Thủ tướng dự Hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Cà Mau

09/12/2023, 17:08

Sáng nay 9/12 tại tỉnh Cà Mau, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Cà Mau. Cùng dự có lãnh đạo các các Ban, Bộ, ngành Trung ương, tỉnh Cà Mau và các địa phương trong vùng, đại diện cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Hội nghị Hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Cà Mau là một sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh, huy động các nguồn lực, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển KTXH của Cà Mau trong thời gian tới.

Tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển vùng ĐBSCL nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng, nhất là Nghị quyết 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển KTXH, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đây cũng là Diễn đàn quan trọng, là cơ hội tốt để các đối tác, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước trực tiếp đối thoại với lãnh đạo Tỉnh, để tìm hiểu, nắm bắt tư duy, tầm nhìn, không gian phát triển mới, những tiềm năng, thế mạnh, cơ hội, các dự án cụ thể của Cà Mau; đồng thời lãnh đạo các bộ, ngành trung ương có ý kiến, gợi mở về định hướng phát triển, các giải pháp thúc đẩy hợp tác, tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn. 

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng tỉnh Cà Mau đã khẩn trương xây dựng, hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thủ tướng nhấn mạnh, đối với quy hoạch của tỉnh phải đi trước một bướt, có tư duy đổi mới, có tầm nhìn chiến lược, dựa vào cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Quy hoạch tỉnh phải gắn với quy hoạch vùng, quy hoạch vùng thì gắn với quy hoạch quốc gia. Làm xong quy hoạch thì phải triển khai thực hiện cho tốt, tăng cường kiểm tra giám sát, không được phá vỡ quy hoạch, chia nhỏ, manh mún, tình hình thay đổi thì phải điều chỉnh cho hợp lý nhưng không được để ảnh hưởng đến quy hoạch chung. Kiên trì, kiên định mục tiêu đã đề ra, tự chủ đi lên bằng bàn tay, khối óc khung trời của biển của mình, không trông chờ ỷ lại. Phải có niềm tin bản lĩnh để làm.  

Thủ tướng đã khái quát về yếu tố nền tảng, tình hình kinh tế xã hội và môi trường đầu tư kinh doanh của đất nước trong đó nhấn mạnh, Việt Nam chủ trương xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; thực hiện nhất quán mục tiêu chiến lược phát triển nhanh và bền vững; dựa trên 3 trụ cột là kinh tế, xã hội và môi trường; 3 yếu tố nền tảng là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, Nhà nước pháp quyền XHCN, nền dân chủ XHCN; 3 đột phá chiến lược gồm thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng; lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực của sự phát triển; xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; chính sách quốc phòng “bốn không”.  

Thủ tướng cho biết, tình hình thế giới thời gian gần đây tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, trong đó có những vấn đề chưa có tiền lệ, vượt dự báo, gây tác động ảnh hưởng tới tình hình trong nước.

Trước tình hình khó khăn đó, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn cho SXKD, thúc đẩy phục hồi và phát triển KTXH. Nhờ đó, tình hình KTXH tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực theo từng tháng, từng quý; đạt được mục tiêu tổng quát đề ra. Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy; các cân đối lớn của nền kinh tế, an sinh xã hội, đời sống nhân dân được bảo đảm; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; giữ gìn được môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển đất nước, góp phần củng cố tăng cường niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Đặc biệt, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, Việt Nam tăng 12 bậc trong xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu. Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của đầu tư nước ngoài. Tổng vốn FDI đăng ký 11 tháng năm 2023 đạt 28,85 tỷ USD, tăng 14,8% so cùng kỳ; vốn FDI thực hiện đạt 20,25 tỷ USD, tăng 2,9%; trong khi đầu tư toàn cầu suy giảm.

