WHO cảnh báo về mức độ gây hại của chất béo chuyển hóa

CTV Vũ Gia/VOV.VN (biên dịch) Boldsky | 30/01/2023, 07:54

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá, chất béo chuyển hóa có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tăng nguy cơ mắc bệnh tim và thậm chí là tử vong.

Trong báo cáo năm 2022 về loại bỏ chất béo chuyển hóa toàn cầu được công bố ngày 23/1/2023, WHO đã đề nghị các nước cấm chất béo chuyển hóa làm tắc nghẽn động mạch và tăng cholesterol.

WHO kêu gọi loại bỏ chất béo chuyển hóa trên toàn thế giới vào năm 2023 do nguy cơ gây ra 500.000 ca tử vong sớm mỗi năm.

Cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc cho biết, mặc dù 43 quốc gia đã áp dụng các chính sách tốt nhất nhưng vẫn có hơn 5 tỷ người không được bảo vệ. Trong đó, Ai Cập, Australia, Hàn Quốc, Iran, Pakistan và Ecuador nằm trong số các quốc gia có tỷ lệ mắc bệnh tim cao do chất béo chuyển hóa.

Tiến sĩ Francesco Branca, Giám đốc Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm của WHO, kêu gọi những quốc gia chưa có chính sách với chất béo chuyển hóa thực hiện hành động khẩn cấp.

Chất béo chuyển hóa là gì?

Theo Tổ chức Tim mạch và Đột quỵ Canada, chất béo chuyển hóa - còn gọi là axit béo không bão hòa chuyển hóa - là loại chất béo có trong một số loại thực phẩm.

Vào đầu thế kỷ 20, các sản phẩm thực phẩm có chứa chất béo chuyển hóa đã trở nên phổ biến như một giải pháp thay thế hiệu quả về chi phí cho chất béo động vật. Cho đến những năm 1990, chất béo chuyển hóa vẫn được đánh giá tốt cho sức khỏe và thường được sử dụng trong sản xuất thực phẩm quy mô lớn.

Hai loại chất béo chuyển hóa - nhân tạo và tự nhiên

Chất béo chuyển hóa nhân tạo sinh ra khi hydro được thêm vào dầu thực vật lỏng để làm cho dầu đặc hơn, giúp dầu có thời hạn sử dụng lâu hơn nhiều. Dạng chất béo chuyển hóa này có hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe. Một lượng nhỏ chất béo chuyển hóa tự nhiên có trong các sản phẩm từ sữa, thịt bò và thịt cừu và không bị coi là nguy hiểm.

Thực phẩm chứa chất béo chuyển hóa

Chất béo chuyển hóa nhân tạo có thể tìm thấy trong thực phẩm chiên hoặc các món nướng thương mại như bánh rán, vỏ bánh nướng, bánh ngọt, bánh quy và khoai tây chiên. Hóa chất có hại này cũng có thể có trong bơ thực vật, bánh pizza đông lạnh, bỏng ngô quay trong lò vi sóng, kem cafe không sữa và các thức ăn vặt/đồ ăn tiện lợi khác.

Để biết thực phẩm có chứa chất béo chuyển hóa hay không, hãy kiểm tra nhãn. Nếu thành phần có ghi "dầu hydro hóa", điều đó đồng nghĩa sản phẩm chứa chất béo chuyển hóa./.

Bài liên quan
Cách làm dưa góp thập cẩm vừa chống ngán vừa giảm cân
Những miếng dưa góp giòn giòn, chua ngọt vừa giúp chống ngán, kích thích vị giác vừa phù hợp với người muốn giảm cân; cách làm dưa góp thập cẩm lại rất dễ thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ khánh thành công trình tái thiết khu dân cư Làng Nủ
Sáng 22/12, tại thôn làng Nủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm và dự Lễ khánh thành các công trình tái thiết Khu dân cư Làng Nủ, Nậm Tông và Kho Vàng.
Mới nhất