“Tiếp lửa” cho đờn ca tài tử ở Cao Lãnh - Đồng Tháp

Phạm Hải - Lưu Diễm/VOV-ĐBSCL | 12/06/2023, 08:02

Đã là người Nam bộ thì ít ai không biết đến Đờn ca tài tử. Ngoài “cái nôi” sản sinh ra loại hình nghệ thuật này là Bạc Liêu, có lẽ trong tâm thế mỗi du khách sẽ vẫn cảm thấy ấn tượng nhất là khi được thưởng thức đờn ca tài tử tại Thủ phủ của Đồng Tháp – Thành phố Cao Lãnh, nơi đang “tiếp lửa” để cái nôi đờn ca tài tử tiếp tục được chắp cánh.

Mặc dù không phải là cái nôi của đờn ca tài tử nhưng thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đã sản sinh ra nhiều Nghệ nhân ưu tú, như Hồng Tâm (nghệ danh Thu Ba), Đinh Văn Lợi, Phạm Hùng Minh, Đinh Văn Trường. Hiện nay, thành phố có 36 câu lạc bộ đờn ca tài tử ở xã, phường và 1 câu lạc bộ của thành phố Cao Lãnh với tổng số 426 thành viên. Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ một phần kinh phí hoạt động thì các xã, phường luôn quan tâm, theo dõi quá trình hoạt động của các câu lạc bộ đờn ca tài tử.

Đều đặn vào tối thứ bảy hàng tuần, tại Công viên Hai Bà Trưng, Phường 2, các thành viên của đờn ca tài tử thành phố Cao Lãnh sẽ tổ chức sinh hoạt, tập luyện những bản tài tử. Điểm sinh hoạt được ra mắt với mục đích vừa để nâng cao kỹ thuật, âm sắc biểu diễn, vừa giao lưu, học hỏi kinh nghiệm giữa các thành viên để phục vụ cho những chương trình nghệ thuật do thành phố tổ chức, hay các hội thi, hội diễn trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp.

Tại đây, người dân và du khách sẽ được thưởng thức một chương trình đờn ca tài tử với phần lớn là những giọng ca, ngón đờn từ thành viên của câu lạc bộ. Trong chương trình, người dân và du khách sẽ được thả hồn theo nhiều cung bậc cảm xúc của những bản danh bất hư truyền như: “Lưu thủy trường”, “Cổ bản vắn”, Tây Thi vắn” (Bắc), “Long ngân”, “Xàng xê” (Hạ), “Nam xuân”, “Nam ai”, “Phụng hoàng”.

Chị Mai Thanh Loan, nghệ nhân không chuyên đến từ Phường 6, TP. Cao Lãnh chia sẻ: "Từ nhỏ tôi cũng đam mê về môn nghệ thuật này và chị cũng yêu thích thời gian đầu là chị cũng có tập dợt ca hát nhưng mà hồi đó còn hát bằng bình cho nên đờn hát nhịp ngành không chuẩn. Thời gian sau môn nghệ thuật này bắt đầu thịnh hành hơn, tôi trở lại tập dợt những bài ca mình yêu thích nhất cho nhịp nhàng cho chuẩn, để mỗi lần mình đi ca hát hoặc có thi thố, giao lưu với anh em gần xa để học hỏi thêm".

Chủ nhiệm câu lạc bộ đờn ca tài tử thành phố Cao Lãnh là Nghệ nhân ưu tú Thu Ba, người đã gắn bó với loại hình nghệ thuật này như “máu thịt”, đã 63 tuổi đời nhưng có hơn 45 năm tuổi nghề. Nghệ nhân ưu tú Thu Ba không chỉ đờn giỏi mà ông ca cũng rất chuẩn, chẳng những mong muốn loại hình nghệ thuật này phát triển bền vững mà còn hy vọng thế hệ trẻ hôm nay tiếp tục gìn giữ và phát huy.

Nghệ nhân Thu Ba chia sẻ: "Khoảng chừng 2 năm gần đây bắt đầu phát triển mạnh lắm. Bản thân tôi cũng vận động anh em, mấy em trong ban chủ nhiệm câu lạc bộ tỉnh cũng vậy, mình nhân rộng mô hình này ra rồi mình tuyên truyền, giúp đỡ, ví dụ dìu dắt vậy đó. Tức là truyền dạy, hiện giờ tôi đang dạy một lớp bé mười mấy đứa, làm sao cho lớp kế thừa với các câu lạc bộ phải học nhanh, học tiến bộ".

