Vì sao đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam lại “đi vòng” qua Nam Định?

Phi Long/VOV.VN | 28/10/2024, 08:35

Một trong những tiêu chí lựa chọn nhà ga đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là nơi tập trung đông dân cư và là đầu mối giao thông của khu vực. Trong đó, ga Nam Định sẽ là điểm kết nối hành lang Bắc - Nam và khu vực Đồng bằng sông Hồng.

Theo báo cáo tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam của đơn vị tư vấn, hướng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam đi qua 20 tỉnh, thành phố với tổng chiều dài khoảng 1.541km gồm 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa. Trong đó, ga Nam Định sẽ được đặt tại phường Hưng Lộc (TP Nam Định, tỉnh Nam Định). Việc tuyến đường sắt này đi qua tỉnh Nam Định có ý kiến cho rằng chưa bảo đảm hướng tuyến thẳng nhất có thể.

Nguyên tắc nào để xác định vị trí ga?

Hướng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam được liên danh tư vấn lập báo cáo tiền khả thi dự án nghiên cứu trên cơ sở bảo đảm chiều dài tuyến giữa các điểm là ngắn nhất, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bình diện và trắc dọc của tuyến.

Bên cạnh đó, hướng tuyến phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, bảo đảm khối lượng công trình ít nhất, phù hợp với điều kiện địa hình khu vực tuyến đi qua. Hạn chế cắt qua các khu vực nhạy cảm về môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, các khu di tích, danh lam thắng cảnh...Hạn chế khối lượng giải phóng mặt bằng, cố gắng tránh các khu vực dân cư tập trung đông đúc, giảm bớt ảnh hưởng đến các công trình hiện hữu.

Vị trí các ga là một trong những yếu tố quan trọng quyết định điểm kiểm soát trong định tuyến cho đường sắt tốc độ cao. Về nguyên tắc cơ bản, khi xác định vị trí ga trong khu vực phải đáp ứng tiêu chí: Tại trung tâm kinh tế, chính trị của mỗi tỉnh, thành phố nơi có tuyến đi qua sẽ bố trí một ga đường sắt tốc độ cao để phục vụ kết nối với địa phương.

Đối với các vị trí ga bố trí thêm, cần thỏa mãn các tiêu chí: Khoảng cách giữa các ga bảo đảm cự ly tối thiểu khoảng 30km; đô thị lựa chọn đặt ga phải đạt từ loại III trở lên.

 Vị trí ga hành khách được lựa chọn là các đô thị của tỉnh, thành phố và các trung tâm vùng. Đây là nơi tập trung đông dân cư và là đầu mối giao thông của khu vực. Mỗi vị trí ga được xem xét đảm bảo phù hợp với điều kiện hiện tại và quy hoạch đô thị của từng địa phương.

Vị trí nhà ga cần tiếp cận trung tâm đô thị hoặc các khu vực có tiềm năng phát triển đô thị trong tương lai theo mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng) để bảo đảm kết nối thuận tiện và thu hút hành khách. Khoảng cách giữa các ga phải phù hợp để hoạt động có hiệu quả.

Cùng với đó là khả năng kết nối tốt với hệ thống giao thông công cộng của các đô thị, đặc biệt là hệ thống đường sắt hiện hữu, tạo điều kiện khai thác tối đa năng lực của từng hệ thống, hình thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh. Giảm thiểu tác động đến môi trường xã hội, môi trường tự nhiên của các địa phương có tuyến đường sắt đi qua. Có điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn thuận lợi, không cần thu hồi đất số lượng lớn, tiết kiệm chi phí. Vị trí ga hàng hóa được xác định trên cơ sở tổ chức chạy tàu (để tổ chức móc, cắt toa xe hàng và quay đầu máy).

Phương án hướng tuyến ường sắt tốc độ cao Bắc-Nam qua 20 địa phương trên hành lang Bắc - Nam, bao gồm cả đoạn qua Nam Định, đã được Bộ Chính trị thống nhất và được Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua ngày 20/9.

Vì vậy, Bộ GTVT kiến nghị giữ nguyên phương án tuyến đoạn qua Nam Định như hiện nay. Trong bước tiếp theo, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo chủ đầu tư tiếp tục tối ưu hướng tuyến thẳng nhất có thể.

Vị trí ga Nam Định ở đâu là phù hợp?

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam bố trí 23 ga hành khách, cự ly trung bình giữa các ga khoảng 67km. Theo liên danh tư vấn, đây là cự ly phù hợp với vận tốc thiết kế 350km/giờ, điều kiện thực tiễn các địa phương và kinh nghiệm thế giới (với vận tốc nhỏ hơn 250km/giờ, cự ly trung bình giữa các ga khoảng 30-50km; vận tốc trên 300km/giờ, cự ly ga khoảng 50-70km).

