Ukraine được và mất gì sau 3 tháng phản công Nga?

Hồng Anh/VOV.VN (Tổng hợp) | 17/09/2023, 06:43

3 tháng sau khi tiến hành cuộc phản công lớn, quân đội Ukraine vẫn chưa đạt được bước đột phá mang tính quyết định trên chiến trường và phải chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng xung đột tiếp tục kéo dài.

Sự chia rẽ về mặt chiến lược giữa Ukraine và phương Tây

Trong phát biểu tại một hội nghị ở Kiev vào cuối tuần trước, Tổng thống Zelensky nói rằng: “Cuộc phản công không giống như một bộ phim truyền hình, nơi mọi thứ diễn ra trong một tiếng rưỡi”. Ý tưởng cho rằng các lực lượng Ukraine sẽ phá hủy được phòng tuyến của Nga mà không có sự yểm trợ từ trên không dường như là kịch bản của một bộ phim Hollywood hơn là những gì sẽ diễn ra trong thực tế, cây bút Christopher Miller và Ben Hall của Forbes nhận định.

Các lực lượng Ukraine đã đạt được những bước tiến ở phía Nam trong thời gian gần đây, trong đó có việc chọc thủng tuyến phòng thủ đầu tiên của Nga. Nhưng một số quan chức phương Tây lưu ý, Kiev đã không tận dụng được cơ hội cần thiết mà các loại vũ khí phương Tây mang lại, cũng như sự ủng hộ về mặt chính trị của Mỹ và châu Âu.

Chưa kể, cuộc phản công của Ukraine cũng bộc lộ sự chia rẽ về mặt chiến lược giữa Ukraine và một số nước phương Tây. Một số quan chức Mỹ cho rằng Ukraine đã không thành công khi tiến hành các hoạt động phối hợp giữa bộ binh, cơ giới, pháo binh và phòng không, đồng thời chỉ trích cách tiếp cận của Kiev là quá mạo hiểm.

Trái lại, Kiev cho rằng Mỹ đã đánh giá thiếu sót, do các lực lượng nước này chưa từng tiến hành các hoạt động trên những chiến trường như ở Ukraine và chưa rơi vào hoàn cảnh tương tự như quân đội của họ, đó là thiếu ưu thế trên không, thiếu vũ khí tiên tiến trong khi phải chống lại lực lượng quân đội có quy mô và tầm cỡ lớn như Nga.  

Viktor – chỉ huy một đơn vị pháo binh của Ukraine nói: “Hãy cho chúng tôi biết nếu có bất cứ sỹ quan hay binh sỹ Mỹ từng bắn từ 5.000 đến 7.000 viên đạn bằng lựu pháo M777 vào các cứ điểm của đối phương”.

Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ cảnh báo, các lực lượng Ukraine chỉ còn từ 4 đến 6 tuần để tiếp tục cuộc phản công trước khi mùa mưa đến khiến mặt đất trở nên lầy lội. Nhưng các quan chức Ukraine không đồng tình, nói rằng ở miền Nam – nơi đang diễn ra cuộc phản công chính, thời tiết tương đối khô ráo và mùa đông không khắc nghiệt như những nơi khác.

Kỳ vọng sai lầm

Tuy vậy, với những thách thức lớn trên thực địa, các quan chức Ukraine dường như nhận thức được rằng, cuộc chiến sẽ tiếp tục kéo dài. Câu hỏi đặt ra là liệu phương Tây có cam kết cung cấp cho Ukraine sự hỗ trợ lâu dài về vũ khí và kinh tế hay không.

Sau khi chịu tổn thất nặng nề ở giai đoạn đầu cuộc phản công, Kiev đã áp dụng trở lại chiến thuật làm tiêu hao sinh lực đối phương, tấn công bằng pháo binh trên các mặt trận và làm gián đoạn tuyến tiếp tế của Nga bằng những cuộc tập kích bằng UAV hay tên lửa hành trình, đồng thời chia nhỏ lực lượng bộ binh để giành lại các vị trí của Nga.

Trong khi NATO lo ngại rủi ro của cách tiếp cận này thì Ukraine cho rằng nó phù hợp hơn với các điều kiện trên thực địa và đặc biệt cần thiết để chống lại công sự kiên cố hay những bãi mìn dày đặc của Nga. Chiến thuật mới đã giúp Ukraine đạt được một số bước tiến, nhưng để trụ vững trong một cuộc chiến tiêu hao thì Ukraine vẫn phải phụ thuộc vào vũ khí và đạn dược mà phương Tây cung cấp.

