Vì sao một hình thức bán vé nhanh chóng, thuận tiện cho cả nhà xe và hành khách lại chưa thể triển khai rộng rãi? Những rào cản cho các doanh nghiệp khi áp dụng hệ thống này cần được giải quyết ra sao?
Chị Đặng Lan Vy, ở phường Hiệp Phú, Thành phố Thủ Đức, TP. HCM cho biết, nhiều tháng gần đây, chị thường xuyên mua vé xe qua mạng khi các nhà xe lớn như Phương Trang, Mai Linh, Chín Nghĩa đều có app để mua vé điện tử. So với vé giấy truyền thống, mua vé điện tử có nhiều tiện lợi.
"Khi mình sử dụng vé điện tử thì mình có nơi lưu trữ vé đó chứ vé giấy phải ra quầy lấy vé xong việc bảo quản có thể bị rớt. Với vé điện tử mình có thể chủ động thời gian và nếu cần thay đổi thông tin, giờ giấc thì nhanh hơn so với vé giấy ngày xưa", chị Vy cho biết.
Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM thông tin, từ những bỡ ngỡ ban đầu, tới nay, các nhà xe tại TP.HCM đã quen với việc sử dụng vé điện tử. Việc này không chỉ giúp doanh nghiệp vận tải tiết kiệm chi phí vận hành, tăng doanh thu, mà còn giúp cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường công tác giám sát hoạt động vận tải:
"Ở Sài Gòn ban đầu cũng khó khăn nhiều nhưng bây giờ đã vượt qua được rồi, tuy nhiên vẫn có điều còn tồn tại. Tôi đề nghị làm sao để phần mềm xử lý giữa các doanh nghiệp được liên thông với nhau chứ bây giờ doanh nghiệp lắp đặt thiết bị hết rồi nhưng khi sử dụng ở bến xe vẫn đang vướng bởi giữa các cơ quan cung cấp thiết bị này không chuẩn. Đề nghị có chuẩn cho vấn đề này để khi áp dụng cho các doanh nghiệp được thuận lợi", ông Tính nói.
Trong khi đó, theo thống kê sơ bộ của Công ty cổ phần bến xe Hà Nội thì đến tháng 11, việc áp dụng vé điện tử ước tính chỉ khoảng 20% doanh nghiệp áp dụng. Nhiều nhà xe hiện nay không sử dụng vé giấy nhưng cũng chưa có vé điện tử để bán cho hành khách, khách lên xe thì trả tiền theo giá niêm yết.
Theo ông Đỗ Xuân Thắng, Phó Giám đốc hợp tác xã vận tải Chùa Hang (Thái Nguyên), nhiều nhà xe hiện không có đủ nguồn lực cho mua sắm, lắp đặt thiết bị bởi chi phí ban đầu để mua phần mềm triển khai đồng bộ các tính năng: hợp đồng, vé và hoá đơn điện tử khoảng từ 75 - 80 triệu đồng, sau đó mỗi tháng lại mất thêm 4-12 triệu đồng, tuỳ từng nhà cung cấp dịch vụ:
"Bây giờ, xe khách không sinh lời nhiều, nhiều người nghĩ cứ cố gắng làm được đến bao giờ thì làm, cũng khó khăn nên đâm ra lười. Trong khi đó, theo quy định đi từ Hà Nội - Thái Nguyên vé 50 nghìn, nhưng khách chỉ đi đến Phổ Yên là một nửa đường nhưng vẫn phải tính cả vé. Nó quy định cứng nhắc rất là khó làm vì Nghị định nó như thế rồi", ông Thắng cho biết.
Còn ông Nguyễn Quốc Mạnh, Chủ tịch Công ty Cổ phần vận tải ô tô Điện Biên chia sẻ khó khăn lớn nhất trong quá trình triển khai bán vé điện tử nằm ở sự thống nhất với các bến xe ở nơi đi và nơi đến: "Vé điện tử phải được sự kích hoạt mang tính đồng bộ giữa các bến xe nối vào nhau, chúng tôi có hợp tác với các bến xe để bán vé cho hành khách thế mà tại bến thực hiện không đồng bộ thì rất khó bởi hiệu lực của vé giấy đã hết, thế mà đầu bến không có vé để bán cho hành khách thì chúng tôi không có đủ doanh thu.
Thứ hai là các nhà mạng, nhà cung cấp dịch vụ cũng có sự quá tải, khi anh em lái xe bán vé bổ sung trên từng chặng thì kết nối, liên thông thì phần mềm không chấp nhận".
Theo ông Nguyễn Hoàng Tùng, Phó giám đốc bến xe Giáp Bát, Hà Nội, tình trạng này ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của hành khách đi xe vì liên quan trực tiếp đến bảo hiểm hay rủi ro trong quá trình di chuyển. Cùng với đó gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý ở các đầu bến.
"Khi mà kết nối phần mềm bán vé điện tử có rất nhiều trục trặc, mỗi đơn vị viết theo một cách riêng, dẫn đến việc kết nối chưa hoàn chỉnh. Các đơn vị vận tải hiện tải chưa triển khai đầy đủ vé điện tử dẫn đến tình trạng khách đến bến xe nhưng một số tuyến thì không mua được vé. Đối với bến xe thì cũng không thể quản lý được đầu vé theo như quy định", ông Tùng nói.
Trước thực tế phần lớn các doanh nghiệp phía Bắc vẫn "chần chừ" với vé điện tử, Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) đã đề nghị Sở GTVT các địa phương, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đôn đốc các doanh nghiệp vận tải sớm chuyển đổi số, trên cơ sở rà soát vướng mắc của mỗi doanh nghiệp để có phương án tháo gỡ, hỗ trợ, hướng dẫn.
Ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó trưởng Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái cho biết: "Chưa đồng bộ chỗ nào thì các đơn vị công nghệ sẽ phối hợp với cá đơn vị vận tải khắc phục. Đề nghị các doanh nghiệp đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, áp dụng vé điện tử để tiết kiệm chi phí con người, chi phí phát hành vì phát hành điện tử mọi thứ tự động lưu trữ thì thời gian của con người bỏ ra ít hơn, giảm số nhân sự theo dõi, trước khi cần 5-10 theo dõi giờ chỉ cần 1 người thôi".
Từ phản ánh của các doanh nghiệp vận tải, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề nghị có sự vào cuộc sâu sát hơn giữa cơ quan thuế và cơ quan quản lý vận tải để tháo gỡ khó khăn trong việc triển khai bán xe điện tử: "Cần sự phối hợp giữa Tổng Cục Thuế và Cục đường bộ Việt Nam trong việc áp dụng chuyển đổi số trong quản lý hoạt động vận tải thì mới có thể thúc đẩy các doanh nghiệp triển khai; việc hiểu và nắm vững các quy định của cơ quan quản lý Nhà nước thì không phải đơn vị kinh doanh vận tải nào cũng nắm rõ được nên cần tuyên truyền, phổ biến rộng rãi chủ trương của Bộ Tài chính về vấn đề này".
Mặc dù lợi ích mà vé điện tử mang lại cho các doanh nghiệp khá rõ ràng, nhưng đã 6 tháng kể từ ngày chính thức áp dụng quy định doanh nghiệp phải sử dụng hóa đơn điện tử thì doanh nghiệp vẫn chậm triển khai, người dân vào bến không thể mua vé xe khách điện tử.
Dưới góc nhìn của VOVGT, điều này xuất phát từ nhiều rào cản, vướng mắc cần được tập trung tháo gỡ.
Cho đến nay, những lý do chính khiến các doanh nghiệp vận tải hành khách chưa muốn triển khai vé điện tử được nhận diện bao gồm: khó khăn do vắng khách vì ảnh hưởng dịch bệnh; lý do thiếu nguồn lực để đầu tư phần mềm, đào tạo đội ngũ nhân viên...
Những lý do này tới nay đã không còn phù hợp bởi hoạt động vận tải đã trở lại bình thường, không còn ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh; mặt khác lý do về không có kinh phí đầu tư cũng không thuyết phục bởi việc sử dụng vé điện tử tiết kiệm được nhiều chi phí, giúp doanh nghiệp dễ kiểm soát doanh thu, chất lượng dịch vụ, tiết giảm tối đa chi phí, tránh lãng phí về thời gian và nhân sự.
Bài toán so sánh giữa đầu tư ban đầu và hiệu quả kinh tế lâu dài chắc chắn mỗi doanh nghiệp đều có thể đưa ra lời giải.
Tuy vậy, đó chưa phải là tất cả. Lý do còn nằm ở hệ thống chia sẻ kết nối dữ liệu thống nhất giữa các ngành, lĩnh vực vận tải chưa hoàn thiện. Hiện ở cả 2 miền Nam, Bắc có cả trăm nhà cung cấp phần mềm khiến các doanh nghiệp mò mẫm lựa chọn, mỗi doanh nghiệp 1 kiểu. Và khi đấu nối vào dữ liệu chung của bến xe ở điểm đi và điểm đến thì gặp rất nhiều khó khăn và trục trặc.
Các doanh nghiệp đều e ngại khi đã cài đặt phần mềm bán vé điện tử tại địa phương nhưng lại không thể thực hiện ở các bến xe lớn tại Hà Nội.
Điều này cần các cơ quan quản lý Nhà nước, các nhà cung cấp dịch vụ sớm đồng bộ, thống nhất và có hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp để việc kết nối trở nên hoàn chỉnh; các bến xe có thể đồng bộ cập nhật, kết nối dữ liệu triển khai hoá đơn điện tử, vé điện tử và lệnh vận chuyển điện tử.
Theo đó, doanh nghiệp công nghệ cung ứng dịch vụ này phải hoàn thiện hơn nữa về công nghệ, đồng thời nghiên cứu đổi mới, cập nhật phần mềm liên tục để đáp ứng được yêu cầu quản lý của doanh nghiệp vận tải và quản lý nhà nước ngành vận tải.
Mặt khác, việc triển khai hóa đơn điện tử không phải chỉ riêng doanh nghiệp vận tải có thể độc lập tự làm, mà phải đồng bộ với việc triển khai ở các bến xe và tiếp nhận thông tin của các cơ quan quản lý nhà nước.
Theo phản ánh của một số doanh nghiệp vận tải, ngay cả cơ quan thuế ở địa phương cũng có sự hiểu chưa đầy đủ, khi cơ quan thuế vừa thu thuế giá trị gia tăng theo vé điện tử đồng thời thu thuế theo chế độ thu khoán như trước đây.
Do đó, vấn đề này cần được ngành thuế quan tâm, sớm có biện pháp xử lý để việc áp dụng lệnh điện tử, vé điện tử sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho cả doanh nghiệp và cơ quan thuế trong việc kiểm soát thuế, tránh thất thu cho ngân sách nhà nước và giảm thiểu chi phí in hóa đơn giấy cho các đơn vị.
Việc tháo gỡ được những rào cản để doanh nghiệp không còn ngại vé điện tử cũng sẽ là giải pháp quan trọng để thúc đẩy nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh áp dụng công nghệ trong lĩnh vực kinh doanh vận tải hành khách trong thời gian tới./.