Lý giải về điều này, nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng: "Việc để trống hạng mục giải thưởng của chuyên ngành lí luận phê bình là hoàn toàn thoả đáng, chính xác trong tương quan mặt bằng của năm nay với tiêu chí mà giải thưởng đặt ra”.
Ông cũng cho biết năm 2022, chuyên ngành lí luận phê bình có 14 tác phẩm tham dự. Qua thảo luận, phân tích đánh giá, phần lớn các thành viên Hội đồng Sơ khảo đều cho rằng, tác phẩm dự xét giải năm nay chưa đáp ứng được những tiêu chí của giải, vì thế, không có tác phẩm nào vượt quá bán số phiếu để đề cử lên Hội đồng Chung khảo.
Hội đồng Chung khảo có quyền đề cử, lựa chọn thêm những tác phẩm khác để xét nếu thấy cần thiết. Tuy nhiên, Hội đồng Chung khảo cũng nhận thấy sự lựa chọn, đánh giá của Hội đồng Sơ khảo là có cơ sở, đã bao quát đầy đủ, nên hoàn toàn tôn trọng và đồng thuận với quyết định nói trên.
Năm 2022, Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam có 161 tác phẩm tham dự, trong đó, văn xuôi có 50 tác phẩm, thơ có 61 tác phẩm, lí luận phê bình 14 công trình, văn học dịch 19 tác phẩm và văn học thiếu nhi là 17 tác phẩm. So với năm 2021, số lượng đề cử giảm 55 tác phẩm, trong đó tập trung ở hai thể loại là thơ và văn xuôi. Từ 8 tác phẩm được Hội đồng Sơ khảo các chuyên ngành đề cử, Hội đồng Chung khảo đã quyết định chọn ra 5 tác phẩm để tôn vinh.
Ở thể loại văn xuôi, tiểu thuyết “Bửu Sơn Kỳ Hương” của nhà văn Lý Lan đã đạt được số phiếu đồng thuận tuyệt đối của Hội đồng Chung khảo. Tác phẩm lấy bối cảnh Nam bộ tại điểm giao nhau giữa hai thế kỷ 19 và 20. Qua sự chìm nổi của một gia tộc người Hoa trong hành trình hoà nhập với số phận người bản địa, tác giả đã dựng lại một cách hết sức sống động không khí của vùng đất lục tỉnh trước sự biến đổi mang tính bước ngoặt lịch sử.
Về nghệ thuật, “Bửu Sơn Kỳ Hương” chọn con đường tự sự với giọng trần thuật dồi dào khí lực, hào sảng, gần gũi trong một cấu trúc tự nhiên, làm bật lên cá tính, phong cách của con người và nét văn hoá đặc sắc vùng Nam bộ. Đây là tác phẩm có kỹ thuật nhuần nhuyễn, vượt qua khỏi những gượng ép để tiến tới một cảm quan hiện đại với sự tinh giản mà vẫn hết sức khoáng đạt.
Ở thể loại thơ, Hội đồng Chung khảo chọn tôn vinh 2 tác phẩm “Ngàn bài thơ khác” của tác giả Trần Lê Khánh và “Bóng của ý nghĩ” của tác giả Nguyễn Bảo Chân. Hội đồng Chung khảo đánh giá tập thơ “Bóng của ý nghĩ” đã phần nào đạt tới sự đượm chín trên cả phương diện nội dung lẫn hình thức thể hiện trong hành trình sáng tác của tác giả, nhà thơ Nguyễn Bảo Chân và nó cần được ghi nhận đích đáng.
Còn “Ngàn bài thơ khác” của tác giả Trần Lê Khánh cho thấy sự trăn trở với hình thức biểu đạt của mình. Với tập thơ này, ở những bài thực sự nổi trội, người đọc có thể nhận ra cách tiếp cận, cách nghĩ, cách cảm mang một tinh thần, một mĩ cảm riêng biệt của tác giả. Việc ghi nhận, tôn vinh kịp thời tác phẩm này nhằm khuyến khích không chỉ cho cụ thể nhà thơ Trần Lê Khánh, mà rộng hơn, cho tất cả những ai đủ can đảm mang tới sự khác biệt trong địa hạt thơ ca.
Giải thưởng thể loại văn học thiếu nhi được trao cho tác giả Trung Sỹ với tác phẩm “Thung lũng Đồng Vang”. Theo Hội Nhà văn Việt Nam, tác phẩm này đã đạt được số phiếu tuyệt đối để giành giải thưởng. Với độ dài tương đối chừng mực của thể loại truyện vừa, “Thung lũng Đồng Vang” là tác phẩm viết hết sức sinh động, trong trẻo về thiên nhiên, muông thú, cũng như những nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của một vùng đất đan xen cộng đồng các dân tộc Việt Nam anh em. Văn phong của “Thung lũng Đồng Vang” có duyên, nhẹ nhàng nhưng cũng giàu cảm xúc, không chỉ phù hợp với tâm lý tiếp nhận của bạn đọc trẻ mà sẽ chinh phục được mọi lứa tuổi người đọc khác nhau
Hạng mục văn học dịch vinh danh tác phẩm “Hiệp sĩ thánh chiến”. Theo Ban tổ chức, đây là công trình dịch có chất lượng, bám sát và lột tả được tinh thần của tác phẩm với ngôn ngữ tiếng Việt sinh động, chau chuốt. Đây được coi là tiểu thuyết sử thi lớn nhất của văn học Ba Lan. Việc có được bản dịch tốt của bộ tiểu thuyết lịch sử kinh điển này sẽ mang tới những kinh nghiệm sáng tác quý báu cho các nhà văn Việt Nam trong thể loại tiểu thuyết lịch sử, một xu hướng đang được quan tâm rộng rãi hiện nay./.