Tránh nguy cơ thiếu nguyên liệu thủy sản chế biến, xuất khẩu cuối năm

08/08/2023, 21:29

Do giá sản phẩm các mặt hàng thủy sản hiện đang ở mức thấp, lợi nhuận không nhiều khiến người dân có tâm lý “treo ao” chờ tín hiệu tích cực của thị trường.

Xuất khẩu thủy sản bắt đầu tốt lên, có khả năng hồi phục vào quý 3/2023. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Xuất khẩu thủy sản bắt đầu tốt lên, có khả năng hồi phục vào quý 3/2023. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ngành thủy sản triển khai kế hoạch sản xuất và phát triển năm 2023 trong điều kiện có những thuận lợi, thách thức đan xen, trong đó khó khăn nhất là về thị trường xuất khẩu.

Sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt 4,27 triệu tấn, đạt 47,2% kế hoạch, trong đó nuôi trồng thủy sản đạt hơn 2,336 triệu tấn; giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt 4,13 tỷ USD, giảm 27,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Kết quả giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 5, 6/2023 đã cao hơn những tháng đầu năm, báo hiệu thị trường xuất khẩu thủy sản bắt đầu tốt lên, có khả năng hồi phục vào quý 2, 3/2023. Tuy nhiên, giá sản phẩm hiện tại vẫn đang ở mức thấp, lợi nhuận không nhiều, người dân có tâm lý “treo ao” chờ tín hiệu của thị trường, dẫn đến nguy cơ các tháng cuối năm có thể thiếu nguyên liệu thủy sản phục vụ chế biến và xuất khẩu, ảnh hưởng đến mục tiêu kế hoạch tăng trưởng năm 2023.

Để nuôi trồng thủy sản những tháng cuối năm 2023 phát triển ổn định, đáp ứng đủ nhu cầu nguyên liệu thuỷ sản cả về số lượng và chất lượng phục vụ chế biến, xuất khẩu, ngày 8/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có văn bản gửi ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường chỉ đạo nuôi trồng thủy sản các tháng cuối năm 2023, đảm bảo kế hoạch tăng trưởng.

Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị các tỉnh, thành phố nắm bắt, rà soát, tổng hợp, thống kê nguồn, lượng và khả năng sản xuất, cung ứng vật tư đầu vào phục vụ nuôi trồng thủy sản; lượng thủy sản hiện đang nuôi; lượng thủy sản hiện có tại các cơ sở chế biến, xuất khẩu trên địa bàn; diễn biến giá thủy sản nguyên liệu. Từ đó, các đơn vị chức năng kịp thời thông tin đến doanh nghiệp và người nuôi để có kế hoạch và giải pháp cụ thể, phù hợp trong tổ chức nuôi, chế biến, xuất khẩu.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị các tỉnh thành ổn định nuôi các đối tượng thuỷ sản nuôi chủ lực. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị các tỉnh thành ổn định nuôi các đối tượng thuỷ sản nuôi chủ lực. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị các địa phương thực hiện các giải pháp hạ giá thành trong nuôi trồng thủy sản; áp dụng kỹ thuật tiên tiến ở tất cả các khâu trong quy trình nuôi để tăng tỷ lệ sống, giảm hệ số thức ăn. Các địa phương tổ chức liên kết sản xuất để giảm khâu trung gian, đảm bảo vật tư đầu vào (giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thuỷ sản...) đến tay người nuôi nhanh nhất, gần nhất, chi phí thấp nhất.

Các tỉnh thành ổn định nuôi các đối tượng thủy sản nuôi chủ lực, đẩy mạnh phát triển nuôi trồng trên biển và các đối tượng có giá trị kinh tế cao. Các địa phương duy trì diện tích nuôi sinh thái, hữu cơ, tôm lúa, tôm rừng, quảng canh cải tiến, kết hợp các biện pháp tăng năng suất, sản lượng nuôi ở những khu vực này để phát huy lợi thế sản phẩm tôm sú; phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng ở những vùng có đủ điều kiện hạ tầng và kiểm soát tốt các khâu sản xuất.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng tập trung phát triển chuỗi cá tra từ giống, thức ăn đến nuôi thương phẩm; phát triển nuôi trồng trên biển xa bờ với các đối tượng nuôi có thể cho sản lượng lớn như: Cá chẽm, cá chim vây vàng, cá giò/bớp... cùng với tạo sinh kế, nuôi gắn với bảo vệ môi trường ven bờ.

Đặc biệt, các địa phương tăng cường quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung, kịp thời đưa ra khuyến cáo và cảnh báo người nuôi; làm tốt về phòng, chống dịch bệnh trong nuôi trồng thuỷ sản nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại trong nuôi trồng thuỷ sản. Cùng với đó các địa phương phải kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong nuôi trồng thuỷ sản, xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có) và công khai kết quả xử lý theo quy định.

Các địa phương cần tháo gỡ các vướng mắc khó khăn và đơn giản hoá thủ tục hành chính về đăng ký nuôi trồng thuỷ sản lồng bè. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Các địa phương cần tháo gỡ các vướng mắc khó khăn và đơn giản hoá thủ tục hành chính về đăng ký nuôi trồng thuỷ sản lồng bè. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị các tỉnh, thành thực hiện tốt trong quản lý an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc trong nuôi trồng thuỷ sản; phát triển nuôi trồng thuỷ sản theo nguyên tắc hợp tác, liên kết, lấy người dân làm trung tâm, có sự kết nối giữa các cấp lãnh đạo, quản lý với đơn vị nghiên cứu, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức nghề nghiệp của người dân để tạo ra giá trị gia tăng trong từng công đoạn.

Các địa phương tháo gỡ các vướng mắc khó khăn và đơn giản hoá thủ tục hành chính về đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thuỷ sản nuôi chủ lực đồng thời có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và người nuôi tổ chức liên kết, tối ưu hoá chuỗi sản xuất để giảm giá thành, nâng cao hiệu quả, thúc đẩy tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

(Nguồn: Tin tức TTXVN)

Bài liên quan
Nhiều hoạt động kỷ niệm 65 năm Bác Hồ về thăm làng cá Cát Bà
Kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm làng cá Cát Bà (31/3/1959 – 31/3/2024) và ngày truyền thống ngành thủy sản Việt Nam (01/4), huyện Cát Hải, Hải Phòng tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, đồng thời khai mạc Du lịch Cát Bà năm 2024.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sáp nhập xã, huyện: Tránh yếu tố dòng họ, bè phái trong lựa chọn cán bộ
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, trong sáp nhập xã, huyện, việc hết sức phải tránh là yếu tố về làng xã, dòng họ, bè phái. Nếu để những yếu tố này chi phối trong quá trình tổ chức thì rất dễ gây ra chuyện mất đoàn kết, dẫn tới cục bộ.
Mới nhất