Trong văn bản mới ban hành, Cục Quản lý Nhà nước về Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình Trung Quốc đã nêu rõ trẻ em và thanh thiếu niên là đối tượng chính của phim hoạt hình. Vì vậy, những bộ phim có yếu tố gây hại, hình ảnh đen tối, bạo lực sẽ bị cấm phát sóng.
Trước đó, Hiệp hội Bảo vệ Người tiêu dùng tỉnh Giang Tô - Trung Quốc đã tiến hành khảo sát về ảnh hưởng của phim hoạt hình đối với trẻ vị thành niên. Đối tượng thăm dò là phụ huynh và giáo viên.
Họ đã liệt kê có 123 cảnh trong 21 phim hoạt hình đề cập về những âm mưu tăm tối, kinh dị, hồi hộp. Người được khảo sát còn đánh giá các phim hoạt hình trong danh sách có những phân đoạn mô phỏng nguy hiểm, điển hình như cảnh nhân vật trong Heo Peppa tự mở cửa máy bay, lướt sóng...
Bản báo cáo của Hiệp hội Bảo vệ Người tiêu dùng tỉnh Giang Tô còn nêu rõ những trường hợp một số phim hoạt hình đã tác động xấu đến trẻ. Vào tháng 2/2021, một trẻ 8 tuổi ở Ngân Xuyên (Trung Quốc) đã dùng ô "bay" từ trên lầu xuống dưới đất và bị gãy xương. Trước đó, vào năm 2018, một bé gái 8 tuổi đã bắt chước cảnh leo núi trong phim hoạt hình và không may ngã dẫn đến tử vong.
Các thành viên của Hiệp hội Bảo vệ Người tiêu dùng tỉnh Giang Tô cũng nêu ra vấn đề, nhiều tác phẩm gắn liền với tuổi thơ còn dính đến vấn đề chèn nhiều quảng cáo và trong đó có những quảng cáo không phù hợp với trẻ.
Trong báo cáo của mình, Hiệp hội Bảo vệ Người tiêu dùng tỉnh Giang Tô khuyến nghị cơ quan quản lý nên đề ra hệ thống xếp hạng người xem phim hoạt hình cụ thể dựa trên độ tuổi, trình độ học vấn... hoặc phân loại nội dung hoạt hình, chọn nền tảng phát sóng và thời gian phát sóng phù hợp với các đối tượng được phép xem.
Ngay sau báo cáo nêu trên, các kênh video đã phải lần lượt gỡ bỏ 21 bộ phim hoạt hình gắn liền với tuổi thơ của trẻ em Trung Quốc. Những bộ phim hoạt hình bị gỡ bỏ gồm Thám Tử Lừng Danh Conan, Ultraman, Pokémon... Hầu hết các tác phẩm này đều được đánh giá có nội dung chứa nhiều yếu tố bạo lực, thô tục và làm ảnh hưởng không tốt đến quá trình phát triển của trẻ em.
Trước hành động mạnh tay của Cục Quản lý Nhà nước về Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình Trung Quốc, nhiều khán giả bày tỏ lo lắng về việc bộ phim truyền hình kinh điển - Tây Du Ký (năm 1986) sẽ bị xóa bỏ bởi những cảnh quay nhạy cảm.
Cụ thể, phân cảnh nhân vật Hồng Hài Nhi bị trói chặt tay chân, treo lơ lửng cùng với trang phục có phần hở, lộ vòng ba trên màn ảnh hay những lần Tôn Ngộ Không bị yêu quái chém đầu, Đường Tăng bị cho vào nồi hầm... đều khiến bộ phim có nguy cơ gỡ bỏ vĩnh viễn.
Tuy nhiên, hiện tại, thông tin về việc Tây Du Ký bị gỡ bỏ chưa chính thức và chỉ là sự lo lắng của cộng đồng mạng.
Trên mạng xã hội Trung Quốc, những cuộc tranh cãi liên quan tới việc xóa bỏ Tây Du Ký vì hình ảnh nhạy cảm đang diễn ra. Phần lớn ý kiến cho rằng, Tây Du Ký là một tác phẩm kinh điển của điện ảnh Trung Quốc và gắn liền với tuổi thơ của thế hệ 8X, 9X.
Tây Du Ký là bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của tác giả Ngô Thừa Ân. Bộ phim nói về cuộc hành trình đi Tây thiên thỉnh kinh của Đường Tăng cùng các đệ tử. Vào năm 2008, Tây Du Ký đã được bình chọn là một trong 30 bộ phim truyền hình có sức ảnh hưởng lớn nhất trong suốt 30 năm phim truyền hình Trung Quốc.
Từ năm 1986 đến nay, Tây Du Ký là một trong những tác phẩm được chiếu lại nhiều nhất tại Trung Quốc với hơn 3.000 lần. Trên Baidu, trang tìm kiếm lớn nhất của Trung Quốc, từ khóa Tây Du Ký có tới 45 triệu kết quả, nhiều hơn hẳn so với những tác phẩm nổi tiếng cùng thời như Tam Quốc diễn nghĩa, Thủy Hử hay Hồng lâu mộng.
Thông tin xóa bỏ các bộ phim hoạt hình được đánh giá có yếu tố không phù hợp với trẻ nhỏ đang khiến cư dân mạng Trung Quốc tranh cãi. Trên Weibo, nhiều dân mạng phản đối động thái này, kêu gọi các bậc phụ huynh nên biết cách điều chỉnh, quản lý tốt con em của mình thay vì ảnh hưởng đến thói quen, nhu cầu giải trí của những khán giả khác./.