Các nhà phân tích quân sự Michael Kofman và Rob Lee cho rằng: “Việc không nắm rõ cách thức chiến đấu của quân đội Ukraine và tình hình trên thực địa có thể dẫn đến những kỳ vọng sai lầm đối với cuộc phản công. Phương Tây cần phải thừa nhận thiếu sót trong quá trình huấn luyện và trang bị cho Ukraine là một trong những nguyên nhân khiến Kiev chỉ đạt lợi ích hạn chế”. Ngoài ra, Kiev cũng cần phải rút ra bài học kinh nghiệm sau những lần thất bại khi cố gắng đẩy Nga ra khỏi vùng chiến tuyến kéo dài hơn 1.000km.

Được và mất của Ukraine sau 3 tháng phản công

Ukraine hiện đang phản công trên nhiều hướng. Nỗ lực chính của họ là tiến công về phía Nam từ khu vực Orikhiv, ở vùng Zaporizhzhia. Tại mặt trận này, Lữ đoàn cơ giới 47 – đóng vai trò mũi nhọn của cuộc phản công đã gặp khó khăn trong giai đoạn đầu. Họ đã vấp phải bãi mìn dày đặc của Nga. Ở một số nơi, có tới 5 quả mìn trên 1 mét vuông. Điều này buộc lực lượng Ukraine phải thay đổi chiến thuật, thay vì huy động ồ ạt lực lượng tăng thiết giáp cố gắng xuyên thủng phòng tuyến kiên cố của Nga, họ đã sử dụng pháo hạng nặng tấn công và điều bộ binh dọn đường.

Ba tháng sau thất bại ban đầu, Ukraine đã chọc thủng tuyến phòng thủ đầu tiên của Nga ở Robotyne ở phía Nam và đang cố gắng mở rộng phạm vi kiểm soát, kỳ vọng giành được thị trấn Verbove, tiếp đến là Tokmak ở Zaporizhzhia.

Ở hướng tiến công thứ hai, quân đội Ukraine tiến về phía Nam từ Velyka Novosilka, cố gắng tiếp cận thành phố cảng Berdyansk trên Biển Azov. Mặc dù Ukraine đã kiểm soát một số ngôi làng nhưng tiến độ tấn công diễn ra rất chậm chạp và phần lớn bị đình trệ vào giữa tháng 8.

Khu vực xung quanh Bakhmut vẫn là tâm điểm. Lực lượng Nga đã giành được thành phố này vào tháng 5/2023 sau trận chiến kéo dài 10 tháng. Nhưng các cuộc giao tranh vẫn diễn ra không ngừng nghỉ. Ukraine đã giành được một số khu vực ở sườn phía Bắc và phía Nam, tiến tới các làng Klishchiivka và Andriivka. Còn tại khu vực kéo dài từ cách rừng Serebryansky ở phía Đông Bắc đến thị trấn chiến lược Kreminna, Nga tiếp tục tấn công dữ dội. Giới phân tích cho rằng tính toán của Moscow là đẩy Kiev ra khỏi trục phía Nam và phía Tây, vượt ra ngoài sông Oskil vốn là hàng rào phòng thủ tự nhiên. Trong điều kiện chiến đấu khắc nghiệt như vậy, lực lượng Ukraine khó có thể thể áp dụng học thuyết của NATO về tiến hành giao tranh phối hợp giữa bộ binh, thiết giáp, pháo binh và phòng không.

Ngoài ra, còn có những câu hỏi liên quan đến cách Ukraine triển khai lực lượng chiến đấu dày dặn kinh nghiệm của nước này. Hồi đầu năm nay, Mỹ đã chỉ trích Ukraine vì điều động quá nhiều đơn vị thiện chiến bảo vệ thành phố Bakhmut ở miền Đông. Tổ chức tham vấn Rochan Consulting của Ba Lan cũng cho rằng, Ukraine có thể đạt được nhiều bước tiến hơn trong cuộc phản công nếu điều động những lữ đoàn giàu kinh nghiệm được trang bị vũ khí NATO thay vì những lữ đoàn mới được thành lập.

Hai chuyên gia Jack Watling và Nick Reynolds thuộc Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) cho rằng, sự thay đổi chiến thuật của Ukraine là phù hợp, nhưng Kiev khó có khả năng bứt phá nếu không được bổ sung thêm thiết bị rà phá bom mìn và xe bọc thép để bảo vệ bộ binh. Trong khi đó, Nga liên tiếp rút ra các bài học kinh nghiệm trong chiến đấu và điều chỉnh chiến thuật một cách hiệu quả, trong đó phải kể đến việc phân tán các tuyến tiếp tế và triển khai nhiều máy bay không người lái hơn để đối phó với Ukraine.

Bài liên quan
Loại vũ khí bất ngờ giúp Ukraine tấn công bên trong lãnh thổ Nga
VOVLIVE - Khinh khí cầu mang chất nổ được đánh giá là vũ khí bất đối xứng, có thể giúp Ukraine tăng cường khả năng tấn công chiến lược.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội giải quyết tên gọi và thủ tục cho dân thế nào?
Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành.
Mới nhất