Bên cạnh kết quả đạt được là cơ bản, nền kinh tế còn những hạn chế, bất cập và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Sức ép lạm phát còn cao (lạm phát cơ bản bình quân 11 tháng tăng 4,27%); hấp thụ vốn của nền kinh tế còn khó khăn, dư nợ tín dụng đến nay mới tăng chưa đến 9%; xuất khẩu giảm 5,9% so với cùng kỳ. Các thị trường trái phiếu DN, bất động sản và một số ngành, lĩnh vực còn gặp khó khăn…

Thủ tướng cũng chia sẻ về nguyên nhân và bài học kinh nghiệm. Trong thời gian tới, Thủ tướng khẳng định, Việt Nam tiếp tục kiên định các chủ trương, đường lối đề ra và thực hiện quyết liệt, chủ động, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho SXKD, thúc đẩy các động lực tăng trưởng  đặc biệt là tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu; 3 động lực tăng trưởng mới gồm tăng cường liên kết vùng, liên kết cả nước, liên kết trong nước và quốc tế; tập trung phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo cho các ngành, lĩnh vực mới nổi như: sản xuất chíp, hydrogen, chống biến đổi khí hâu, tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng, kinh tế tuần hoàn; củng cố thị trường truyền thống, mở rộng các thị trường mới như: Trung Đông, Châu Phi và Nam Mỹ… cùng với đó kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống Nhân dân; trong đó đặc biệt chú trọng tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nguồn lực từ bên trong và bên ngoài cho phát triển đất nước.

Nói về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Cà Mau Thủ tướng cho biết, Việt Nam có nền tảng kinh tế, chính trị, xã hội ổn định và ngày càng phát triển; là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư; hội nhập quốc tế được đẩy mạnh chính là những điều kiện chung rất thuận lợi cho các địa phương, nhất là tỉnh Cà Mau nằm trong khu vực phát triển năng động là ĐBSCL.

Cùng với đó Cà Mau có vị trí địa kinh tế hết sức thuận lợi, giao thương phát triển kinh tế với các nước Đông Nam Á; là tỉnh duy nhất của nước ta có 3 mặt giáp biển với chiều dài bờ biển 254 km và hội tụ nhiều tiềm năng, thế mạnh về phát triển KTXH như phát triển thành trung tâm chế biến thủy sản, thực phẩm của vùng và cả nước, phát triển năng lượng tái tạo, du lịch sinh thái, du lịch biển, đảo, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng.

Việc kết hợp phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, như: điện gió trên bờ, gần bờ, ngoài khơi, điện mặt trời kết hợp trên đất nuôi trông thủy sản, điện sinh khối,... là rất tiềm năng, cơ hội cho Cà Mau xuất khẩu điện.

Cà Mau luôn quan tâm hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, cải thiện đầu tư môi trường kinh doanh; thường xuyên tổ chức gặp gỡ, đối thoại, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp; Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Cà Mau thể hiện quyết tâm cao, tư duy đột phá, năng động sáng tạo, xác định rõ mục tiêu phát triển KTXH tỉnh Cà Mau nhanh, bền vững và toàn diện, đưa Cà Mau sớm trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển, trung tâm năng lượng tái tạo của vùng đồng bằng sông Cửu Long, trung tâm xuất khẩu năng lượng tái tạo của cả nước.

Đặc biệt, Quy hoạch tỉnh Cà Mau được công bố hôm nay có tầm quan trọng đặc biệt, tạo không gian phát triển mới, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực phát triển bền vững, hiệu quả; giúp khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của Tỉnh.

Thủ tướng khẳng định, Cà Mau hội tụ nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để phát triển KTXH nhanh và bền vững, là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, tạo động lực phát triển không chỉ cho Cà Mau, mà còn lan tỏa cho vùng ĐBSCL và cả nước.

Về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới  Thủ tướng nêu rõ, phấn đấu đến năm 2030, Cà Mau trở thành tỉnh phát triển khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; có nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển; hệ sinh thái được bảo tồn, thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu. Quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc”

Đối với tỉnh Cà Mau Thủ tướng yêu cầu, khẩn trương triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Quy hoạch tỉnh, nhất là các ngành, lĩnh vực là tiềm năng, lợi thế của Tỉnh; trong đó đặc biệt 2 nội dung quan trọng là ưu tiên bố trí nguồn lực để tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả không gian phát triển theo mô hình “02 hành lang kinh tế và các trục liên kết phát triển - 03 vùng kinh tế và 5 cực tăng trưởng”; Chú trọng công tác điều phối, quản lý thống nhất, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả và phát triển bền vững với tầm nhìn dài hạn, định hướng phát triển tổng thể, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển KTXH.

