Tại buổi tọa đàm, với 2 vấn đề đặt ra là “Văn chương đang đồng hành như thế nào với đời sống?” và “Các nhà văn Tây Nguyên viết gì, viết thế nào để xứng đáng với sự kỳ vĩ của con người và vùng đất này?”, các đại biểu đã thẳng thắn trao đổi các nội dung liên quan đến sự hạn chế trong việc công bố tác phẩm của tác giả tại Tây Nguyên; vấn đề xây dựng đề án về văn học Tây Nguyên, tập trung phát triển các thể loại truyện vừa, tiểu thuyết, hồi ký; chú trọng công tác bồi dưỡng phát triển người viết dân tộc thiểu số, kết nạp hội viên mới khu vực Tây Nguyên.
Một số đại biểu đưa ra kiến nghị, đề xuất thành lập chi hội nhà văn dân tộc thiểu số hay hội đồng văn học miền núi, hội đồng văn học dân tộc trực thuộc Hội Nhà văn Việt Nam; nên có giải thưởng về văn học các dân tộc và nên có hội thảo về văn học các dân tộc…
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, những vấn đề mà các đại biểu đặt ra tại buổi tọa đàm cũng chính là những vấn đề mà Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam trăn trở thời gian qua. Do đó Hội sẽ ghi nhận và triển khai ngay những ý kiến hợp lý, khả thi mà đại biểu đề xuất.
“Những yêu cầu của nhà văn ở Tây Nguyên đối với công tác của Hội là những yêu cầu chính đáng và hợp lý. Tôi nghĩ rằng Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam cho dù trong thời gian rất khó khăn cũng sẽ tìm từng cách một thúc đẩy, làm sao công bố những tác phẩm của văn học Tây Nguyên hiện đại, khích lệ được các nhà văn Tây Nguyên sáng tác hay hơn và đào tạo cũng như kêu gọi được các nhà văn trẻ người dân tộc ở Tây Nguyên hay những người dân tộc khác đang sống ở đây hãy viết về vùng đất của họ”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói./.