Buổi lễ do Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh Quảng Ninh phối hợp cùng các cơ quan chức năng và gia đình nạn nhân tổ chức.
Tham dự Đại lễ cầu siêu có ông Vũ Đại Thắng – Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Quảng Ninh; bà Trịnh Thị Minh Thanh – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; ông Vũ Quyết Tiến – Phó Bí thư Tỉnh uỷ… cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh, chính quyền địa phương.

Về phía Giáo hội Phật giáo Việt Nam có Hòa thượng Thích Quảng Tùng – Phó Chủ tịch Trung ương GHPGVN; Hòa thượng Thích Thanh Quyết – Phó Chủ tịch Trung ương GHPGVN, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh; gần 100 chư tôn đức tăng ni và đông đảo thân nhân các nạn nhân đã về dự trong không khí trang nghiêm, xúc động và đầy tình người.
Diễn ra từ 5h ngày 28/7 đến 21h cùng ngày, đại lễ bao gồm nhiều nghi thức Phật giáo truyền thống như: Lễ khai đàn; Lễ chiêu hồn Hà Bá ( Lễ bắc cầu); Lễ nghinh sư duyệt định; Lễ tiếp thỉnh vong linh; Thỉnh Phật đại khoa; Lễ Khai xá; Cúng tống xá; Lễ Triệu linh tắm vong; Bạch Phật quy vong; Lễ Tiến linh - Cúng cơm.

Buổi chiều diễn ra các Lễ cúng đón Chư Tôn Hoà Thượng, Thượng tọa, Đại đức tăng quang lâm trại đàn; Bạch Phật khai linh - Khoá lễ cầu siêu độ hương linh tử nạn; Lễ triệu tam phủ; Lễ giải oan đoạn nghiệp; Đăng đàn mông sơn thí thực bình đẳng chẩn âm linh trên bờ dưới nước; Lễ thả hoa đăng - Lễ tắt.
Buổi lễ không chỉ nhằm cầu siêu độ cho 39 nạn nhân trong vụ việc thương tâm ngày 19/7, mà còn là lời cầu nguyện cho tất cả những ai từng mất đi trên vùng biển linh thiêng này.
Với tinh thần “Tưởng nhớ người đi – Vì người ở lại”, đại lễ không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn là một lời cảnh tỉnh, nhắc nhở về sự mất mát to lớn mà tai nạn, thiên tai để lại cho gia đình, cộng đồng và toàn xã hội. Thông qua đại lễ, người dân được nhắc nhở về giá trị của sự sống, trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn giao thông đường thuỷ, cũng như tình đoàn kết, sẻ chia trong hoạn nạn.