30 năm quan hệ Việt Nam- Nam Phi: Còn nhiều việc cần làm để kết nối hai nước

Thanh Huyền/VOV1 | 23/12/2023, 09:37

Theo Đại sứ Nam Phi tại Việt Nam Vuyiswa Tulelo, còn rất nhiều việc cần phải làm để có thể kết hợp mối quan hệ chính trị và con người với mối quan hệ kinh tế giữa hai nước.

Ngày 22/12/1993 Việt Nam và Nam Phi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Vượt qua khó khăn, hạn chế do khoảng cách về địa lý, quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước trong 30 năm qua được vun đắp và ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả hơn, thể hiện qua sự hợp tác trên nhiều mặt. Tuy nhiên, hai nước vẫn còn nhiều dư địa để hợp tác và cùng phát triển trong tương lai. Nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nam Phi, bà Vuyiswa Tulelo, Đại sứ nước Cộng hòa Nam Phi tại Việt Nam đã trả lời phỏng vấn phóng viên VOV về tiềm năng và những kỳ vọng cho mối quan hệ hai nước trong thời gian tới:

PV: Cảm ơn Đại sứ đã trả lời phỏng vấn của Đài TNVN nhân dịp Việt Nam – Nam Phi kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao. Đại sứ đánh giá thế nào về quan hệ hợp tác giữa hai nước trong 30 năm qua?

Bà Vuyiswa Tulelo: Thực sự thì mối quan hệ giữa Nam Phi và Việt Nam đã có từ nhiều năm trước khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1993. Trước đó, Việt Nam ủng hộ cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc và chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc của Nam Phi. Hai nước tiếp tục duy trì mối quan hệ này sau khi Nam Phi giành được độc lập. Tuy nhiên, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, hai nước thực sự có những bước phát triển. Chúng ta đã tìm ra cơ chế để điều chỉnh mối quan hệ. Hai bên làm việc thông qua một diễn đàn hợp tác chung, trong đó tập trung vào trao đổi khoa học, công nghệ và văn hóa. Ngoài ra cũng có một ủy ban hỗn hợp về thương mại và đối thoại về quan hệ đối tác quốc phòng. Có thể nói, hai nước đã thực sự tiến xa trong 30 năm qua  nhưng vẫn còn cơ hội để làm nhiều hơn và phát triển hơn nữa.

PV: Năm nay, hai nước đã trao đổi các chuyến thăm cấp cao nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, bao gồm chuyến thăm của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Anh Xuân tới Nam Phi vào tháng 9, tiếp đó là chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng thống Nam Phi Paul Mashatile vào tháng 12. Đại sứ có thể tóm tắt những thành tựu chính của hoạt động ngoại giao quan trọng này?

 Bà Vuyiswa Tulelo:  Tôi rất vinh dự được tháp tùng Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trong chuyến thăm Nam Phi của bà. Khi ở Nam Phi, Phó Chủ tịch nước đã gặp gỡ lãnh đạo chính phủ và đảng cầm quyền cũng như nói chuyện với giới lãnh đạo ngành công nghiệp ở Nam Phi và mời họ đến đầu tư tại Việt Nam. Một trong những kết quả từ các cuộc trò chuyện đó là hiện đã có một thỏa thuận giữa Liên đoàn công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI) với Phòng Thương mại Nam Phi và sẽ sớm được ký kết. Ngoài ra, nhân dịp đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi cũng tổ chức Ngày Việt Nam để giới thiệu văn hóa và đất nước của các bạn với người dân Nam Phi. Còn trong chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng thống Nam Phi, hai bên cũng đã ký bản ghi nhớ giữa về Giáo dục đại học của hai nước. Ngài Paul Mashatile nói chuyện với lãnh đạo ngành công nghiệp ở Việt Nam và đặc biệt đã đề cập việc tập đoàn Vingroup đang xem xét mở rộng thị trường sang Nam Phi để sản xuất các bộ phận của xe ô tô điện. Phó Tổng thống của chúng tôi đã hứa sẽ trở lại vào năm tới cùng với một phái đoàn thương mại để thúc đẩy hợp tác đầu tư và thương mại giữa hai nước.

PV: Về quan hệ kinh tế, Nam Phi tiếp tục duy trì vị trí là đối tác thương mại số 1 của Việt Nam tại châu Phi. Trao đổi thương mại hai nước những năm gần đây đạt trung bình gân 1,3 tỷ USD/năm. Đại sứ nghĩ sao về con số này?