Sau khi đi qua ga Phủ Lý (Hà Nam), tuyến cơ bản đi theo hướng đường sắt hiện tại và Quốc lộ 21 về phía thành phố Nam Định. Sau ga Nam Định, tuyến đi về phía Ninh Bình, vượt sông Đáy tại khu vực phía Đông khu công nghiệp Khánh Phú (thành phố Ninh Bình).

Do vị trí ga Nam Định nằm về phía Đông so với trục Bắc-Nam nên hướng tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ đi vòng để qua khu vực Nam Định. Việc lựa chọn hướng tuyến và vị trí ga Nam Định đã được nghiên cứu bảo đảm phù hợp với quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh; đáp ứng yêu cầu kinh tế-kỹ thuật của tuyến.

Sau quá trình làm việc, trao đổi, tỉnh Nam Định đã thống nhất hướng tuyến và vị trí ga qua địa phận tỉnh Nam Định đặt tại xã Mỹ Hưng, huyện Mỹ Lộc, gần khu vực ga Đặng Xá của tuyến đường sắt hiện tại.

Ngoài phục vụ nhu cầu vận tải cho tỉnh Nam Định, tuyến đường sắt tốc độ cao còn phục vụ cho cả vùng gồm tỉnh Thái Bình, một phần phía Đông Nam khu vực Hải Dương, Hưng Yên với quy mô khoảng 4 triệu dân. Trường hợp hướng tuyến không đi qua tỉnh Nam Định sẽ không phát huy được hiệu quả kết nối, không phù hợp với các quy hoạch đã được duyệt.

Ngoài tuyến đường sắt hiện hữu, vị trí ga tại Nam Định sẽ kết nối thuận lợi với tuyến đường sắt ven biển Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh trong tương lai.

Ga Nam Định ngoài vai trò trung tâm của tỉnh Nam Định còn là điểm kết nối đến một số địa phương lân cận trong khu vực Đồng bằng sông Hồng. Trên tuyến đường sắt hiện tại, ga Nam Định có vai trò quan trọng để kết nối hành lang Bắc-Nam với khu vực Đồng bằng sông Hồng.

Ưu tiên đặt hàng doanh nghiệp trong nước

Để thực hiện thành công và hoàn thành toàn bộ dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam vào năm 2035, Bộ GTVT đề xuất một loạt chính sách đặc thù, đặc biệt để triển khai.

Cụ thể, Bộ GTVT đưa ra chính sách ưu tiên đặt hàng doanh nghiệp trong nước. Theo đó, Bộ đề xuất cơ chế và chính sách ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân tham gia vào những hoạt động khoa học, công nghệ phục vụ dự án.

Theo Bộ GTVT, với các chính sách đặc thù, đặc biệt, các tổ chức, cá nhân sẽ được quyết định hình thức lựa chọn nhà thầu cung ứng dịch vụ, hàng hóa; đồng thời nhận hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để mua sắm và vận hành máy móc, thiết bị phục vụ cho nhiệm vụ thực hiện dự án.

Chủ đầu tư, tổng thầu, các nhà thầu phải ưu tiên đặt hàng doanh nghiệp Việt Nam có đủ năng lực cung cấp và đào tạo nguồn nhân lực, nhằm thực hiện dự án cũng như đảm bảo công tác quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì hệ thống đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam.

Thủ tướng Chính phủ quyết định về danh mục sản phẩm công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp khác phục vụ dự án thuộc đối tượng giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam.

Đối với các sản phẩm công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp khác phục vụ dự án mà trong nước có thể sản xuất được, chủ đầu tư, nhà thầu, tổng thầu phải ưu tiên đặt hàng các doanh nghiệp Việt Nam.

Bài liên quan
Hôm nay, Quốc hội quyết việc đầu tư đường sắt tốc độ cao và bế mạc Kỳ họp thứ 8
Ngày 30/11, Quốc hội khóa XV bước vào ngày làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ 8 với việc biểu quyết thông qua hàng loạt dự án luật, nghị quyết, trong đó có chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Viêm thanh quản ở trẻ em trong mùa lạnh: Nhận diện, điều trị và phòng bệnh
Thanh quản là bộ phận tạo ra âm thanh khi nói, vì thế khi viêm thanh quản sẽ dẫn đến khàn tiếng, ho, khó thở và các triệu chứng khác, đặc biệt vào mùa đông khi thời tiết lạnh và độ ẩm cao.
Mới nhất