Du lịch gắn với tổ chức lễ cưới (Du lịch lễ cưới) được hiểu là chuyến đi đến một điểm du lịch để thực hiện, hay tham dự lễ cưới hoặc các nghi lễ đám cưới như cầu hôn, đính hôn, chụp ảnh cưới, tuần trăng mật hay kỷ niệm ngày cưới, ngày dấu mốc của tình yêu - hôn nhân... Điểm đến du lịch lễ cưới thường được lựa chọn là những nơi có phong cảnh thiên nhiên, môi trường, không gian, thiết kế đẹp hoặc có ý nghĩa nhất định đối với cuộc hôn nhân.
Du lịch cưới chưa được chú trọng
Việt Nam sở hữu nhiều thắng cảnh, bãi biển đẹp, khách sạn cao cấp, đa dạng các loại hình nghỉ dưỡng, dịch vụ tốt, giá cả hợp lý, nhiều không gian để tổ chức các buổi tiệc khác nhau mà không bị trùng lặp về cảnh quan và trang trí. Vì vậy Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có nhiều tiềm năng khai thác loại hình du lịch đám cưới.
Hội thảo "Xu hướng phát triển của loại hình du lịch gắn với tổ chức lễ cưới ở Việt Nam" của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (ITDR) chỉ ra rằng 80% các địa điểm được chọn để tổ chức lễ cưới ở Việt Nam là khu vực biển đảo, với các địa danh được đánh giá phù hợp là Quảng Ninh, Phú Quốc, Đà Nẵng, Bình Thuận, Khánh Hòa... Những nơi này không chỉ sở hữu thắng cảnh đẹp, đa dạng loại hình nghỉ dưỡng, chất lượng dịch vụ cao cấp mà còn mang đến nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị.
"Thông thường, mỗi cặp đôi đến từ nước ngoài tổ chức lễ cưới ở Việt Nam thường mời 100 - 800 khách tới dự. Các khách mời sẽ ăn uống, lưu trú, sử dụng dịch vụ tại điểm đến trong lễ cưới. Chưa kể, nhiều người trong số họ lựa chọn đến sớm hoặc ở lại thêm để tham quan, khám phá các điểm du lịch nổi tiếng ở đây", ông Nguyễn Quang Vinh, đại diện nhóm nghiên cứu của ITDR cho biết.
Tuy nhiên, mặc dù mang đến hiệu quả lớn về kinh tế và cộng đồng địa phương, trong suốt nhiều năm qua du lịch lễ cưới ở Việt Nam vẫn chưa được chú trọng, khiến cho du lịch gắn với lễ cưới tại Việt Nam phát triển chậm hơn so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Singapore... Du lịch lễ cưới ở Việt Nam còn gặp nhiều thách thức về thị trường, sản phẩm, nhân lực phục vụ, cách quảng bá...
Theo TS. Đinh Đức Quang (APEC Mandala Wyndham Mũi Né), thị trường du lịch lễ cưới ở Việt Nam bị lệ thuộc vào một số thị trường nguồn như Ấn Độ, Trung Đông, khách Việt kiều; phân khúc thị trường khách có khả năng chi tiêu cao, lưu trú dài ngày chiếm tỷ trọng thấp. Trong khi đó, thị trường du lịch lễ cưới nội địa mới thu hút được khách chi tiêu cao một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM...
Đồng quan điểm, bà Lê Thị Thu Hà - Tổng giám đốc Emeralda Resort (Ninh Bình) cho rằng thị trường du lịch cưới ở Việt Nam còn khá hẹp. Nguồn khách quốc tế không đủ để duy trì hạ tầng và dịch vụ suốt cả năm, vì vậy các điểm đến, đơn vị phát triển du lịch lễ cưới phải quan tâm nhiều hơn vào thị trường nội địa, vì nhu cầu trong nước cũng rất lớn từ nghệ sĩ, cầu thủ, người nổi tiếng, giới giàu có...
Ngoài ra, nguồn nhân lực tổ chức các sự kiện du lịch lễ cưới tại Việt Nam chưa đáp ứng kịp thời trước sự phát triển của thị trường, nhất là khách du lịch lễ cưới là thị trường khó tính, đòi hỏi sự tỉ mỉ, chu đáo từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng... Sản phẩm du lịch lễ cưới còn khá đơn điệu, chủ yếu làm theo đơn đặt hàng và ý tưởng từ khách hàng. Các địa phương có sản phẩm lễ cưới thì trùng lặp và giá trị gia tăng thấp, chất lượng dịch vụ chưa đồng đều.