Thật khó để có thể diễn tả hết cảm xúc mà loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử đem đến. Trong đờn ca tài tử, cảm nhận được tình yêu quê hương, đất nước bao la; tình yêu đôi lứa thiết tha; tình phụ tử, mẫu tử thiêng liêng, cao cả; tình bạn tri kỷ gắn bó, keo sơn; tình anh, em máu mủ ruột rà.

Chia sẻ về việc tiếp tục phát huy loại hình đờn ca tài tử, bà Ngô Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch UBND Phường 6, TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp cho biết: "Phường 6 cũng có 1 câu lạc bộ đờn ca tài tử, ở câu lạc bộ này hàng tuần cũng có tổ chức giao lưu với đơn vị của các câu lạc bộ khác. Trong thời gian tới, UBND phường cũng sẽ tạo điều kiện để cho câu lạc bộ sẽ đi giao lưu, các hội diễn, hội thi do thành phố cũng như các đơn vị tổ chức. Thứ hai là sẽ hỗ trợ thêm kinh phí để duy trì cho hoạt động của câu lạc bộ. Bên cạnh đó, cũng sẽ củng cố lại câu lạc bộ đờn ca tài tử ở các khóm".

Thời gian qua, TP. Cao Lãnh đã thực hiện nhiều giải pháp để bảo tồn và phát huy loại hình di sản này như tổ chức các buổi liên hoan, mở các lớp bồi dưỡng hạt nhân, đào tạo, truyền thụ cho thế hệ trẻ cũng như tạo nguồn kinh phí hỗ trợ cho các câu lạc bộ trong cộng đồng duy trì hoạt động. Tuy nhiên, đờn ca tài tử đã và đang đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt của các loại hình nghệ thuật, âm nhạc hiện đại khác. Hơn nữa, thị hiếu thưởng thức văn hóa của một bộ phận người dân, nhất là lớp trẻ thường “chạy” theo văn hóa âm nhạc du nhập từ nước ngoài, dẫn đến nguy cơ mai một nền nghệ thuật đờn ca tài tử là rất cao. Thực trạng đó đặt ra yêu cầu cần thiết phải tiến hành nghiên cứu, đưa ra giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật đờn ca tài tử trong đời sống hiện đại.

Ông Ngô Hoàng Việt, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hoá - Thể thao và Truyền thanh thành phố Cao Lãnh cho biết: "Trong thời gian tới Trung tâm sẽ làm tham mưu cho lãnh đạo Thành phố đưa các nội dung giao lưu đờn ca tài tử vào chương trình công tác của năm, nhằm tạo sân chơi để cho các chú nghệ nhân có dịp giao lưu học hỏi kinh nghiệm với nhau, thứ hai là góp phần thúc đẩy phong trào đờn ca tài tử của các đơn vị. Bên cạnh đó sẽ là cầu nối kết nối giữa các câu lạc bộ đờn ca tài tử của thành phố với câu lạc bộ đờn ca tài tử các đơn vị bạn, trong và ngoài tỉnh, để từ đó đưa phong trào đờn ca tài tử thành phố Cao Lãnh ngày càng phát triển".

Nghệ thuật đờn ca tài tử tại Thủ phủ Đất Sen hồng – Đồng Tháp ngày càng phát triển và trở thành sản phẩm du lịch độc đáo. Những “tài tử, giai nhân” từng ngày ngân nga câu hát, điệu hò để thu hút, níu chân du khách gần xa đến chung vui, thưởng ngoạn, để hình ảnh vùng đất, con người Cao Lãnh và di sản “bình dân” đại diện của nhân loại ngày càng được nhiều người biết tới và giữ gìn./.

Bài liên quan
Đồng Tháp có tân Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp quyết định điều động, bổ nhiệm ông Phan Văn Thương, Tỉnh ủy viên, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy giữ chức vụ Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội giải quyết tên gọi và thủ tục cho dân thế nào?
Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành.
Mới nhất