Vì sao doanh nghiệp lấn chiếm hơn 36.000m2 rừng phòng hộ không ai biết?

Thanh Hà/VOV-Miền Trung | 17/11/2022, 09:48

Việc lấn chiếm rừng phòng hộ ngay tại Vườn Quốc gia nhưng chậm được phát hiện và xử lý. Khi UBND huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình) yêu cầu phải khôi phục tình trạng ban đầu thì doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Trong 2 năm 2018-2019, Công ty TNHH Du lịch Phong Nha Heritage tự ý lấn chiếm 36.080 m2 rừng phòng hộ tại Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng để xây dựng nhiều hạng mục công trình của khu du lịch sinh thái Công viên Ozo Park. Việc lấn chiếm rừng phòng hộ ngay tại Vườn Quốc gia nhưng chậm được phát hiện và xử lý. Khi UBND huyện Bố Trạch ra quyết định yêu cầu Công ty Phong Nha Heritage phải khôi phục tình trạng ban đầu thì doanh nghiệp này vẫn chưa thực hiện quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Dư luận đặt câu hỏi vì sao doanh nghiệp lấn chiếm hơn 36 ngàn mét vuông rừng phòng hộ mà đơn vị chủ rừng và chính quyền địa phương không hay biết, trách nhiệm thuộc về ai?

Mấy ngày nay, tại khu vực Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng trời mưa, Khu Du lịch sinh thái Công viên Ozo Park nằm ven đường 20 - Quyết Thắng càng thêm vắng vẻ. Hiện, các lối dẫn vào Khu Du lịch sinh thái Công viên Ozo Park vẫn còn nguyên hiện trạng rào chắn, kèm theo đó là các hạng mục công trình mà Công ty TNHH Du lịch Phong Nha Heritage đã xây dựng như: bãi đỗ xe, sàn đi bộ bằng gỗ, nhà vệ sinh, chòi gỗ... Doanh nghiệp này chưa tiến hành tháo dỡ các hạng mục công trình xây dựng trái phép theo yêu cầu của UBND huyện Bố Trạch. Phía bên trong, xen lẫn dưới tán rừng gáo nguyên sinh là những con đường rải đá, sàn đi bộ bằng gỗ dài hàng trăm mét nối từ ngoài cổng vào các điểm tham quan, xung quanh có nhiều chòi gỗ được lợp bằng lá trông khá kiên cố.

Theo hồ sơ, tháng 12-2018, UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt đề án cho Công ty TNHH Du lịch Phong Nha Heritage thuê môi trường rừng với diện tích 4,65 ha tại khu vực rừng gáo - hang Ô Rô để kinh doanh du lịch sinh thái. Phạm vi, ranh giới được quy định là địa hình chạy dọc 2 bên suối Trạ Ang theo hướng Tây Nam - Đông Bắc và môi trường xung quanh rừng gáo ở khoảnh 1, tiểu khu 253 thuộc lâm phận rừng phòng hộ tại Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là đơn vị chủ rừng.

Thời điểm đó, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã ký hợp đồng cho thuê môi trường rừng với Công ty TNHH Du lịch Phong Nha Heritage. Chủ rừng phải xác lập ranh giới cho thuê theo đúng với diện tích, vị trí để xây dựng các hạng mục công trình kiến trúc, hạ tầng du lịch và bàn giao thực địa cho bên thuê.

Tháng 4/2019, Khu Du lịch sinh thái Công viên Ozo Park chính thức đi vào hoạt động kinh doanh các dịch vụ du lịch và được quảng bá là một điểm dã ngoại rộng gần 5 ha với nhiều điểm tham quan như: sàn đi bộ bằng gỗ 999 m, trượt cáp, tắm suối Ozo, chèo thuyền, nhà hàng Rừng Xanh với sức chứa lên tới 1.000 người...

Tháng 7/2021, qua kiểm tra, rà soát, đo đạc ranh giới, Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng phát hiện Công ty TNHH Du lịch Phong Nha Heritage lấn chiếm 36.080 m2 rừng phòng hộ đã tiến hành lập biên bản vi phạm. Đồng thời, chuyển hồ sơ vi phạm đến UBND huyện Bố Trạch để xử phạt theo thẩm quyền.

Ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, cho biết từ tháng 3-2020, sau khi nhận nhiệm vụ, ông đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia cắm mốc, rà soát, điều tra lại ranh giới thì phát hiện Khu Du lịch sinh thái Công viên Ozo Park lấn chiếm 36.080 m2 rừng phòng hộ. Sau đó, đơn vị đã lập biên bản vi phạm hành chính và chuyển cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình giám định thiệt hại về rừng. Do đất nằm trên địa bàn huyện Bố Trạch, các cơ quan chức năng đã chuyển hồ sơ cho UBND huyện xử phạt theo thẩm quyền.

Trả lời câu hỏi vì sao, doanh nghiệp lấn chiếm hơn 36 ngàn héc ta rừng phòng hộ mà Ban Quản lý vườn không phát hiện, ông Phạm Hồng Thái giải thích: "Công ty Heritage triển khai dự án du lịch sinh thái trong rừng phòng hộ từ năm 2018-2019. Đến đầu năm 2020, tôi được UBND tỉnh giao nhiệm vụ lên nhận nhiệm vụ quản lý điều hành Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng thì tôi có cho các đơn vị chức năng kiểm lâm và các phòng chức năng kiểm tra tổng thể các hoạt động du lịch sinh thái có sử dụng môi trường rừng. Qua kiểm tra, Kiểm lâm Vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng phát hiện ra sai phạm. Sau đó tôi có chỉ đạo tham mưu xử lý theo đúng quy định của pháp luật".

Kiểm tra thực tế cho thấy, doanh nghiệp đã tự ý lấn chiếm rừng phòng hộ để xây dựng 16 hạng mục công trình dưới tán rừng như: bãi đỗ xe, 11 chòi gỗ, 2 nhà vệ sinh, nhà bếp, sàn đi bộ bằng gỗ, đường đi xe đạp địa hình được rải đá, đổ bê-tông... Ngày 24-8-2022, UBND huyện Bố Trạch ban hành Quyết định số 3192 về việc buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Theo đó, UBND huyện Bố Trạch yêu cầu Công ty TNHH Du lịch Phong Nha Heritage phải khôi phục tình trạng ban đầu trong thời hạn 60 ngày.

Ông Nguyễn Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cho biết, Công ty TNHH Du lịch Phong Nha Heritage lấn chiếm trái phép 36.080 m2 rừng phòng hộ để xây dựng nhiều hạng mục công trình của Khu Du lịch sinh thái Công viên Ozo Park (xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch). Huyện đã yêu cầu doanh nghiệp tháo dỡ, trả lại nguyên trạng ban đầu, nếu không sẽ cưỡng chế.

Vì sao chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan không phát hiện doanh nghiệp lấn chiếm đất rừng phòng hộ trong thời gian dài, ông Nguyễn Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch cho rằng, trách nhiệm trước hết thuộc về đơn vị quản lý rừng.

“Cái này do chủ rừng là vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đơn vị trực tiếp quản lý, cái này không thuộc thẩm quyền của UBND huyện. Theo tôi được biết, vi phạm trước đó kéo dài 1 năm. Sau đó Giám đốc Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng mới lên thay, chỉ đạo để xử lý những trường hợp này và đảm bảo theo quy định của pháp luật. Vấn đề phát hiện ra trước hay sau thì thuộc quyền quản lý của Ban Quản lý vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng chứ không phải của UBND huyện Bố Trạch. Huyện chỉ có thẩm quyền ra quyết định xử phạt. Lý do vì sao huyện không ra quyết định xử phạt thì do thời hạn ra quy định xử phạt quy định tại khoản 1 điều 66 của luật xử phạt vi phạm hành chính sửa đổi bổ sung 2020 là hết thời hạn bởi vì thời xảy ra vi phạm do tình hình Covid-19 không thể tiến hành các thủ tục được, cho nên hết thời hạn đi", ông Nguyễn Văn Thủy nói.