Thiếu nhà tổ chức chuyên nghiệp
Một ví dụ về đám cưới của tỷ phú Ấn Độ ở Phú Quốc năm 2019 cho thấy, việc đón tiếp và phục vụ khách du lịch lễ cưới đòi hỏi sự tham gia phối hợp của rất nhiều bên.
"Đám cưới của tỷ phú Ấn Độ có sự nỗ lực rất lớn của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ và tỉnh Kiên Giang. Khi đó 2 chuyến bay từ Ấn Độ đưa khách đến Phú Quốc, rất may Phú Quốc miễn thị thực cho khách quốc tế. Riêng các loại trang sức, đá quý đưa vào Phú Quốc nhiều bên phải hỗ trợ, lo thủ tục. Phú Quốc thiếu trang phục, nguyên liệu... nên đều phải mang từ Ấn Độ sang. Vì phong tục tập quán khác biệt nên Phú Quốc không đáp ứng được nhân lực phục vụ, gần như phía Ấn Độ làm hết. Việc sử dụng hình ảnh để quảng bá Phú Quốc gần như không có vì quyền riêng tư, kể cả khách sạn tổ chức cũng không được nhắc đến", một đại diện Sở Du lịch Kiên Giang cho biết.
Trước thực trạng nhiều đám cưới xa hoa của khách quốc tế "tự làm hết không dùng nhân lực địa phương", các chuyên gia cho rằng du lịch cưới tại Việt Nam phải được phát triển một cách chuyên nghiệp và có sự "bắt tay" của các bên liên quan. "Để phát triển bất kỳ loại hình du lịch nào cũng cần sự liên kết giữa các bên, trong đó du lịch cưới còn nhiều yếu tố đặc thù hơn nữa. Các doanh nghiệp, trong đó nhà tổ chức đóng vai trò như một “kiến trúc sư” phải tạo ra sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu cả 2 nhân vật chính trong lễ cưới và các khách mời", TS Trần Huy Đức (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) nhận định.
Theo bà Lê Thị Thu Hà, phát triển du lịch cưới đòi hỏi điểm đến và nhà tổ chức thực sự chuyên nghiệp và đồng bộ mới trở thành ngành công nghiệp đúng nghĩa, kể cả các hoạt động văn hóa, lễ nghi… theo các tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau. Nhà tổ chức phải có sẵn phương án cho đầy đủ dịch vụ, thay vì để khách hàng phải tự đi tìm các nhà cung ứng khác nhau từ vận chuyển, hình ảnh, trang điểm…
"Tại nhiều địa phương, từ nông thôn đến thành thị đều có những người có nhu cầu sử dụng khách sạn, khu nghỉ dưỡng như một phần hoặc toàn bộ dịch vụ gắn với lễ cưới (tiệc cưới hoặc trăng mật). Quan trọng hơn, các bên cần liên kết tạo thành các chương trình, đa dạng lựa chọn cho khách trải nghiệm, chi tiêu cho những dịch vụ khác, bên ngoài lễ cưới, trong đó có cả tham quan, lưu trú, mua sắm... mới mang lại hiệu quả cao. Ví dụ nếu Ninh Bình được chọn là điểm đến phát triển du lịch cưới, thì Tràng An là điểm tham quan, Emeralda Resort là điểm lưu trú, bên cạnh đó gắn thêm các điểm đến tâm linh phù hợp với tín ngưỡng của từng đối tượng khách", bà Lê Thị Thu Hà cho biết.
Trong tương lai, du lịch đám cưới có thể là nhân tố quyết định, giúp Việt Nam vươn lên thành điểm đến nổi bật, gia tăng sức cạnh tranh trong khu vực. Loại hình này cũng mang đến hiệu quả lớn về kinh tế và cộng đồng địa phương. Để thực sự phát triển được ngành công nghiệp du lịch cưới, cần có những kế hoạch cụ thể và thực hiện các giải pháp đồng bộ của các bên liên quan, điểm đến và nhà cung cấp.