Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: "Bàn làm chứ không bàn lùi"

Lê Hoàng/VOV.VN | 20/11/2024, 19:36

VOVLIVE - Chiều 20/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Nhiều ý kiến ĐBQH tán thành với chủ trương đầu tư dự án với tinh thần bàn làm chứ không bàn lùi. Đây là xu thế phát triển đất nước và là bước chuẩn bị, đột phá chiến lược để nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển.

Cạnh tranh với hàng không về chi phí và thời gian di chuyển

Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (Đoàn TP.HCM) cho rằng, về lâu dài, tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là xương sống của hạ tầng giao thông quốc gia. Theo đó, với những dự án có mức vốn đầu tư cao thì đầu tư công là hình thức bảo đảm bền vững nhất. Do vậy, đại biểu đề nghị lên kế hoạch chi tiết về sử dụng nguồn tài chính, đồng thời, khi triển khai dự án này phải làm chủ một phần hoặc toàn bộ công nghệ về đường sắt tốc độ cao. 

Theo đại biểu, một vấn đề khác là phương án chi phí vận hành khi dự án đã được đưa vào hoạt động. Các đơn vị được giao quản lý và vận hành cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng và chuẩn bị để đối mặt với sự cạnh tranh từ các phương thức vận tải khác. Đối với cự ly ngắn dưới 30 km, cần cân nhắc tính cạnh tranh với phương tiện xe khách, trong khi với cự ly dài hơn, cần tính toán để cạnh tranh với hàng không về chi phí và thời gian di chuyển.

"Khi triển khai dự án đường sắt tốc độ cao, cần tính toán kỹ lưỡng chi phí vận hành, bảo trì, và các kế hoạch trung tu, đại tu. Cần thiết phải tính toán lại chi phí cụ thể, bao gồm bảo hiểm, chi phí bảo trì và các chi phí khác, để tránh việc gánh nặng tài chính trong giai đoạn đầu tư", đại biểu Đoàn TP.HCM nêu ý kiến.

Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng cũng đề nghị Quốc hội xem xét kỹ lưỡng đối với các dự án có quy mô lớn mang tầm quốc gia cần phát huy quyền làm chủ kinh doanh, trong đó có lắng nghe ý kiến tham vấn các ý kiến chuyên gia, người dân và các bên liên quan. Đại biểu cũng nhất trí với đề xuất huy động vốn tư nhân tham gia vào dự án, thông qua hình thức phát hành trái phiếu với lãi suất hợp lý. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị, Quốc hội, Chính phủ quan tâm đến các chính sách để tận dụng tiềm năng vận tải đường biển, để góp phần cải thiện hiệu quả trong vận tải và thương mại.

"Bàn làm chứ không bàn lùi"

Phát biểu ý kiến, đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) cũng tán thành với chủ trương đầu tư dự án với tinh thần "bàn làm chứ không bàn lùi". Đây cũng là xu thế phát triển đất nước, là bước chuẩn bị, đột phá chiến lược để nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển.

Về tổng thể quy hoạch, đại biểu đề nghị cân đối có sự hài hòa giữa các loại hình giao thông đường sắt, đường hàng không, đường thủy, đường bộ. Bởi hiện nay có những khu vực, dải miền Trung hầu như tỉnh nào cũng có cảng hàng không.

Do đó, cần tính toán việc khai thác các cảng hàng không, đường bộ và đường thủy không bị lãng phí.

Về khả năng cân đối nguồn vốn, đại biểu cho biết dự án đang đặt trong tổng thể mục tiêu đến 2030 thành lập Đảng để trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập trung bình cao. Với 6 năm còn lại thì khả năng cân đối nguồn vốn để vừa phát triển kinh tế - xã hội, các công trình dự án trọng điểm, các chương trình mục tiêu quốc gia là một bài toán khó.

Đại biểu cũng nhấn mạnh cần có phương án triển khai, khai thác thực sự hiệu quả từ khâu lựa chọn công nghệ cho đến phân kỳ phù hợp. Đặc biệt, cần chú ý khâu tổ chức thực hiện để làm sao tránh đội vốn, bù lỗ sau này; không để đầu tư thì lớn mà khai thác không hiệu quả, phải bỏ tiền ra bù lỗ.

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) cũng đề nghị Chính phủ cung cấp thêm thông tin về khả năng thu xếp, cân đối đáp ứng nhu cầu vốn cho dự án để đánh giá khả năng chi trả của ngân sách Nhà nước, sức chịu đựng của nền kinh tế...

Theo đại biểu Đoàn Đắk Nông, ngân sách Nhà nước còn nhiều khoản phải chi, ngoài chi phát triển thì còn chi thường xuyên, chi hàng năm theo kế hoạch trung hạn, chi theo các chương trình, đề án.

Về tiến độ thực hiện, đại biểu dẫn chứng các tuyến đường sắt đô thị thời gian qua gặp nhiều khó khăn dẫn đến vốn tăng cao, gây kéo dài thời gian hoàn thành so với mức phê duyệt ban đầu.

Các dự án quan trọng quốc gia thời gian qua cũng cho thấy, dù đã áp dụng các chính sách đặc thù về mỏ vật liệu, bồi thường giải phóng mặt bằng nhưng nguồn cung nguyên vật liệu vẫn thiếu, giải phóng mặt bằng chậm, không đáp ứng tiến độ thi công của dự án.

Do đó đại biểu đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá từng vấn đề cụ thể để có giải pháp hữu hiệu, khắc phục những tồn tại này nhằm hoàn thành dự án đúng kế hoạch.

Theo đại biểu, dự án thực hiện đầu tư công 100% nhưng không có nghĩa là Nhà nước thực hiện tất cả công việc. Nhà nước đặt hàng các nhà đầu tư tư nhân có năng lực trong những ngành nghề có liên quan. Ngoài ra nên thu hút các doanh nghiệp tư nhân vào làm đầu tư xây dựng nhà ga, các dịch vụ hỗ trợ khác vì họ làm rất tốt. Điều này đã thực hiện trong lĩnh vực hàng không, đường bộ, đường thủy.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tiền lương nhà giáo sẽ cao nhất hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp
VOVLIVE - Thảo luận tại hội trường về Luật Nhà giáo sáng nay (20/11), các đại biểu Quốc hội thống nhất cao với quy định lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Mới nhất