"Mỹ là nguồn đe dọa hạt nhân lớn nhất thế giới. Nước này nên xem lại chính sách hạt nhân của mình một cách cẩn trọng, thực hiện nghĩa vụ giải trừ vũ khí, cũng như các bước đi thiết thực, có ý nghĩa để giảm bớt rủi ro hạt nhân", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nói.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, việc Mỹ đưa ra những suy đoán về mối đe dọa hạt nhân được từ Trung Quốc là nhằm tạo lý do, viện cớ mở rộng kho vũ khí hạt nhân của mình.
Đầu tháng 2, The Wall Street Journal cho biết, Trung Quốc có nhiều bệ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) trên đất liền hơn Mỹ. Một số nhà lập pháp Mỹ kêu gọi Chính phủ nước này tăng cường năng lực hạt nhân để đối phó với nguy cơ từ Trung Quốc và Nga.
Những cảnh báo về khủng hoảng hạt nhân gia tăng thời gian gần đây. Trong thông điệp liên bang ngày 21/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố đình chỉ tham gia New START, hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân duy nhất còn lại giữa Mỹ và Nga.
Ông Putin nhấn mạnh, trước khi nối lại các cuộc thảo luận về công việc tiếp theo trong khuôn khổ hiệp ước, Nga muốn làm rõ kho vũ khí hạt nhân của các cường quốc NATO khác như Anh và Pháp.
Mới đây, Nga nêu điều kiện trở lại hiệp ước New START. Theo đó, Nga cho biết nước này cần NATO thay đổi lập trường và sẵn sàng đối thoại trước khi cân nhắc quay trở lại hiệp ước New START.
Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược New START hiệu lực vào năm 2011 và được gia hạn thêm 5 năm vào năm 2021. Hiệp ước này giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược mà Mỹ và Nga có thể triển khai.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Moskva và Washington đang sở hữu 90% số đầu đạn hạt nhân trên toàn thế giới. Nga có 5.977 đầu đạn vào thời điểm đầu năm 2022, trong đó hơn 1.600 có thể sẵn sàng được sử dụng. Mỹ biên chế 5.428 đầu đạn, với 1.750 chiếc sẵn sàng chiến đấu theo ràng buộc của New START.