Bà Vuyiswa Tulelo: Khía cạnh thương mại luôn là điểm sáng trong quan hệ Nam Phi và Việt Nam nhưng tôi cho rằng, nền tảng tốt đẹp của mối quan hệ chính trị và con người giữa hai nước có thể tạo điều kiện cho chúng ta làm tốt hơn nữa. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ của tôi trong nhiệm kỳ 3 năm ở Việt Nam là nỗ lực hết mình để thúc đẩy hợp tác thương mại hai nước. Trong các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai nước trong năm nay, hai bên nhất trí phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương lên 2 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu này, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm. Hai bên cần có các cơ chế, khuôn khổ, biện pháp để tạo thuận lợi cho hàng hóa từng bên tiếp cận thị trường của nhau. Chúng ta cần có các cuộc trao đổi, đánh giá về các sản phẩm dễ tiếp cận thị trường với bên kia. Chẳng hạn về nông nghiệp, chúng tôi đã xuất khẩu táo, nho và lê sang thị trường Việt Nam và tiếp tục quảng bá sản phẩm cam Nam Phi và tiến tới là mở rộng sản phẩm rượu vang. Nói chung, còn rất nhiều việc cần phải làm để có thể kết hợp mối quan hệ chính trị và con người với mối quan hệ kinh tế giữa hai nước.

PV: Mục tiêu kết nối con người và hợp tác du lịch cũng rất quan trọng. Thưa Đại sứ, Đại sứ quán Nam Phi tại Việt Nam đang làm gì để khuyến khích người Việt Nam đến thăm Nam Phi và ngược lại?

 Bà Vuyiswa Tulelo: Chúng tôi rất vui mừng khi Việt Nam công bố chương trình thị thực điện tử  (EVISA) cho người Nam Phi. Điều này giúp loại bỏ rất nhiều thủ tục hành chính khi người dân chúng tôi đến Việt Nam. Và Nam Phi cũng đang nỗ lực triển khai chương trình tương tự cho người Việt Nam đến thăm Nam Phi. Chúng tôi cũng có rất nhiều chương trình để quảng bá về Nam Phi. Hàng quý, chúng tôi vẫn tổ chức các chương trình giới thiệu về văn hóa, du lịch Nam Phi ở các địa phương của Việt Nam. Tôi là người có niềm tin vững chắc vào sự kết nối giữa con người với con người. Tôi nghĩ khi mọi người được nhìn thấy, được nghe thấy thì họ sẽ có cách tiếp cận tốt hơn và họ sẽ có xu hướng tìm đến Nam Phi nhiều hơn. Vì vậy, tôi còn ba năm bận rộn phía trước vì các bạn có đến hơn 60 tỉnh thành và tôi phải cố gắng tìm hiểu tất cả để có thể chia sẻ về Nam Phi.  Có thể khi mọi người nghĩ đến Nam Phi sẽ nghĩ ngay đến Cape Town hay Johannesburg nhưng đất nước chúng tôi còn có rất nhiều điều thú vị hơn nữa ngoài hai địa điểm nổi tiếng này.

PV: Đại sứ kỳ vọng gì vào mối quan hệ Việt Nam – Nam Phi trong thời gian tới?

Bà Vuyiswa Tulelo: Tôi hy vọng trước khi tôi kết thúc nhiệm kỳ, hai nước sẽ tổ chức được một có chuyến thăm cấp nhà nước giữa Việt Nam và Nam Phi, bởi đó sẽ là mối liên kết, kết nối mang tính biểu tượng cao nhất giữa hai nước. Và với sự trao đổi đó, tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ giải quyết được những mục tiêu đã đặt ra, chẳng hạn như trong thương mại, hai bên có thể giải quyết các vấn đề kỹ thuật và pháp lý đang chi phối quan hệ thương mại song phương. Chúng ta cũng xem xét các khuôn khổ chi phối thuế xuất - nhập khẩu như thế nào…. Tôi rất mong có một chuyến thăm cấp nhà nước như vậy, ở đó chúng ta có thể thiết lập được khuôn khổ và lộ trình cho mối quan hệ Việt Nam – Nam Phi trong 30 năm tới.

PV: Trân trọng cảm ơn Đại sứ đã trả lời phỏng vấn của VOV.

Bài liên quan
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ kỷ niệm 30 năm quan hệ đối tác Việt Nam – ADB
Chiều 13/3, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ kỷ niệm 30 năm quan hệ đối tác Việt Nam – Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội giải quyết tên gọi và thủ tục cho dân thế nào?
Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành.
Mới nhất