TikTok kiểm duyệt chưa hiệu quả, lọt nhiều nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam

05/10/2023, 21:59

Theo Cục trưởng Lê Quang Tự Do, các sai phạm nổi bật tại Việt Nam của TikTok bao gồm các hoạt động cung cấp dịch vụ mạng xã hội, về bảo vệ trẻ em và về hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.

Đây là kết luận công bố những vi phạm của TikTok tại Việt Nam được ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) thông tin tới báo chí tại buổi họp báo thường kỳ chiều 5/10.

Tránh để tình trạng công ty xuyên biên giới lập “bình phong” tại Việt Nam

Lý giải nguyên do vì sao cuộc kiểm tra của đoàn liên ngành chỉ ra những sai phạm của mạng xã hội TikTok trong quá trình cung cấp dịch vụ tại Việt Nam phải hoãn lại nhiều lần mới chính thức công bố, ông Lê Quang Tự Do cho biết, kết quả kiểm tra, xác minh cho thấy văn phòng TikTok và Công ty TikTok Việt Nam không trực tiếp tham gia hoạt động quản lý, cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam thông qua trang web TikTok.com và ứng dụng TikTok.

Việc cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam do TikTok Pte.Ltd (TikTok Singapore) trực tiếp quản lý, vận hành.

“Tất cả các yêu cầu thông tin, làm việc của cơ quan kiểm tra đều phải chuyển về xin ý kiến của TikTok Singapore, sau đó mới có ý kiến trả lời ngược lại. Còn đại diện tại Việt Nam không có khả năng quyết định hay chia sẻ thông gì, Vì thế gây mất rất nhiều thời gian trong suốt quá trình làm việc”, Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT cho hay.

“Chúng tôi cũng đã làm việc trực tiếp với TikTok Singapore, họ cũng bày tỏ sự đồng ý và ủng hộ các biện pháp khắc phục từ phía đoàn liên ngành yêu cầu. Thông tin mới nhất chúng tôi vừa nhận được là việc khắc phục này sẽ được triển khai trong 30 ngày sắp tới. Chúng tôi sẽ theo dõi sát các hoạt động khắc phục này”, ông Lê Quang Tự Do thông tin.

Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT cũng nhấn mạnh, tránh nên để tình trạng lập “bình phong” của các công ty cung cấp dịch vụ xuyên quốc gia. Việt Nam không hoan nghênh bất cứ doanh nghiệp, công ty cung cấp dịch vụ nào hoạt động tại Việt Nam nhưng không tuân thủ pháp luật của Việt Nam.

Nền tảng TikTok là dịch vụ xuyên biên giới được TikTok Pte. Ltd (còn gọi là Công ty TikTok Singapore) quản lý, vận hành, cung cấp vào Việt Nam thông qua trang web TikTok.com và ứng dụng TikTok từ cuối năm 2017, trở nên phổ biến từ năm 2021. Thời gian qua, hoạt động của nền tảng TikTok có tác động không nhỏ tới đời sống xã hội trong nước, trong đó, có những hành vi vi phạm pháp luật, gây bức xúc dư luận.

Nhằm tăng cường quản lý, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý các sai phạm của nền tảng, từ ngày 22/5/2023, Bộ TT&TT đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, thực hiện kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam.

Đối tượng kiểm tra là 2 pháp nhân của TikTok tại Việt Nam gồm Văn phòng đại diện TikTok Pte. Ltd tại TP.HCM (Văn phòng TikTok) và Công ty TNHH Công nghệ TikTok Việt Nam (Công ty TikTok Việt Nam).

Theo ông Lê Quang Tự Do, nội dung kiểm tra trọng tâm bao gồm việc chấp hành các quy định về hoạt động cung cấp dịch vụ mạng xã hội cho người sử dụng tại Việt Nam, việc chấp hành các quy định về quảng cáo, việc bảo vệ bản quyền tác giả và quyền liên quan. Bên cạnh đó, còn bao gồm việc tuân thủ các quy định liên quan đến hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và việc thực hiện nghĩa vụ về thuế.

Sau khi kết thúc kiểm tra, xác minh trực tiếp tại trụ sở của Văn phòng TikTok và Công ty TikTok Việt Nam, đoàn kiểm tra tiếp tục thu thập, nghiên cứu các tài liệu liên quan, xác minh, tổ chức làm việc và yêu cầu các đối tượng kiểm tra bổ sung hồ sơ, tài liệu cần thiết để phục vụ cho công tác kiểm tra.

Kết luận về việc kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam cũng chỉ rõ riêng đối với dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử, do Văn phòng TikTok thực hiện thủ tục đăng ký thiết lập “Sàn giao dịch thương mại” thông qua ứng dụng TikTok theo ủy quyền của TikTok Singapore, nên theo quy định về thương mại điện tử, Văn phòng TikTok phải liên đới chịu trách nhiệm đối với các hành vi vi phạm trong việc cung cấp dịch vụ này theo quy định của pháp luật Việt Nam.

