Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ với các địa phương tháng 9/2024

Vũ Khuyên/VOV | 07/10/2024, 10:00

Sáng 7/9, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ với các địa phương tháng 9/2024. Phiên họp được kết nối từ Trụ sở Chính phủ đến 63 địa phương trên cả nước.

Phát biểu mở đầu Phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, chúng ta đã đi qua 3/4 chặng đường của năm 2024, được xác định là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Thủ tướng nhấn mạnh, đây là phiên họp rất quan trọng, trong đó Chính phủ và các địa phương tập trung bàn về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 10, quý IV năm 2024 và thời gian tới để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho 5 năm 2021-2025.

Về bối cảnh tình hình thế giới, theo Thủ tướng có các vấn đề nổi lên là: Cạnh tranh chiến lược gay gắt; xung đột leo thang ở Ukraine, Trung Đông và nhiều nơi; chuỗi cung ứng đứt gãy cục bộ; Giá vàng, xăng dầu, hàng hóa cơ bản, cước vận tải quốc tế biến động mạnh; Tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu phục hồi chậm, chưa vững chắc; Các yếu tố an ninh phi truyền thống, nhất là già hoá dân số, cạn kiệt tài nguyên, thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, lương thực, an ninh mạng diễn biến phức tạp; Khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là xu thế lớn nhưng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những nước đang phát triển.

Ở trong nước, nền kinh tế tiếp tục chịu cả những yếu tố bất lợi từ bên ngoài do độ mở nền kinh tế cao và những hạn chế, bất cập nội tại do cơ cầu về kinh tế như những dự án thua lỗ kéo dài, nhất là những dự án liên quan đến đất đai; trong quá trình chuyển đổi còn gặp nhiều khó khăn nên phải vừa làm vừa mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội. Đặc biệt, cơn bão số 3 vừa gây hậu quả nặng nề tại các địa phương phía Bắc.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương đã nỗ lực vượt bậc, triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ, giải pháp đề ra với phương châm “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”. Nhờ vậy tình hình kinh tế xã hội tiếp tục phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước; 9 tháng năm 2024 tốt hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực.

Tăng trưởng được thúc đẩy, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Phản ứng chính sách và hành động của các bộ ngành địa phương là điểm sáng trong quý này, nhất là đối với bão lũ vừa qua đã khắc phục rất nhanh, các bí thư thành ủy, tỉnh ủy đã vào cuộc quyết liệt.

Các lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế tiếp tục chuyển biến tích cực; nhiều vấn đề tồn đọng được tập trung tháo gỡ.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, thể thao, y tế, giáo dục được quan tâm phát triển, có nhiều kết quả tốt; An sinh xã hội được bảo đảm; Đời sống người dân tiếp tục được cải thiện. Tinh thần đoàn kết, tình dân tộc nghĩa đồng bào được phát huy.

Độc lập, chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; Đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; Uy tín, vị thế đất nước tiếp tục được nâng lên.

Thủ tướng chỉ rõ, bên cạnh kết quả đạt được, không thể lơ là chủ quan trong khi nền kinh tế thế giới còn bấp bênh; Bão số 3 ảnh hưởng nặng nề, nhiều địa phương phía Bắc đang phải tập trung khắc phục; Còn vướng mắc, bất cập về quy định pháp luật, cơ chế, chính sách; Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn nhất là qua cơn bão lũ vừa qua; Cải cách hành chính còn vướng mắc, nhiều rào cản vì vậy cần nhìn thẳng vào sự thật để tập trung thão gỡ khắc phục.

Thủ tướng nhấn mạnh: "Nhiệm vụ trong những tháng còn lại của năm 2024 rất nặng nề, phải phát huy điểm mạnh đã đạt được, phải tranh thủ thời cơ thuận lợi bên ngoài, nhất là các ngân hàng lớn đang nới lỏng chính sách tiền tệ; phải tranh thủ các thị trường, đẩy mạnh 3 động lực tăng trưởng, thị trường trong nước phải tích cực hơn, thị trường xuất khẩu cũng phải mở rộng hơn trong bối cảnh khó khăn về lương thực thực phẩm; giải ngân vốn đầu tư công phải tích cực hơn nữa, khắc phục hậu quả cơn bão số 3, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thể chế nhất là trong huy động nguồn lực, trong nhân dân, xã hội, trong khối tư nhân".

