Mỗi lần có dấu hiệu đau lưng, anh Trần Văn T, 35 tuổi (ngụ quận 3, TP.HCM) lại tự ý mua thuốc về điều trị.
Theo anh T, vì ngại đi thăm khám nên anh đã tham khảo đơn thuốc được bác sĩ kê toa để trị đau lưng của một người đồng nghiệp. Thời gian đầu, anh chỉ uống khoảng 3 ngày triệu chứng đau lưng hết hẳn, nhưng càng về sau số ngày uống thuốc càng tăng, thời gian khỏi bệnh càng lâu.
Mới đây, khi bệnh đau lưng tái phát, anh T. tự mua thuốc giảm đau uống, được 2 ngày thì xuất hiện tình trạng hoa mắt, chóng mặt, đại tiện phân màu đen. Không đi khám ở bệnh viện, anh T. tiếp tục ra tiệm thuốc và được nhân viên nhà thuốc kê lại đơn cũ kèm theo một số thuốc mới, yêu cầu uống trong 5 ngày.
“Uống thuốc hơn 1 ngày, tôi thấy mệt nhiều nên đã quyết định tới bệnh viện khám. Tôi được các bác sĩ chẩn đoán xuất huyết tiêu hóa do loét hành tá tràng. Ngay lập tức, tôi được các bác sĩ tiến hành can thiệp cầm máu cấp cứu, nằm điều trị tại bệnh viện 2 tuần mới hồi phục”, anh T. nói.
Cũng như anh T., hiện nhiều bệnh nhân bị đau nhức xương khớp tự ý mua thuốc điều trị không theo toa bác sĩ. Việc lạm dụng thuốc giảm đau cơ xương khớp mà không biết rằng chính các thuốc này cũng là tác nhân gây các bệnh lý về xương khớp.
Về vấn đề này, BS.CKII Kiều Mạnh Hà, Chủ nhiệm khoa Thần Kinh, Bệnh viện Quân y 7A, TP.HCM, cho biết, hiện nhiều người vẫn sử dụng thuốc không theo toa của bác sĩ. Khi có các triệu chứng bệnh như cảm sốt, đau đầu, mệt mỏi, phù nề, dị ứng... người bệnh ngại đi khám ở các cơ sở y tế nên tự ý đi mua thuốc uống.
Theo BS Hà, việc sử dụng thuốc kháng sinh không qua thăm khám, kê đơn của bác sĩ chuyên khoa, không uống đúng chỉ định, liều lượng và tự ý chuyển loại thuốc… là những nguyên nhân làm cho vi khuẩn không bị tiêu diệt hoặc ngăn chặn dẫn đến điều trị thuốc kháng sinh không còn tác dụng.
“Điều đáng nói là rất nhiều bệnh nhân có thời gian tự dùng thuốc kháng sinh tại nhà không thuyên giảm mới vào viện gây khó khăn cho các bác sĩ trong lựa chọn kháng sinh điều trị và kéo dài thời gian nằm viện”, BS Hà nói
BS Hà cho biết thêm, theo thống kê tại khoa Tiêu hóa của Bệnh viện Quân y 7A, có khoảng 50% ca bệnh có liên quan đến lạm dụng thuốc giảm đau. Ngoài ra, còn có các biến chứng khác liên quan đến lạm dụng thuốc giảm đau như biến chứng tim mạch, gan - thận, nội tiết, xương khớp và biến chứng thần kinh.
Vì vậy, để phòng ngừa kháng thuốc kháng sinh, bác sĩ khuyến cáo người dân khi có biểu hiện sốt không nên tự ý mua thuốc sử dụng mà cần đến cơ sở y tế để thăm khám, xác định tình trạng bệnh do vi rút, vi khuẩn, rối loạn chuyển hóa, bệnh lý cận ung thư… để có chỉ định dùng thuốc thích hợp. Khi được kê đơn thuốc, người bệnh cần tuân thủ uống đúng liều lượng, thời gian, không tự ý bỏ sớm hay kéo dài.
"Trong quá trình dùng thuốc kháng sinh nếu có bất thường, người bệnh phải đến bệnh viện tái khám để bác sĩ thăm khám, điều chỉnh liều lượng kháng sinh, tuyệt đối không tự ý thay đổi, mua thuốc ngoài hiệu thuốc", BS Hà nhấn mạnh.