
Bộ Tư pháp đã công bố các quyết định bổ nhiệm lãnh đạo Cục Quản lý Thi hành án dân sự, lãnh đạo Ban và tương đương thuộc Cục; 34 Trưởng, Quyền Trưởng Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố.
Theo đó, ông Nguyễn Thắng Lợi, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự được bổ nhiệm giữ chức vụ Cục trưởng Cục quản lý Thi hành án dân sự kể từ ngày 1/7/2025.

Thay mặt lãnh đạo bộ chúc mừng các cán bộ được bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống thi hành án dân sự, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi cho biết, các nhân sự được lựa chọn đều được đánh giá có phẩm chất chính trị vững vàng, có đạo đức, lối sống tốt và kinh nghiệm thực tiễn công tác.
Thứ trưởng Mai Lương Khôi tin tưởng, trên cương nghị mới, các cán bộ được bổ nhiệm sẽ tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết nội bộ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của ngành, cũng như của từng địa phương.
Trước đó, ngày 25/6, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý Thi hành án dân sự - tổ chức lại toàn diện hệ thống thi hành án dân sự theo mô hình mới.
Tại Trung ương, Cục Quản lý thi hành án dân sự gồm 7 đơn vị chuyên môn, tổ chức theo hướng tinh gọn, chuyên sâu và hiện đại. Tại địa phương, hệ thống thi hành án dân sự được tổ chức một cấp, với 34 cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh, thành phố, gồm 355 Phòng thi hành án dân sự khu vực (thay thế mô hình cũ có cấp Chi cục huyện).
Việc kiện toàn tổ chức bộ máy theo mô hình mới đã tinh gọn một cấp trung gian (cấp huyện), tăng cường tính chuyên môn hóa, qua đó nâng cao chất lượng đội ngũ công chức và hiệu quả thi hành án.
Cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh hiện nay đảm nhiệm vai trò chỉ đạo trực tiếp, toàn diện cả về tổ chức nhân sự và nghiệp vụ trên địa bàn, giúp kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, đặc biệt là đối với hoạt động của Chấp hành viên.
Đồng thời, mô hình mới phân tách rõ ràng chức năng quản lý hành chính và chuyên môn. Lãnh đạo Phòng thi hành án dân sự khu vực không còn thực hiện các nhiệm vụ quản lý tài chính, tài sản và ban hành quyết định thi hành án, nhờ đó có điều kiện tập trung chỉ đạo nghiệp vụ, giảm thiểu các sai sót do hạn chế trong năng lực quản lý trước đây.
Tổ chức bộ máy theo hướng mới cũng giúp rút ngắn quy trình nghiệp vụ, loại bỏ được cơ chế ủy thác giữa các khu vực trong cùng một tỉnh, qua đó nâng cao tốc độ và hiệu quả thi hành án. Cùng với đó, việc tập trung đầu mối quản lý tài chính, tài sản ở cấp tỉnh không chỉ tăng hiệu lực kiểm tra, giám sát mà còn là biện pháp hữu hiệu để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Trong bối cảnh không còn chính quyền cấp huyện, mô hình mới tạo điều kiện thuận lợi để cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh phối hợp trực tiếp, hiệu quả với các cơ quan cấp tỉnh trong công tác cưỡng chế, xác minh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Đồng thời, với việc tổ chức bộ máy theo mô hình 1 cấp tại địa phương, lược bỏ cấp trung gian, Hệ thống thi hành án dân sự cũng tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để rút ngắn thời gian, nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục thi hành án dân sự.
Bộ Tư pháp chính thức áp dụng biên lai điện tử trong thi hành án dân sự từ 1/7
Bộ Tư pháp đã chính thức khai trương Hệ thống Biên lai điện tử. Sự kiện đánh dấu bước tiến quan trọng trong ứng dụng công nghệ số và trí tuệ nhân tạo (AI) vào lĩnh vực thi hành án dân sự, thể hiện tinh thần chủ động đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện trong ngành Tư pháp.

Hệ thống cho phép số hóa và tự động hóa toàn bộ quy trình tạo lập biên lai – từ quét giấy tờ, trích xuất thông tin tự động bằng công nghệ AI-OCR, phê duyệt bằng chữ ký số, đến cấp số biên lai tự động và lưu trữ tập trung.
Nhờ đó, cán bộ thi hành án dân sự có thể dễ dàng quản lý và tra cứu trên hệ thống điện tử thay vì phải xử lý thủ công hồ sơ giấy gây bất cập, tỷ lệ sai sót cao, cùng với sự trợ giúp của các tác nhân AI. Người dân, doanh nghiệp cũng có thể tra cứu thông tin biên lai mọi lúc, mọi nơi qua cổng điện tử, đảm bảo tính công khai và thuận tiện hơn.
Với hệ thống Biên lai điện tử được chính thức đưa vào sử dụng trên toàn quốc từ tháng 7, các giao dịch nộp – thu tiền đều được kiểm soát và đối soát chặt chẽ trên hệ thống, đảm bảo tuân thủ pháp luật, ngăn ngừa thất thoát và nâng cao uy tín ngành.
Ông Nguyễn Thắng Lợi - Cục trưởng Cục Quản lý thi hành án dân sự cho biết, việc triển khai Hệ thống Biên lai điện tử là bước đi quan trọng để phục vụ người dân tốt hơn, giúp nộp tiền và nhận chứng từ thi hành án mọi lúc, mọi nơi, thay cho hình thức thu tiền mặt và biên lai giấy trước đây.
"Hệ thống được Cục và FPT thiết kế với ba yêu cầu chính: phát hành biên lai điện tử qua email, tin nhắn; lưu trữ tập trung để quản lý, thống kê; và tăng cường minh bạch trong thu – chi", ông Nguyễn Thắng Lợi đồng thời cho biết, trong tuần vận hành đầu tiên, tính từ 23/6, hệ thống đã ghi nhận gần 3000 biên lai điện tử được phát hành, tương đương gần 2.000 tỷ đồng thu - nộp. Điều đó cho thấy hiệu quả rõ rệt và hướng đi đúng đắn trong chuyển đổi số thi hành án.
Năm 2024, hệ thống thi hành án dân sự trên toàn quốc thi hành hơn 1 triệu quyết định thi hành án, với tổng số tiền trên 400.000 tỷ đồng và khoảng 10 triệu biên lai giấy được phát hành.