Thu phí lòng đường, vỉa hè: Cần giám sát chặt chẽ và minh bạch

Nhất Hoàng-Huy Hoàng/VOV Giao thông | 16/02/2023, 13:09

Nhiều năm qua, TP.HCM dù đã quy định rất rõ việc sử dụng vỉa hè, song tình trạng lấn chiếm vẫn diễn ra.

Việc chính quyền làm đẹp đường phố rồi tổ chức thu phí sử dụng ở vị trí phù hợp để thu hồi một phần kinh phí đầu tư công trình khác là hợp lý. Tuy nhiên, không phải tuyến đường nào cũng có thể thu phí mà nên triển khai trước ở các tuyến đường có nhiều hoạt động thương mại, dịch vụ.

Sở GTVT TP.HCM vừa đề nghị UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện rà soát, cung cấp danh mục các tuyến đường có lòng đường, vỉa hè đủ điều kiện tổ chức hoạt động khác ngoài mục đích giao thông để phục vụ xây dựng đề án “Thu phí sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố”.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc chính quyền làm đẹp đường phố rồi sau đó tổ chức thu phí sử dụng ở vị trí phù hợp để thu hồi một phần kinh phí đầu tư công trình khác là hợp lý.

Tuy nhiên, không phải tuyến đường nào cũng có thể thu phí mà nên triển khai trước ở các tuyến đường có nhiều hoạt động thương mại, dịch vụ. Ngoài ra, khi tổ chức thu phí thì phải giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm.

Theo ghi nhận của phóng viên, thực trạng hiện nay, hàng loạt tuyến đường ở TP.HCM đang bị lấn chiếm để sử dụng cho mục đích riêng. Đặc biệt là tại các tuyến đường ở trung tâm như Nguyễn Du, Lý Tự Trọng, Hàn Thuyên, Công xã Pari (quận 1), Võ Văn Tần, Phạm Ngọc Thạch, Trần Cao Vân (quận 3)… đều được sử dụng để trông giữ xe, phục vụ ăn uống…

Tình trạng đỗ xe máy, ô tô trên vỉa hè, lòng đường tràn lan; có đoạn không còn không gian cho người đi bộ, gây mất mỹ quan đô thị và mất an toàn giao thông:

"Nhiều hộ đỗ ra ngoài buôn bán cho nên hàng quán thì bày bừa ra phía ngoài, ảnh hưởng tới người đi bộ, ảnh hưởng tới khách du lịch.

"Mình nghĩ là sắp xếp lại về chuyện cho người hàng rong buôn bán, và thứ hai là đối tượng lấn chiếm, mà đa số các cửa hàng, nhà hàng, rồi các quán nhậu rồi quán cà phê bởi vì  kinh tế vỉa hè rất là lớn.

"Chỉnh trang đô thị TP.HCM thì theo tôi đây là chủ đề hết sức nóng bỏng và nó đúng với nhu cầu của thành phố hiện nay".

"Trong thời gian tới, nếu thành phố có chủ trương cho thuê vỉa hè, điều đó cũng là một điều rất tốt, nó cũng sẽ tạo một vẻ mỹ quan".

"TP.HCM đưa ra chủ trương này là quá hợp lý".

Mới đây, trong dự thảo về quy định quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè thay thế Quyết định số 74/2008 của UBND TP.HCM, Sở Giao thông Vận tải đưa ra nhiều nội dung đáng lưu ý. Trong đó, có 7 trường hợp sử dụng tạm thời vỉa hè phải đóng phí.

Ngoài ra 3 trường hợp sử dụng tạm lòng đường có thu phí gồm nơi tổ chức các hoạt động văn hóa và điểm trông, giữ ôtô phục vụ các hoạt động văn hóa có thu tiền sử dụng; điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị; nơi bố trí điểm trông giữ xe có thu phí. Hiện Sở Tư pháp và các địa phương đang rà soát và sẽ tiến hành thu phí trong thời gian tới.

Đồng tình với đề án này, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn (chuyên gia quy hoạch) cho rằng, TP.HCM nên tổ chức thu phí dùng tạm vỉa hè, bởi không gian này ngoài dành cho người đi bộ, còn có nhiều công năng khác như kinh doanh, buôn bán, đậu xe.

Theo ông Sơn, thực tế, "kinh tế vỉa hè" là một trong những yếu tố không thể thiếu ở những đô thị lớn như TP.HCM. Tuy nhiên, việc cho thuê tạm vỉa hè cần hướng đến mục tiêu cải thiện, tổ chức lại không gian đô thị chứ không nên đặt nặng nguồn thu cho ngân sách. Trong đó, việc hoạch định các chức năng như điểm kinh doanh, đi bộ, dừng đỗ, tiện ích công cộng, điểm giữ xe trên vỉa hè phải được tính trước, và cần có sự đồng thuận của người dân mới có thể triển khai hiệu quả.

“Mục tiêu là thu phí để mình tổ chức lại không gian đường phố và dùng phí này để cải thiện cái bộ mặt của không gian đường phố. Cải thiện không gian đường phố vậy thì có những tuyến đường là có thu phí và có những tuyến đường không thu phí.

