Tổng cầu của nền kinh tế Việt Nam sụt giảm mạnh
PGS.TS. Nguyễn Thành Hiếu, Hiệu phó Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, kinh tế thế giới vẫn gặp nhiều bất ổn xuất phát từ lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, các ngân hàng Trung ương tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt, nhiều nền kinh tế lớn đã tăng trưởng chậm lại và các yếu tố chính trị như xung đột Nga - Ukraine vẫn đang còn diễn biến rất phức tạp.
Trong tình hình đó, kinh tế Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức. GDP 6 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng 3,72%, đây là mức tăng thấp so với GDP cùng kỳ trong giai đoạn 10 năm qua, chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% cùng kỳ của năm 2020 (do ảnh hưởng mạnh của COVID-19 thời điểm đó).
Liên quan đến thương mại quốc tế, tính chung 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam duy trì thặng dư thương mại 12,25 tỷ USD. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm mạnh so với cùng kỳ, lần lượt giảm 12,1% và 18,2% do nhu cầu từ các thị trường chính của Việt Nam như Hoa Kỳ, ASEAN, EU và một số quốc gia Đông Á đều giảm. Lượng xuất khẩu tới thị trường Hoa Kỳ giảm mạnh nhất với mức 22,6%, lượng nhập khẩu từ Hàn Quốc chứng kiến mức giảm 25,6% - lớn nhất trong các thị trường chính. Điều này cũng khiến cho sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của Việt Nam giảm mạnh so với cùng kỳ.
Theo PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu, những số liệu trên cho thấy sự sụt giảm mạnh từ phía tổng cầu của nền kinh tế Việt Nam.
“Mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2023 trở nên rất khó khăn trong bối cảnh những tác động từ thế giới còn khó lường trong khi khu vực sản xuất trong nước còn chưa hoàn toàn hồi phục sau đại dịch. Điều này đòi hỏi Chính phủ và các bộ, ban, ngành liên quan cần khẩn trương có những biện pháp thích hợp, kịp thời để phục hồi tổng cầu, phát triển kinh tế trong bối cảnh mới”, PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu nhận định.
Cùng quan điểm, PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng Bộ môn Kinh tế vĩ mô, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, cả ba động lực từ phía cầu đều suy yếu, ngoại trừ đầu tư công tăng khá, các thành phần đầu tư khác đều sụt giảm mạnh.
“Đầu tư Nhà nước tăng mạnh nhưng còn dưới xa so với kế hoạch do nhiều nguyên nhân như thiếu động lực, vướng pháp lý, giá nguyên vật liệu cao); đầu tư tư nhân tăng rất chậm do lãi suất cao, khó tiếp cận tín dụng và phát hành trái phiếu/cổ phiếu, và đặc biệt là do niềm tin giảm sút. FDI ổn định, tuy nhiên khó tăng mạnh cho tới khi kinh tế thế giới và xuất khẩu hồi phục”, PGS.TS Phạm Thế Anh nói.
Trong khi đó, xuất khẩu đang giảm dần qua các quý, cho thấy tình hình đang xấu. Tuy nhiên, do nhập khẩu giảm mạnh hơn nên cán cân thương mại vẫn thặng dư.
Phối hợp chính sách tài khoá, tiền tệ
PGS.TS Phạm Thế Anh cho rằng, dù nhìn ở góc độ lạc quan, tăng trưởng hồi phục nhẹ nhưng các chỉ số đều ở mức thấp so với điều kiện bình thường và có nguy cơ kéo dài. Theo đó, nhìn vào tăng trưởng các nhóm ngành trong quý II có thể thấy nền tảng phục hồi chưa chắc chắn, mặc dù tăng trưởng GDP quý II cải thiện hơn so với quý I nhưng vẫn còn ở dưới xa con số trung bình 5 năm của giai đoạn trước COVID-19.
"Kinh tế đang hồi phục là câu nói mang tính khích lệ, nhìn sâu vào bản chất kinh tế vẫn rất khó khăn”, PGS.TS Phạm Thế Anh lo ngại.
Để kích thích tổng cầu, PGS.TS Phạm Thế Anh khuyến nghị, cần khuyến khích đầu tư tư nhân thông qua tiếp tục hạ lãi suất cho vay, từ đó, giảm chi phí vốn, tăng khả năng tiếp cận vốn trên thị trường chứng khoán, kích thích được tiêu dùng nhờ sự hồi phục của thị trường tài sản. Sử dụng tín dụng thuế đầu tư (Investment Tax Credit) ngắn hạn, tuy nhiên, lưu ý cần kiểm soát tăng trưởng cung tiền quanh 10%, tránh nôn nóng hạ lãi suất chính sách dồn dập.
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy nhanh đầu tư công, tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng, tránh dàn trải; phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu thực; bổ sung/xây dựng mới các trường học công đáp ứng đủ nhu cầu xã hội.
“Cần kích thích tiêu dùng thông qua trợ cấp an sinh xã hội cho hộ nghèo và người bị mất việc; nâng mức thu nhập chịu thuế; giảm thuế VAT hàng thiết yếu. Ưu điểm của kích thích tiêu dùng này là đạt hai mục tiêu an sinh xã hội và kích cầu. Hiệu quả do xu hướng tiêu dùng biên cao; vừa là chính sách tạm thời vừa lâu dài, ít tác động phụ", ông Phạm Thế Anh nhấn mạnh.