Tổng Thư ký Quốc hội Việt Nam đánh giá cao ASGP đã chọn bình đẳng giới là một trong những chủ đề bàn thảo tại Hội nghị lần này; đồng thời khẳng định thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam, được quy định trong Hiến pháp, pháp luật và được bảo đảm thực hiện trên thực tế.
Quốc hội Việt Nam đã thông qua nhiều đạo luật quan trọng như Luật Bình đẳng giới, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân…nhằm bảo vệ và thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ, khuyến khích phụ nữ tham gia vào các hoạt động kinh tế - chính trị - xã hội. Các dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua đều phải có đánh giá tác động về giới.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam đã có những chỉ đạo sát sao về tăng cường các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng cho các ứng cử viên nữ tham gia vận động bầu cử, cũng như các nữ đại biểu Quốc hội khi đã trúng cử; tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cử tri và Nhân dân về vai trò của phụ nữ tham gia Quốc hội.
Các Tổng Thư ký tham dự Hội nghị ấn tượng với những con số thể hiện sự tiến bộ về bình đẳng giới tại Quốc hội Việt Nam trong những năm qua: Quốc hội khóa XIII (2011-2016) có tỷ lệ 24,2%, khóa XIV (2016-2021) đạt tỉ lệ 27,31%, khóa XV (2021-2026) đạt tỷ lệ 30,26%. Quốc hội Việt Nam hiện đứng thứ 64 về tỷ lệ nữ Nghị sĩ theo Dữ liệu toàn cầu về Nghị viện quốc gia của IPU theo số liệu tháng 02/2023. Các đại biểu cũng ấn tượng với việc Quốc hội Việt Nam có Chủ tịch Quốc hội là nữ trong nhiệm kỳ khóa XIV và hoạt động của Nhóm nữ đại biểu Quốc hội.
Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề xuất với ASGP ba giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa vấn đề bình đẳng giới trong các Nghị viện thành viên IPU trong thời gian tới là:
Một là, ASGP cần có báo cáo tổng kết các kinh nghiệm, kiến nghị và đề xuất Đại hội đồng Liên Nghị viện thông qua nghị quyết, báo cáo hoặc Tuyên bố về vấn đề bình đẳng giới trong các Nghị viện. Trên cơ sở đó, cam kết có các hành động cụ thể để triển khai thực hiện.
Hai là, cần thúc đẩy hợp tác giữa liên nghị viện, nghị viện các nước thành viên với các tổ chức Liên hợp quốc, các diễn đàn quốc tế về phụ nữ nhằm bảo đảm tốt hơn các quyền của phụ nữ. Các quốc gia là hình mẫu tiến bộ về bình đẳng giới cần đẩy mạnh hoạt động chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm với các nước trong lĩnh vực này.
Ba là, IPU cần tăng cường các hình thức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng cho các nữ ĐBQH nòng cốt tại Nghị viện các nước về năng lực hoạt động nghị trường; về khả năng nội luật hóa các cam kết quốc tế về bình đẳng giới; về cách tiếp cận pháp luật thông qua lăng kính về giới; về kỹ năng phân tích dữ liệu bình đẳng giới phục vụ công tác xây dựng pháp luật;… Trên cơ sở đó, các nữ đại biểu Quốc hội này sẽ trở thành hạt nhân nòng cốt thực hiện vai trò tập huấn, bồi dưỡng lại cho các nữ đại biểu Quốc hội tại quốc gia mình./.