Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 14-15/1, Thủ tướng Liên bang Nga Mishustin có cuộc hội kiến Chủ tịch nước Lương Cường sáng 15/1 tại Phủ Chủ tịch.
Quan hệ chính trị Việt – Nga có độ tin cậy cao và không ngừng được củng cố. Trao đổi đoàn cấp cao diễn ra thường xuyên.
Từ năm 2020, dù chịu tác động của dịch bệnh COVID-19, tiếp xúc cấp cao song phương vẫn được duy trì thường xuyên thông qua điện đàm, hội nghị trực tuyến giữa tất cả các lãnh đạo chủ chốt của hai nước. Năm 2023 và 2024, trao đổi đoàn diễn ra sôi động.
Sau đại dịch COVID-19, kim ngạch song phương đã có dấu hiệu phục hồi; đạt 3,63 tỷ USD năm 2023 (tăng 2,3%); 11 tháng năm 2024 đạt 4,1 tỷ USD, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm 2023. Hoạt động xuất khẩu đạt 2,1 tỷ USD (tăng 35,7%) và nhập khẩu đạt 2 tỷ USD (tăng 29,2%).
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Nga gồm: điện thoại, điện tử, dệt may, giày dép, nông, thủy, hải sản các loại…; các mặt hàng nhập khẩu chính gồm: than đá, lúa mỳ, sắt thép, phân bón, ô tô, máy móc, thiết bị các loại…
Việt Nam và các nước Liên minh Kinh tế Á – Âu, mà Nga là thành viên, đã chính thức ký Hiệp định Thương mại tự do vào ngày 29/5/2015, có hiệu lực từ ngày 05/10/2016.
Về đầu tư, tính lũy kế đến đầu tháng 11/2024, phía Nga hiện có 199 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký khoảng 990 triệu USD, đứng thứ 26/147 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, được thực hiện tại 21/63 địa phương, bao gồm cả khu vực dầu khí ngoài khơi, dịch vụ lưu trú và ăn uống, công nghiệp chế biến, chế tạo...
Việt Nam có 16 dự án đầu tư sang Nga còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 1,6 tỷ USD, xếp thứ 4/81 quốc gia và vùng lãnh thổ Việt Nam có đầu tư, chủ yếu của các dự án Liên doanh dầu khí Rusvietpetro, Dự án chăn nuôi bò sữa và nông nghiệp của Tập đoàn TH tại Nga, một số dự án công nghiệp và bất động sản…
Viên Minh - Phương Anh