Chiều 14/11/2022, ông Nguyễn Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch cho biết, UBND huyện vừa nhận được văn bản của Văn phòng UBND tỉnh về việc chuyển đơn khiếu nại của Công ty TNHH du lịch Phong Nha Heritage đến Chủ tịch UBND huyện xem xét, giải quyết vụ doanh nghiệp lấn chiếm hơn 3,6 ha rừng phòng hộ ở Phong Nha - Kẻ Bàng.

Theo đơn do bà Đoàn Thị Yên, Giám đốc Công ty TNHH du lịch Phong Nha Heritage ký gửi UBND tỉnh Quảng Bình và các ban ngành liên quan thì doanh nghiệp này khiếu nại quyết định của UBND huyện Bố Trạch, khi huyện ra văn bản buộc doanh nghiệp phải thực hiện khắc phục hậu quả về những vi phạm. Văn bản khiếu nại của doanh nghiệp khẳng định “gần 2 năm xây dựng và hoạt động Ozo Part (trước khi có Giám đốc Ban Quản lý mới), Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Hạt Kiểm lâm thường xuyên qua lại, giám sát chặt chẽ, hướng dẫn chúng tôi (doanh nghiệp - PV) thi công lắp đặt các công trình kiến trúc như hiện nay”.

Vì lẽ đó, Công ty đã có Đơn khiếu nại gửi UBND tỉnh Quảng Bình và các sở ban ngành liên quan đề nghị xem xét lại quyết định buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả của UBND huyện Bố Trạch.

Trả lời phóng viên VOV về vụ việc này, ông Lê Công Toán, Bí thư Huyện ủy Bố Trạch khẳng định, huyện không hợp thức hóa cái sai của doanh nghiệp: "Quan điểm của huyện là xử lý theo quy định, tức là sai phạm thì phải xử lý của pháp luật, không hợp thức hóa. Quan điểm chủ trương là sai đến đâu xử lý đến đó thôi. Bên UBND huyện là thực hiện nghiêm theo quy định của quản lý nhà nước".

Quan điểm của huyện Bố Trạch là thực hiện nghiêm Quyết định xử phạt số 3192 ngày 24/8/2022 của UBND huyện, buộc Công ty TNHH du lịch Phong Nha Heritage thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả do các hành vi, vi phạm gây ra. Theo quyết định này, trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày 10/9 đến ngày 10/11, doanh nghiệp phải thực hiện việc tháo dỡ. Thế nhưng cho đến ngày 15/11/2022, doanh nghiệp này vẫn chưa thực hiện và làm Đơn khiếu nại quyết định của UBND huyện. Ngày 11/11/2022 Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch đã nhận được văn bản giải quyết khiếu nại của doanh nghiệp nên UBND huyện Bố Trạch tạm dừng cưỡng chế để xem xét đơn do UBND tỉnh Quảng Bình chuyển về. Đã đến lúc cần làm rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan trong sai phạm của doanh nghiệp này.

Ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, quan điểm của UBND tỉnh Quảng Bình là xử lý nghiêm theo quy định pháp luật: "Vấn đề sai phạm chỗ Khu Du lịch OZo, tỉnh đang chỉ đạo huyện Bố Trạch và Vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng phối hợp chặt chẽ để xử lý theo đúng quy định của pháp luật về quản lý bảo vệ rừng"./.

Bài liên quan
Kiên Giang thông tin lấn chiếm rừng, khu bảo tồn biển, xử lý rác thải
Sau 2 tháng triển khai, Tổ công tác đặc biệt về xử lý vi phạm trong lấn chiếm đất rừng, xây dựng trái phép trên địa bàn TP Phú Quốc đã thu hồi hơn 139 ha đất rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp bị chiếm sử dụng trái pháp luật diện tích, trong đó có gần 12 ha đất rừng phòng hộ.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Hợp luyện toàn bộ khối diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
Sáng 28/4, tại sân vận động tỉnh Điện Biên, toàn bộ 51 khối tham gia diễu binh, diễu hành trong lễ Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ đã tiến hành hợp luyện lần đầu tiên. Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì buổi hợp luyện.
Mới nhất