
Cần đổi mới đồng bộ và bền vững
Không chỉ là những tuyên bố mang tính định hướng, các chủ trương này đang được cụ thể hóa bằng hành động: miễn toàn bộ học phí cho học sinh từ mầm non đến hết trung học phổ thông công lập trên phạm vi cả nước; yêu cầu các địa phương bảo đảm tuyển đủ giáo viên để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, tăng lương cho giáo viên... cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong việc đầu tư cho “quốc sách hàng đầu”. Chưa bao giờ các “mảnh ghép” của một nền giáo dục toàn diện... lại đồng loạt được đặt lên bàn như lúc này.

Nhiều giáo viên, chuyên gia giáo dục cho rằng, miễn học phí cho học sinh từ mầm non đến hết THPT công lập không chỉ là chính sách nhân văn mà còn là bước tiến hướng tới công bằng giáo dục. Cô Tô Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ, Hà Nội cho rằng: Khi có chủ trương miễn học phí, bữa trưa miễn phí, nhiều phụ huynh rất vui mừng, phấn khởi. Nhưng dù là ngân sách Nhà nước hay tiền đóng góp từ người dân thì điều quan trọng là phải sử dụng nguồn lực đó hiệu quả, đúng đối tượng, đúng thời điểm. Chính sách chỉ có ý nghĩa khi đi kèm sự phân tầng ưu tiên, tập trung vào học sinh vùng sâu, vùng xa, những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt, thay vì dàn trải hoặc “cào bằng” giữa các khu vực đã có điều kiện.
Theo cô Hải Yến, phát triển giáo dục không thể là nỗ lực đơn lẻ. Đó không phải câu chuyện của một người, cũng không thể là chuyện của một ngày mà cần có sự chung tay của toàn xã hội. Nếu có thể triển khai thêm các chính sách an sinh cho học sinh thì nên mở rộng tới các lĩnh vực như y tế học đường. “Chúng ta nên quan tâm tới sức khỏe học đường, đôi mắt, hàm răng hay thể chất của các em - đó là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới việc học tập và phát triển lâu dài của thế hệ tương lai”, cô Yến đề xuất.
Thầy giáo Vũ Văn Tùng, Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) cho biết: “Nếu có chính sách hỗ trợ ăn trưa miễn phí, các em có thể ở lại trường ăn trưa và không còn tình trạng học sinh bỏ về. Tuy nhiên, hiện trường có gần 400 học sinh nhưng chưa có bếp ăn đạt chuẩn. Vì thế, để thực hiện bữa trưa miễn phí cho toàn bộ học sinh thì cần có sự đầu tư bài bản hơn cả về nhân lực và cơ sở vật chất. Bởi bữa ăn trưa không chỉ là một suất cơm mà là cấu phần thiết yếu của mô hình dạy học 2 buổi/ngày, gắn với cả chất lượng học tập và phát triển thể chất lâu dài của học sinh.
Cô giáo Đặng Thị Coi, Trường Mầm non Lý Quốc (Hạ Lang, Cao Bằng) bày tỏ: “Thời gian gần đây, Tổng Bí thư, Thủ tướng rất quan tâm đến giáo dục, đặc biệt là giáo dục ở vùng khó khăn. Có nhiều chính sách mới như miễn học phí, hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh, cải thiện chế độ tiền lương cho giáo viên. Tôi rất kỳ vọng và mong chờ những chủ trương này sớm được thực hiện”.
Cô Đặng Thị Coi cho rằng, nếu các chính sách được triển khai đồng bộ và sớm đi vào thực tiễn, sẽ góp phần giảm bớt gánh nặng chi phí cho phụ huynh, đồng thời giúp giáo viên yên tâm gắn bó với nghề. “Tôi mong có nhiều chính sách hơn cho giáo viên và học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn. Nếu có thể, mong Nhà nước quan tâm tới cả đồng phục, đồ dùng học tập, hay có các chương trình tài trợ như xe bếp ăn, máy lọc nước… để các con có điều kiện học tập tốt hơn”, cô Coi đề xuất.
PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định: Những chính sách như miễn học phí, hỗ trợ bữa ăn trưa, dạy học 2 buổi/ngày, đổi mới lương giáo viên... đều rất cấp thiết. Tôi cho rằng, mọi chính sách giáo dục đều rất nhân văn, nhưng hiện nay chúng ta như đang ở giữa một “đại công trường”, nơi có rất nhiều mảnh ghép đang chuyển động nhưng chưa khớp với nhau. Vì thế, đòi hỏi một sự đổi mới toàn diện từ cách tiếp cận chương trình học, mục tiêu giáo dục, đến vai trò của nhà trường trong thời đại công nghệ...
Thời điểm vàng để cải cách giáo dục một cách toàn diện
Dạy học 2 buổi/ngày là xu thế tất yếu nếu muốn học sinh không chỉ “học để thi” mà còn được phát triển kỹ năng, phẩm chất. Tuy nhiên, theo thống kê, hàng ngàn trường học hiện vẫn chưa đủ điều kiện để thực hiện mô hình này: thiếu giáo viên, thiếu phòng học, thiếu bữa ăn trưa, thiếu thiết bị…
Đáng chú ý, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các địa phương chủ động tuyển dụng đủ giáo viên để đảm bảo dạy học 2 buổi/ngày theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Đây là tín hiệu cho thấy, vấn đề thiếu giáo viên không còn là câu chuyện của riêng ngành giáo dục, mà đã trở thành ưu tiên cấp Chính phủ. Song song đó, bài toán ngân sách, chỉ tiêu biên chế, chính sách lương và đãi ngộ - tất cả cần được gỡ một cách đồng bộ.
“Để các chủ trương lớn này thực sự đi vào cuộc sống, cần sự đổi mới đồng bộ: từ cơ sở pháp lý vững chắc, cơ chế giám sát minh bạch đến sự phối hợp hiệu quả giữa các ngành, các cấp. Khi mọi “mảnh ghép” được khớp nối hài hòa, giáo dục mới có thể phát triển bền vững và công bằng cho mọi học sinh”. PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội.
TS Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục thẳng thắn nêu: “Muốn giáo viên yên tâm, sống được bằng nghề, thì tiền lương phải tương xứng. Không thể kỳ vọng chất lượng nếu người thầy không thể lo nổi cho cuộc sống cá nhân. Dự thảo nghị định mới đề xuất tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non từ 35% lên 80% là bước đi cần thiết để phản ánh đúng mức độ phức tạp và áp lực công việc của họ. Tuy nhiên, TS Minh Đức cho rằng, để triển khai hiệu quả, cần có lộ trình gắn với khả năng ngân sách quốc gia và cơ chế giám sát minh bạch. Bên cạnh đó, việc tuyển giáo viên mới để đáp ứng yêu cầu dạy học 2 buổi/ngày chỉ hiệu quả nếu đi kèm đãi ngộ tốt, môi trường làm việc ổn định và cơ hội phát triển nghề nghiệp”.
PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng: “Để đổi mới giáo dục toàn diện, phát triển bền vững thì không thể chỉ Bộ Giáo dục và Đào tạo đơn thương độc mã mà phải có sự phối hợp liên ngành: Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Y tế và cả chính quyền địa phương”. Ông Nam đề xuất 3 trụ cột để khớp nối các “mảnh ghép” giáo dục: Một là, cần có hệ thống pháp lý rõ ràng và ổn định - tránh việc chính sách thay đổi theo nhiệm kỳ. Hai là, giám sát minh bạch để từng đồng ngân sách đến đúng nơi, đúng việc. Ba là, phối hợp liên ngành hiệu quả, tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm”. “Chúng ta đang có trong tay một loạt chính sách nhân văn và đúng đắn: miễn học phí, bữa ăn trưa miễn phí, dạy học 2 buổi/ngày, tăng lương giáo viên… Đây là thời điểm vàng để cải cách giáo dục một cách toàn diện”, TS Trần Thành Nam khẳng định.
Giáo dục không phải là câu chuyện của một người, cũng không thể là chuyện của một ngày. Chính vì vậy, cần sự vào cuộc đồng bộ, liên ngành và liên cấp trong quá trình đổi mới giáo dục toàn diện. Khi các mảnh ghép được khớp nối hài hòa, Việt Nam sẽ có một nền giáo dục công bằng, hiện đại và phát triển bền vững.