TikTok Pte. Ltd (TikTok Singapore) không phải là đối tượng kiểm tra nhưng lại là đơn vị trực tiếp quản lý, vận hành, cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam thông qua trang web TikTok.com và ứng dụng TikTok. Vì vậy, TikTok Singapore là đơn vị chịu trách nhiệm về việc chấp hành các quy định của pháp luật Việt Nam trong việc cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam.

Các sai phạm của TikTok tại Việt Nam

Theo Cục trưởng Lê Quang Tự Do, các sai phạm nổi bật tại Việt Nam của TikTok bao gồm các hoạt động cung cấp dịch vụ mạng xã hội, về bảo vệ trẻ em và về hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.

Về cung cấp dịch vụ mạng xã hội, về bảo vệ trẻ em, TikTok Singapore lưu trữ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam tại các máy chủ CDN tại Việt Nam. Cụ thể, đó là thông tin giả mạo, xuyên tạc, kích động bạo lực, kích động tệ nạn xã hội; thông tin gây hại cho trẻ em…

Quy trình kiểm duyệt nội dung của TikTok chưa hiệu quả, để lọt nhiều nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam. Cách thức phân phối, đề xuất nội dung dựa trên sự tương tác, sở thích, sự quan tâm của người dùng dễ dẫn đến việc nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam được lan truyền với tốc độ nhanh chóng, nếu được nhiều người dùng tương tác, quan tâm.

TikTok không có biện pháp, công cụ bảo đảm an toàn về thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em; không gửi các thông điệp cảnh báo nguy cơ khi trẻ em cung cấp, thay đổi thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em; không thực hiện việc phát hiện, loại bỏ các hình ảnh, tài liệu, thông tin không phù hợp với trẻ em, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em; không tổ chức tiếp nhận thông tin, đánh giá phân loại theo mức độ an toàn cho trẻ em.

Hoạt động của TikTok vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, và quy định tại khoản 1 Điều 36 Nghị định 130/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em. Nền tảng vẫn cho phép trẻ em dưới 13 tuổi mở tài khoản dù là nền tảng mạng xã hội chỉ dành cho người từ 13 tuổi trở lên.

TikTok cũng chưa áp dụng chính sách bảo vệ nội dung có bản quyền của người dùng; chưa thông báo đầu mối liên lạc về vấn đề quyền tác giả, quyền liên quan tới cơ quan chuyên môn quản lý Nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và công khai trên trang thông tin điện tử của nền tảng TikTok.

Về hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, TikTok chưa công bố thông tin về chủ sở hữu ứng dụng trên trang chủ của ứng dụng TikTok Shop theo quy định, vi phạm quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 62 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/08/2020 (sửa đổi tại điểm b khoản 33 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP ngày 31/01/2022).

Nền tảng này cũng chưa lưu trữ đầy đủ thông tin người bán theo quy định khi đăng ký sử dụng dịch vụ và chưa thực hiện đầy đủ việc kiểm tra, giám sát để đảm bảo việc cung cấp thông tin về hàng hóa của người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định...

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông
Chiều 29/4, tiếp tục chương trình công tác, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các Bộ ngành, địa phương nơi có dự án đi qua đã đi kiểm tra các dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông  giai đoạn 2021 - 2025.
  • Những điểm lý tưởng ngắm pháo hoa tối 30/4 ở TP.HCM
    Công viên bờ sông Sài Gòn, Bến Bạch Đằng, các quán cà phê ở tòa nhà cao nhất Việt Nam là địa điểm lý tưởng “bắt trọn” khoảnh khắc pháo hoa rực sáng tối 30/4.
  • Lượng khách đi máy bay qua Nội Bài và Tân Sơn Nhất bất ngờ giảm mạnh
    Thống kê của ngành hàng không cho thấy, sau 2 ngày đầu của kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, lượng hành khách đi, đến Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã giảm tương đối nhiều, nhất là lượng khách đi các tuyến nội địa.
  • Thiêng liêng hành trình ra Trường Sa ngày Giải phóng
    Chào mừng 49 năm ngày Giải phóng hoàn toàn Trường Sa (29/4/1975 – 29/4/2024), sáng nay, đoàn công tác số 14 trên tàu Kiểm Ngư 491/CĐKN 4 - Vùng 4 Hải Quân do Đại tá Cao Văn Sơn, Phó Chủ nhiệm Hậu cần Quân chủng Hải Quân làm trưởng đoàn đã khởi hành đi thăm động viên quân và dân huyện đảo Trường Sa, nhà giàn DK-1.
Mới nhất