TP.HCM tiếp tục nghiên cứu làm nhà hát 2.000 tỷ đồng ở Thủ Thiêm

18/06/2024, 15:34

Nhà hát Thủ Thiêm với kinh phí 2.000 tỷ đồng có kiến trúc hiện đại, đa chức năng với nhiều loại hình biểu diễn nghệ thuật như Opera, giao hưởng, vũ kịch, du lịch...

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa giao Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp và các Sở ngành, đơn vị liên quan khẩn trương bổ sung, hoàn thiện phương án thiết kế kiến trúc công trình dự án Xây dựng nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm (gọi tắt Nhà hát Thủ Thiêm).

Theo đó, Chủ tịch TP.HCM yêu cầu các đơn vị trên tiếp tục nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng, đánh giá cụ thể về ý tưởng thiết kế kiến trúc nhà hát, công năng sử dụng, giá trị nghệ thuật, sự đồng bộ, hài hòa, phù hợp với cảnh quan, mỹ quan, không gian kiến trúc đô thị bao gồm dịch vụ văn hóa, sản phẩm văn hóa, ẩm thực...

Bên trong nhà hát Thành phố, công trình nghệ thuật có kiến trúc độc đáo lớn nhất TPHCM. (Ảnh minh họa: Hoàng Giám)
Bên trong nhà hát Thành phố, công trình nghệ thuật có kiến trúc độc đáo lớn nhất TPHCM. (Ảnh minh họa: Hoàng Giám)

Ngoài ra, lãnh đạo TP.HCM giao các đơn vị bổ sung và hoàn thiện phương án thiết kế nhà hát Thủ Thiêm bảo đảm phương án thiết kế kiến trúc hiện đại, đa chức năng, nhiều loại hình biểu diễn nghệ thuật như Opera, giao hưởng, vũ kịch, cải lương, hội thảo, giao lưu, du lịch...;

Đồng thời, việc thiết kế sân khấu phục vụ biểu diễn phải đáp ứng các yêu cầu của sân khấu hiện đại bậc nhất trên thế giới, thể hiện được giá trị đặc sắc riêng về nghệ thuật biểu diễn, hình thành di sản văn hóa của TP.HCM.

Ngoài ra, phương án thiết kế kiến trúc phải đảm bảo các tiêu chí về thiết kế đặc sắc, hài hòa về mỹ thuật, tạo điểm nhấn về thiết kế kiến trúc văn hóa, hiện đại, khoa học, hài hòa các giá trị truyền thống, kết hợp xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”; tạo độ cảm nhận sâu sắc các giá trị văn hóa của công trình cho từng đối tượng phục vụ.

Thiết kế cũng phải thể hiện đầy đủ các yếu tố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, mang tính đại chúng, tính nhân văn nhằm phục vụ rộng rãi các tầng lớp nhân dân và du khách.

Lãnh đạo TP.HCM yêu cầu quá trình chuẩn bị các bước triển khai thực hiện cần nghiên cứu, xem xét hết sức kỹ lưỡng, tiếp tục tham khảo, lắng nghe, tiếp thu tối đa ý kiến các chuyên gia, giới chuyên môn về thiết kế kiến trúc nghệ thuật, nghệ sĩ chuyên sâu giao hưởng, vũ kịch, cải lương..., kết hợp nghiên cứu, tiếp thu thiết kế mỹ thuật các nhà hát nổi tiếng của các nước.

Cuối cùng, Chủ tịch TP.HCM giao việc khởi công, triển khai thực hiện các hạng mục công trình phải bảo đảm tiến độ theo kế hoạch đề ra; đồng thời, có thể nghiên cứu kêu gọi xã hội hóa đầu tư một vài hạng mục nhằm xây dựng Nhà hát tương xứng tầm vóc của TP.HCM.

Trường hợp có khó khăn, vướng mắc phát sinh vượt thẩm quyền phải kịp thời tham mưu, đề xuất UBND thành phố.

Dự án nhà hát Thủ Thiêm được HĐND TP.HCM thông qua chủ trương đầu tư tháng 10/2018, tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2022.

Sau đó, chủ đầu tư dự án đề xuất tăng tổng mức đầu tư dự án lên gần 2.000 tỷ đồng và điều chỉnh thời gian thực hiện từ năm 2018 - 2024.

Nhà hát Thủ Thiêm có quy mô 1.700 chỗ ngồi, gồm 1 khán phòng lớn 1.200 chỗ và 1 khán phòng nhỏ 500 chỗ. Cuối năm 2021, chủ đầu tư đã trao 2 giải nhì (không có giải nhất) cho 2 đơn vị tham gia cuộc thi ý tưởng phương án thiết kế kiến trúc công trình nhà hát.

Hiện UBND TP.HCM giao Sở Văn hóa và Thể theo lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh dự án để triển khai các bước tiếp theo. Nhà hát Thủ Thiêm được chọn là công trình dấu ấn chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước (30/4/2025).

(Nguồn: Vietnamnet)

Link: https://vietnamnet.vn/tphcm-tiep-tuc-nghien-cuu-lam-nha-hat-2-000-ty-dong-o-thu-thiem-2292535.html

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu nhậm chức: Giữ gìn và tăng cường sự đoàn kết trong Đảng
Phát biểu nhậm chức trước Quốc hội, Chủ tịch nước Lương Cường nhấn mạnh tiếp tục giữ gìn và tăng cường sự đoàn kết, thống nhất cao trong Đảng; cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục chăm lo xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
  • Kinh tế Việt Nam tiếp tục được dự báo tăng trưởng cao trong 2024 và 2025
    Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2024 được đánh giá tiếp tục phục hồi. Xuất nhập khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã trở thành điểm sáng nổi bật, phản ánh niềm tin của các nhà đầu tư quốc tế đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam. Nhiều tổ chức quốc tế đã nâng dự đoán tăng trưởng GDP 2024 của Việt Nam so với trước đó.
  • Đề xuất Nhà nước độc quyền đầu tư và phát triển điện hạt nhân
    Theo dự án Luật Điện lực (sửa đổi), Chính phủ đề xuất Nhà nước độc quyền trong đầu tư xây dựng và vận hành các dự án nhà máy điện hạt nhân vì mục đích bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
  • Tiểu sử Chủ tịch nước Lương Cường
    Chủ tịch nước Lương Cường sinh năm 1957, quê ở thành phố Việt Trì, Phú Thọ. Ông có trình độ chuyên môn là Cử nhân Xây dựng Đảng và Chính quyền Nhà nước. VOV xin trân trọng giới thiệu tiểu sử Chủ tịch nước Lương Cường.
Mới nhất