằng trăm kilomet nên bãi mìn cũng dài theo một cách đầy ám ảnh.

Một vấn đề lớn là mìn không được chôn theo mẫu cố định hoặc được vẽ bản đồ tương đối. rõ ràng. Nguyên nhân là vì vội vã hoặc chủ ý gây thương vong tối đa cho quân đối phương. Riêng bom chùm có một tỷ lệ câm nhất định và các trái bom này sẽ phát nổ bất thình lình trong tương lai khi bị tác động vào.

Làm thế nào để khử bom mìn ẩn trong đất đai Ukraine?

Công binh Ukraine cũng rà phá bom mìn khi tác chiến, dưới hỏa lực của đối phương. Nhưng họ không loại bỏ mọi quả mìn mà chỉ cố gắng tạo một hành lang an toàn cho đồng đội sử đụng để chọc thủng phòng tuyến Nga.

Việc rà phá bom mìn nhân đạo thì lại có cách tiếp cận khác. Mục đích là dọn sạch mọi quả bom mìn, đạn pháo, càng nhiều càng tốt.

Bước đầu tiên là xác định xem ở đâu thì có tình trạng ô nhiễm bom mìn. Ukraine sẽ phải xác định những chỗ quân đội đối phương từng tiến vào hoặc kiểm soát. Có một số nơi dễ xác định, như địa điểm từng xảy ra giao tranh giữa quân đội Nga và Ukraine, hoặc nơi từng có quả bom hoặc mìn nào đó phát nổ.

Ukraine còn phải sục sạo các mạng xã hội hoặc bản tin của truyền thông địa phương để có được các thông tin cần thiết.

Các đội rà phá bom mìn có thể phải phỏng vấn người dân địa phương, quan chức địa phương, cảnh sát và quân đội để thu thập thêm thông tin. Hình ảnh từ vệ tinh cũng giúp họ nắm bắt thêm thông tin. Bên cạnh đó, công nghệ UAV và chụp ảnh nhiệt là những công cụ hữu ích.

Sau khi đã thu hẹp vùng ô nhiễm bom mìn, hoạt động tiếp theo sẽ mang tính cụ thể và chính xác hơn, như sử dụng máy dò kim loại hoặc chó nghiệp vụ. Vùng ô nhiễm sẽ được thu nhỏ hơn nữa, đến khi các đội rà phá có thể nhập cuộc và gỡ từng quả mìn.

Nhưng thực tế, với nguồn lực hiện tại, Ukraine không thể gỡ hết số mìn có trong đất được. Họ phải theo đuổi chính sách ưu tiên nhu cầu dân sự. Mục đích là làm cho đất đai an toàn và khai thác được ở mức có thể cho thời điểm hiện tại.

Ưu tiên hàng đầu của Ukraine hiện nay là cơ sở hạ tầng trọng yếu, như đường bộ, đường điện, đường ống dẫn nước và khí đốt và các trạm điện. Kế đó là các cánh đồng ngũ cốc - trụ cột của ngành nông nghiệp Ukraine.

Paul Heslop - cố vấn về mìn tại Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Ukraine nói rằng nỗ lực gỡ mọi quả mìn là bất khả thi trong điều kiện nguồn lực của Ukraine phải phân bổ cho nhiều việc và xung đột vẫn tiếp tục.

Thay vào đó, lực lượng phá mìn có thể dọn sạch khu vực quanh một trạm điện nào đó để thợ điện có thể tiếp cận nhằm sửa chữa và bảo dưỡng, đồng thời đánh dấu phần còn lại để tiến hành rà phá bom mìn sau này. Trên cánh đồng, họ có thể làm sạch bom mìn tại một góc nào đó để nông dân canh tác được một phần ruộng của mình nhưng không phải là tất cả.

Heslop nêu thí dụ: “Chúng tôi rà phá nơi này, và trạm biến áp được lắp đặt, 5.000 người được sử dụng điện. Chúng tôi lại rà phá thêm nơi kia, thế là cầu được xây, người dân có thể rút ngắn thời gian đi bệnh viện từ 4 tiếng xuống còn 15 phút”.

Ukraine cần khoảng 3.000 chuyên gia về rà phá bom mìn. Giới chức Ukraine nói họ cần thêm hàng ngàn chuyên gia nữa. Họ đã có kế hoạch đào tạo thêm các chuyên gia như thế.

Không chờ được lực lượng chuyên môn, nhiều người dân Ukraine đã tự xắn tay để xử lý bom mìn, vì họ cần phải sản xuất để nuôi sống gia đình họ. Từ giáo viên phổ thông, tài xế taxi cho đến các bà nội trợ.

Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính sẽ phải mất khoảng 37 tỷ USD mới rà phá được toàn bộ bom mìn, vật liệu nổ trong lòng đất Ukraine.

Trong lúc này, Ukraine đang phải đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn về bom mìn thông qua nhiều kênh (như phát thanh, mạng xã hội) để nâng cao nhận thức của người dân về ô nhiễm bom mìn và phòng tránh tai nạn do bom mìn.

Bài liên quan
Nga tấn công như vũ bão vào phòng tuyến phía Đông khiến Ukraine mất lợi thế
Nga đang củng cố những lợi ích mà nước này đạt được trong thời gian gần đây ở phía Đông Ukraine và nỗ lực xuyên thủng các tuyến phòng thủ của đối phương trước khi gói hỗ trợ quân sự mới của Mỹ tới tiền tuyến.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Lễ Thượng cờ Thống nhất non sông tại đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải
Sáng nay (30/4), tại Di tích Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải, tỉnh Quảng Trị long trọng tổ chức Lễ Thượng cờ Thống nhất non sông, tôn vinh những chiến công bất tử, tri ân sâu sắc đối với sự hy sinh to lớn của thế hệ cha anh để bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
Mới nhất