Trái ngược cách ông Trump và bà Harris chuẩn bị cho cuộc tranh luận trực tiếp

09/09/2024, 13:58

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump đang hoàn tất những bước chuẩn bị cuối cùng cho cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên trên truyền hình, diễn ra vào ngày 10/9.

Cuộc tranh luận tổng thống ngày 10/9 do ABC News tổ chức tại Trung tâm Hiến pháp Quốc gia ở Philadelphia sẽ là cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên và có thể là duy nhất giữa Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump.

Hồi tháng 5, Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump đã đồng ý sẽ tham gia 2 cuộc tranh luận, một do CNN tổ chức vào tháng 6 và một do ABC tổ chức vào tháng 9.

Màn thể hiện không như kỳ vọng tại cuộc tranh luận hồi tháng 6 và sức ép từ đảng Dân chủ sau đó đã khiến ông Biden quyết định dừng tranh cử. Cuộc tranh luận thứ hai cũng vì thế mà bị đặt dấu hỏi.

Ông Trump nhiều lần ám chỉ sẽ không tham gia tranh luận do ABC tổ chức và chỉ trích kênh truyền hình này. Tuy nhiên, sau khi bị bà Harris công kích, cáo buộc ông “lùi bước”, cựu Tổng thống đã đồng ý tham gia sự kiện ngày 10/9, đồng thời đề xuất nên có thêm các cuộc tranh luận trên Fox và NBC News. Phía bà Harris chỉ đồng ý với cuộc tranh luận trên ABC.

Cuộc tranh luận ngày 10/9 sẽ kéo dài 90 phút, do 2 người dẫn chương trình của ABC là David Muir và Linsey Davis điều hành. Cuộc tranh luận sẽ diễn ra mà không có khán giả. Trong suốt quá trình dự kiến có hai lần quảng cáo, khi đó đội ngũ tranh cử của 2 bên sẽ không được phép tương tác với các ứng cử viên.

Các quy tắc khác sẽ tương tự như cuộc tranh luận do CNN tổ chức. Micro của các ứng cử viên sẽ chỉ được bật khi đến lượt họ phát biểu. Đây cũng là vấn đề mà hai bên đã bất đồng trong nhiều tuần qua.

Chiến dịch của bà Harris lập luận rằng micro của cả hai ứng cử viên nên được bật trong suốt cuộc tranh luận. Phó Tổng thống cũng hy vọng có thể tận dụng các kỹ năng của mình với tư cách là một công tố viên trước đây để đối đầu trực tiếp trên sân khấu với ông Trump. Tuy nhiên, phía Trump muốn giữ quy tắc tắt micro như cuộc tranh luận đầu tiên.

Trong một lá thư gửi ABC, chiến dịch của bà Harris nói rằng Phó Tổng thống sẽ bất lợi vì quy định tắt micro, nhưng họ chấp nhận các điều khoản để không “gây nguy hiểm cho cuộc tranh luận”.

Chiến lược của cựu Tổng thống Donald Trump

Hai ứng cử viên có cách tiếp cận hoàn toàn khác nhau để chuẩn bị cho cuộc tranh luận vào thứ Ba.

CBS News dẫn các nguồn tin cho biết, ông Trump không chú trọng việc tập dượt các tình huống tranh luận giả định mà dành thời gian rà soát lại quan điểm chính sách thông qua các cuộc thảo luận với các cố vấn, chuyên gia chính sách và các đồng minh.

Cố vấn cấp cao của ông Trump, Jason Miller, đã chủ trì các cuộc thảo luận, bao gồm các phiên họp với cựu quan chức chính quyền Trump, Stephen Miller, cố vấn chính sách chiến dịch tranh cử của ông Trump, Vincent Haley và cựu Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Tulsi Gabbard, cùng nhiều người khác. Các phiên họp tập trung chủ yếu vào việc giúp ông Trump làm rõ thông điệp trong nhiều vấn đề, từ kinh tế đến nhập cư và nền dân chủ nói chung.

Chiến dịch tranh cử của ông Trump cũng lên lịch một loạt sự kiện trong những ngày trước cuộc tranh luận, chẳng hạn như bài phát biểu chính sách vào tuần trước tại Câu lạc bộ Kinh tế New York, nhằm giúp ông nhấn mạnh thông điệp của mình trước công chúng.

Những người giúp ông Trump chuẩn bị cũng khuyên ông tập trung câu trả lời vào các vấn đề chính sách cốt lõi mà ông được đánh giá cao hơn bà Harris, chẳng hạn như kinh tế, nhập cư và tội phạm.