Thủ tướng đề nghị các địa phương, bộ, ngành và các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích kỹ, thẳng thắn, khách quan về tình hình, kết quả 9 tháng đầu năm, công tác chỉ đạo, điều hành và phân tích, dự báo bối cảnh, tình hình thời gian tới.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng 9 tháng cao hơn so với kịch bản đã đề ra, GDP Quý I tăng 5,66%, Quý II tăng 6,93%, Quý III tăng 7,4%, tính chung 9 tháng tăng 6,82%. Cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ đều tăng trưởng tốt. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực. 

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 3,88% (lạm phát cơ bản tăng 2,69%). An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm; cơ bản bảo đảm cân đối cung cầu lao động.

Xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh, xuất siêu lớn, góp phần bảo đảm cán cân thanh toán. Kim ngạch XK tăng 15,4% (khu vực trong nước tăng 20,7%; khu vực FDI tăng 13,4%); NK tăng 17,3%; xuất siêu ước đạt 20,8 tỷ USD. Các lĩnh vực dịch vụ, du lịch phục hồi mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng tăng 8,8% so với cùng kỳ. Số lượt khách quốc tế 9 tháng đạt trên 12,7 triệu, tăng 43,0%.  

Tình hình tài chính - ngân sách Nhà nước tiếp tục được cải thiện rõ nét. Tổng thu ngân sách Nhà nước 9 tháng đạt 85,1% dự toán năm, tăng 17,9% so với cùng kỳ. Nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia và bội chi ngân sách Nhà nước được kiểm soát tốt, thấp hơn giới hạn quy định. Đồng thời, trong 9 tháng đầu năm đã miễn, giảm 116,4 nghìn tỷ đồng thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất; dự kiến tổng số cả năm 2024 khoảng 191 nghìn tỷ đồng. 

Đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 9 tháng tăng 6,8%; trong đó vốn đầu tư của khu vực Nhà nước tăng 4,1%; khu vực ngoài nhà nước tăng 7,1%, khu vực FDI tăng 10,7%. Thu hút FDI 9 tháng đạt 24,78 tỷ USD, tăng 11,6%; vốn FDI thực hiện đạt 17,3 tỷ USD, tăng 8,9% (cao nhất 5 năm qua). Phát triển doanh nghiệp tiếp tục xu hướng tích cực, 9 tháng có 121,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 3,4% so với cùng kỳ. 

Cải cách hành chính được chú trọng, nhất là cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, Đề án 06. Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2024 tăng 15 bậc, xếp hạng 71/193. Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo được thúc đẩy mạnh mẽ. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024 tăng 2 bậc, xếp hạng 44/133.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân được cải thiện. Thu nhập bình quân của lao động 9 tháng đạt 7,6 triệu đồng/tháng, tăng 7,4% so với cùng kỳ. Trong quý III có 96,1% số hộ gia đình đánh giá thu nhập ổn định hoặc cao hơn cùng kỳ. 

Tích cực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ứng phó, phòng, chống và khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (Yagi). Trong đó, đã huy động được 1,986 nghìn tỷ đồng qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Chính phủ cấp 432,6 tấn gạo hỗ trợ người dân; các bộ, ngành, địa phương đang tập trung thực hiện các biện pháp hỗ trợ. 

Tình hình chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng an ninh được tăng cường; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh. Tổ chức thành công nhiều hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; ngoại giao kinh tế được đẩy mạnh; gìn giữ được môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển đất nước. 

Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao kết quả và triển vọng kinh tế Việt Nam trong đó IMF nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2024 lên 6,1%; WB dự báo tăng 6,1%; ADB dự báo tăng 6%; Fitch Ratings dự báo Việt Nam tăng trưởng từ 6-7% trong trung hạn, mặc dù đánh giá tình hình thế giới, khu vực còn nhiều khó khăn.

Bài liên quan
Việt Nam ủng hộ, hỗ trợ Lào hoàn thành vai trò, trọng trách Năm Chủ tịch ASEAN
Nhân dịp Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN tại Lào từ ngày 8-11/10, Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Minh Tâm đã chia sẻ về một số nội dung hội nghị cũng như sự ủng hộ của Việt Nam dành cho nước Chủ tịch Lào.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đặt hoa ở Tượng đài Bác Hồ, TP.Montreuil, Pháp
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp, sáng 6/10 (theo giờ địa phương), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến đặt hoa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại công viên Montreau thành phố Montreuil, Cộng hòa Pháp.
Mới nhất