TNGT liên quan đến trẻ em: Có thể phòng tránh được?

08/12/2023, 09:48

Theo báo cáo của Bộ Công an, từ ngày 15/12/2022 đến 14/10/2023, trên địa bàn cả nước, TNGT liên quan đến trẻ em (tuổi từ 6-18) xảy ra 881 vụ, trong đó có 737 vụ do thiếu niên, học sinh dưới 18 tuổi đi bộ hoặc trực tiếp điều khiển phương tiện liên quan đến TNGT, làm chết 378 người, bị thương 658 người.

Những con số không nhỏ, đặt ra yêu cầu bức thiết trong việc đảm bảo an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông. Những việc cần làm ngay là gì? PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi về vấn đề này với ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐTB&XH.

PV: Trước con số giật mình gần 900 vụ TNGT liên quan đến trẻ em, với cương vị là Cục trưởng Cục Trẻ em, ông có suy nghĩ và trăn trở gì ạ?

Ông Đặng Hoa Nam: Tình hình tai nạn giao thông nói chung và tai nạn giao thông đối với trẻ em nói riêng qua số liệu theo dõi, thống kê nhiều năm, chúng tôi thấy rằng tai nạn giao thông ở trẻ em vẫn là nguyên nhân gây thương tích và gây tử vong cao, có lẽ chỉ xếp sau tai nạn do đuối nước.

Tôi cho rằng tai nạn giao thông đối với trẻ em cũng là một vấn đề xã hội khá nhức nhối và cấp bách, mà chúng ta cần phải có sự tham gia không chỉ của các cơ quan chức năng và của cả cộng đồng, của nhà trường và của gia đình để làm sao cứu được sinh mạng trẻ, giảm được những thương vong, thương tích và khuyết tật ở trẻ do tai nạn giao thông.

Cũng như tai nạn đuối nước, tôi cho rằng tai nạn giao thông cũng là một tai nạn hoàn toàn có thể phòng tránh được. Tuy nhiên do ý thức con người vẫn để xảy ra những tình trạng như vậy và đây là một vấn đề khá nhức nhối mà chúng ta cần phải tập trung giải quyết.

PV: Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thống kê nêu trên, nhưng theo ông đâu là nguyên nhân căn cơ khiến TNGT liên quan đến trẻ em vẫn nhức nhối như vậy?

Ông Đặng Hoa Nam: Thứ nhất, mặc dù chúng ta triển khai các chương trình giáo dục hiểu biết pháp luật an toàn giao thông cũng như kỹ năng tham gia giao thông an toàn trong trường học, tuy nhiên không ít trẻ em, đặc biệt là học sinh vẫn tham gia giao thông không chấp hành pháp luật.

Thứ hai là điều khiển phương tiện, ví dụ xe máy, xe đạp điện thiếu an toàn. Vấn đề thứ hai là liên quan đến nhận thức, kiến thức cũng như hành vi của cha mẹ khi tham gia giao thông có trẻ em cũng dẫn đến cái tai nạn giao thông.

Thứ ba phải xem xét môi trường, phương tiện giao thông tác động đến trẻ em, đặc biệt ở xung quanh trường học hay khu vực đông dân cư.

Tôi cho rằng những vấn đề này chúng ta cần phải xem xét từng đối tượng, môi trường cụ thể, để chúng ta có giải pháp kéo giảm số vụ trẻ em bị tai nạn giao thông.

PV: Là cơ quan trực tiếp bảo vệ trẻ em, Cục Trẻ em có kiến nghị gì với các cơ quan, ban ngành để kéo giảm tình trạng kể trên? Theo ông, đâu là ưu tiên hàng đầu?

Ông Đặng Hoa Nam: Thời gian qua tôi thấy có những giải pháp cũng mang lại hiệu quả nhất định, do đó chúng ta cần phải mở rộng cho phù hợp đối với nhiều đối tượng hơn. Chúng ta đã khá thành công trong việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.

Tôi cho rằng chúng ta cần phải tiếp tục xem xét có nên quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm không chỉ trên xe máy mà có thể cả trên phương tiện khác như xe máy điện, xe đạp điện và thậm chí xe đạp. Vấn đề thứ hai, tôi cho rằng chúng ta cần tiếp tục truyền thông, giáo dục, xử lý nghiêm các bậc cha mẹ cùng con tham gia giao thông nhưng không chấp hành quy định an toàn. Ví dụ như không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, đi vào đường cấm...

Một giải pháp nữa đó là ngoài quy định pháp luật về an toàn giao thông thì chúng ta cần phải tạo thành thói quen luôn luôn giảm tốc độ, chú ý quan sát khi đi vào khu vực có trẻ em. Ví dụ như trường học, khu dân cư, khu vui chơi giải trí.

Về lâu dài tiếp tục giáo dục ý thức an toàn giao thông, văn hóa tham gia giao thông cho trẻ em từ độ tuổi nhỏ, thậm chí độ tuổi mầm non. Tiếp tục cải cách chương trình giáo dục về an toàn giao thông trong trường học hấp dẫn hơn, nhiều trò chơi hơn để trẻ em có ý thức, phản xạ an toàn, có văn hóa khi tham gia giao thông.

PV: Xin cảm ơn ông!

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Siết chặt vòng vây
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, với cách đánh lấn, ta đã từng bước siết chặt vòng vây, đưa chiến hào vào sâu trong cứ điểm địch rồi bất ngờ đột phá tiêu diệt địch.
Mới nhất