“Phần quan trọng nhất là tìm ra điểm xoay trục, tìm cách công kích đối thủ, trong khi đánh lạc hướng sự công kích từ đối thủ. Vấn đề không phải là bà Harris có ngắt lời ông ấy hay không hay bà ấy sẽ hành động như thế nào, mà là ông ấy phải tập trung vào các chính sách có ưu thế hơn. Đó là trọng tâm”, một cố vấn cấp cao của ông Trump nói với CNN.

Cách bà Harris chuẩn bị cho cuộc tranh luận

Bà Harris đã đến Pittsburgh, Pennsylvania từ hôm 5/9 và sẽ ở lại đây cho đến cuộc tranh luận ngày mai. Bà chủ yếu ở trong khách sạn, chỉ thỉnh thoảng xuất hiện trước công chúng trong thời gian ngắn.

Các trợ lý cho biết, bà Harris đã nghĩ đến cuộc tranh luận với ông Trump kể từ thời điểm Tổng thống Biden tuyên bố dừng tranh cử vào cuối tháng 7.

Không có ứng cử viên tổng thống nào trong thời đại hiện đại tham gia nhiều cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình hơn ông Trump. Phó Tổng thống Harris và nhóm của bà đã nghiên cứu kỹ lưỡng cả 6 cuộc tranh luận đó, gồm 3 cuộc với bà Hillary Clinton năm 2016, 2 cuộc với ông Biden năm 2020 và 1 cuộc với Biden vào tháng 6 năm nay.

Bà Harris cũng đã trao đổi rất nhiều với cả bà Clinton và ông Biden về các cuộc tranh luận với cựu Tổng thống Donald Trump, với hy vọng sẽ được hưởng lợi từ kinh nghiệm của họ.

Mặc dù bà Harris đã lên chiến lược đặt câu hỏi cho đối thủ Donald Trump, nhưng đội ngũ chiến dịch của bà phải tìm cách tiếp cận mới, vì lo ngại rằng khả năng tương tác hiệu quả nhất với cựu Tổng thống sẽ bị cản trở do các hạn chế về micro.

Bộ trưởng Giao thông Pete Buttigieg, người đã tham gia vào quá trình chuẩn bị tranh luận giữa bà Harris với cựu Phó Tổng thống Mike Pence năm 2020, ca ngợi kỹ năng tranh luận của bà Harris, nói rằng: “Bà Harris là một nhà lãnh đạo có khả năng tập trung cao và rất kỷ luật”. Nhưng ông lưu ý rằng “sẽ cần sự tập trung và kỷ luật gần như siêu phàm để đối phó với ông Donald Trump trong một cuộc tranh luận”.

“Nói như vậy hoàn toàn không phải là quá lời. Không phải vì ông Trump là bậc thầy trong việc giải thích các ý tưởng chính sách và cách chúng sẽ giúp ích cho cử tri mà là vì ông ấy là bậc thầy trong việc biến mọi hình thức hoặc định dạng trên truyền hình thành một chương trình chỉ nói về ông ấy”, ông Buttigieg nói.

Bài liên quan
Châu Âu chia rẽ vì bài toán “phi thực tế” của ông Trump
VOVLIVE - Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump kêu gọi các nước thành viên NATO nâng chi tiêu quốc phòng lên 5% GDP, nhưng thực tế hiện tại chưa nước nào đạt được mức này, kể cả Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Toàn cảnh Lễ đón Thủ tướng Nga thăm chính thức Việt Nam
Ngày 14/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Lễ đón Thủ tướng Nga Mikhail Vladimirovich Mishustin sang thăm chính thức Việt Nam.
  • TP.HCM xếp thứ hai thế giới về ô nhiễm không khí
    Sáng sớm 14/1, TP.HCM tiếp tục xuất hiện sương mù dày đặc, chỉ số chất lượng không khí ở mức rất xấu, có lúc ở vị trí thứ 2 thế giới.
  • Chế độ nghỉ hưu trước tuổi từ 1/1/2025
    Điều 2 Nghị định số 177/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025 quy định cụ thể chế độ nghỉ hưu trước tuổi đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng như sau.
  • Thông tư mới về dạy thêm học thêm: "Quản chứ không cấm"
    Ngày 30/12/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm. Thông tư có hiệu lực từ 14/02/2025, với rất nhiều điểm mới so với quy định hiện hành tại Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT.
Mới nhất