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh, dựa trên nền tảng chuyển đổi số, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tập trung đầu tư kết cấu hạ KTXH, nhất là hạ tầng giao thông, hệ thống đô thị, khu công nghiệp và cụm công nghiệp. Chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; huy động các DN và người dân tham gia.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; tăng cường đối thoại, kịp thời giải quyết khó khăn vướng mắc, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, DN. Xây dựng bộ máy tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả gắn với xây dựng đội ngũ công chức, viên chức có chất lượng, được đào tạo bài bản.

Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; đầu tư hơn nữa cho giáo dục, đào tạo, nhất là dạy nghề, phục vụ những ngành, lĩnh vực chủ lực của Tỉnh. Chú trọng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn; Bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế; tăng cường đối ngoại nhân dân.

Đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư Thủ tướng đề nghị, có chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thực hiện đúng cam kết đầu tư, thoả thuận hợp tác, tuân thủ luật pháp; theo quy hoạch của Tỉnh. Đồng hành với chính quyền các cấp; thẳng thắn góp ý, kiến nghị có trách nhiệm, xây dựng với chính quyền.

Thực hiện tốt văn hóa kinh doanh, tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”; bảo đảm chế độ, chính sách cho người lao động, tích cực tham gia đảm bảo an sinh xã hội.

Các doanh nghiệp được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và chủ trương đầu tư khẩn trương hoàn thành thủ tục và đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa dự án vào hoạt động với tinh thần “Đã nói là phải làm; đã cam kết phải thực hiện hiệu quả".

Thủ tướng yêu cầu, các bộ, ngành liên quan triển khai hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi với phương châm “Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, động lực của sự phát triển”; Giải quyết kịp thời, hiệu quả những kiến nghị, đề xuất của Tỉnh và người dân, doanh nghiệp; kịp thời hoàn thiện các quy định pháp luật, cơ chế chính sách liên quan; Phối hợp chặt chẽ với Cà Mau đánh giá thực trạng, có các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi tiết giảm chi phí cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Thủ tướng mong muốn và tin tưởng rằng, sự thành công của Hội nghị hôm nay là bước khởi đầu tốt đẹp, tạo sức lan tỏa và thu hút được ngày càng nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với Cà Mau, góp phần thúc đẩy phát triển KTXH của Tỉnh theo hướng văn minh, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Xin hoan nghênh Cà Mau, hoan nghênh các doanh nghiệp, các cơ quan có liên quan đã xây dựng được bản quy hoạch, mà hôm nay ta công bố hoạch kết hợp với xúc tiến đầu tư. Tôi tin chắc là sau hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư này thì Cà Mau sẽ có một bước phát triển đột phá đột phá. Đột phá ở điểm gì? Một là tư tưởng phải thông, phải quyết tâm phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để phát triển; tháo gỡ bằng được những vướng mắc, những khó khăn và phải vượt qua thách thức; Phải đi lên bằng sức mạnh nội sinh của mình, tự lực, tự cường, và tôi tin rằng đủ bản lĩnh để làm việc này; Phải rất quyết tâm, Đảng bộ phải quyết tâm, đoàn kết xung quanh Ban chấp hành, Ban chấp hành đoàn kết xung quanh Ban thường vụ, xây dựng một đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên như bác Hồ, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực phẩm chất và uy tín ngang tầm với nhiệm vụ để chúng ta làm. Tôi tin chắc làm được, chúng ta chọn công việc có trọng tâm trọng điểm để chúng ta làm, đừng có dàn trải. Thời gian có hạn, nguồn lực không nhiều, yêu cầu thì cao, tình hình khó khăn, cho nên phải chọn trọng tâm trọng điểm.” 

* Cũng trong sáng 9/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến kiểm tra, đôn đốc tiến độ dự án nâng cấp cải tạo đường băng tại Cảng hàng không Cà Mau để đáp ứng nhu cầu khai thác các dòng máy bay cỡ lớn và kiểm tra hoạt động của Cụm khí điện đạm Cà Mau.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Hợp luyện toàn bộ khối diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
Sáng 28/4, tại sân vận động tỉnh Điện Biên, toàn bộ 51 khối tham gia diễu binh, diễu hành trong lễ Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ đã tiến hành hợp luyện lần đầu tiên. Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì buổi hợp luyện.
Mới nhất