Về vấn đề này, mình phải có một quy hoạch rõ ràng và quy hoạch này phải được phê duyệt và đưa vào luật sao cho minh bạch để tránh tình trạng xin cho, tại vì nó mập mờ, có người này cho người, người kia thì không cho, người kia thì tính rẻ, người kia tính mắc. Mình không có minh bạch đó thì dễ dẫn đến xin cho và tham nhũng này kia, nó không có hay”, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho biết.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên (Hội Quy hoạch Phát triển đô thị TP.HCM), cũng cho rằng, nhiều năm qua, thành phố dù đã quy định rất rõ việc sử dụng vỉa hè, song tình trạng lấn chiếm vẫn diễn ra.

Do đó, việc thu phí sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè nếu được triển khai kỹ lưỡng, có quy hoạch rõ ràng, công khai, minh bạch không chỉ giúp ổn định trật tự lòng lề đường mà còn tạo thêm nguồn thu cho ngân sách, hạn chế tình trạng bát nháo, bảo kê hiện nay.

Tiến sỹ Nguyễn Hữu Nguyên cũng đề xuất việc áp dụng thu phí vỉa hè không nên đưa vào vội vàng một cách tràn lan, mà trước hết hãy làm thí điểm ở 1 số khu vực: “Bài học của vỉa hè quận 1 cách đây mấy năm chúng ta thấy rồi, làm rất mạnh nhưng mà cuối cùng không thành công. Thế thì bây giờ chúng ta đưa ra cũng thế, phải điều tra rất kỹ từng khu vực một. Và khi chúng ta làm mỗi khu vực mỗi kịch bản như thế chúng ta mới có thể lựa chọn kịch bản nào hợp lý, và sẵn sàng tư thế là khi chúng ta đưa ra làm thí điểm rồi chúng ta điều chỉnh, điều chỉnh đến mức mà nó hợp lý cho hài hòa về lợi ích cho nhóm cư dân ở thành phố”.

Theo ông Bùi Hòa An (Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM), mức phí cụ thể với các trường hợp thuê sử dụng tạm vỉa hè, lòng đường đang được xây dựng, trước khi hoàn thiện trình UBND thành phố. Nguồn thu từ việc cho thuê vỉa hè sẽ được triển khai trên cơ sở Luật phí đã ban hành.

“Sở GTVT phối hợp với các đơn vị, cơ quan liên quan đã trình Ủy ban thành phố điều chỉnh cái quyết định 4, để đảm bảo thực hiện đúng theo quy định của pháp luật của Luật phí lệ phí và đảm bảo thực hiện của thành phố trong thời gian tới. Và điều này, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và có thông tin khi ủy ban có điều chỉnh quyết định", ông An cho biết.

Ngoài tính toán cho một số trường hợp dùng tạm vỉa hè phải đóng phí, Sở GTVT TP.HCM cũng nghiên cứu hướng tăng cường an toàn cho người đi bộ, nhất là khu vực có công trình thi công, giao lộ đông xe...

Dự thảo cũng nêu các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào quản lý, điều hành khi cho dùng tạm một phần lòng đường, hè phố. Ngoài kế hoạch chung của thành phố, một số quận huyện cũng đang tổ chức, sắp xếp cho sử dụng tạm một phần vỉa hè, lòng đường trên địa bàn.

Cần giám sát chặt chẽ và minh bạch

Giống như nhiều quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới, vỉa hè lòng đường ở nước ta cũng là một cấu phần không thể thiếu trong hoạt động giao thông đô thị. Tuy nhiên, sự khác biệt rất dễ nhận ra là vỉa hè lòng đường ở Việt Nam là một hệ sinh thái, một nền kinh tế thực thụ, trực tiếp tạo ra nguồn sống cho hàng triệu người, nhất là tại các đô thị.

Tuy nhiên có 1 thực tế hiện nay hầu hết các đoạn vỉa hè, lòng đường đang được nhiều tổ chức, cá nhân sử dụng “miễn phí”. Tình trạng bị sử dụng miễn phí suốt một thời gian dài đã khiến vỉa hè, lòng đường vô tình trở thành tác nhân gây ra xung đột giữa lợi ích kinh tế cá nhân với bộ mặt giao thông đô thị.

Việc Sở GTVT TP.HCM mới đây đề xuất thu phí một phần lòng đường, vỉa hè đã một lần nữa gây dậy sóng dư luận bởi nhiều luồng ý kiến trái chiều. Dù như thế nào thì cũng cần phải khằng định rằng việc thu phí sử dụng lòng đường, vỉa hè là cần thiết, là xu hướng tất yếu.

Việc này đã và đang phát huy được hiệu quả, mang đến nhiều tín hiệu tích cực cho các nước láng giềng như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia…

Chủ trương thu phí vỉa hè, lòng đường là việc nên làm, không chỉ tạo ra một diện mạo đô thị mới an toàn hơn, văn minh hơn mà còn tạo ra một nguồn thu không nhỏ (lên đến hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm) giúp TP.HCM có thêm nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng vốn đang quá tải. Xã hội hóa vỉa hè, lòng đường để đường sá, văn minh, hiện đại là việc nên làm.

Tuy vậy, để chủ trương này này phát huy được hiệu quả đề ra thì các bên liên quan phải có một sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đánh giá đầy đủ các yếu tố tác động và quan trọng nhất là minh bạch đến cùng tất cả thông tin từ đối tượng thu, số tiền thu được lẫn mục tiêu sử dụng.

Để làm được vậy thì cần tận dụng tối đa yếu tố công nghệ vào quá trình quản lý thu phí lẫn kiểm tra, giám sát.

Không đơn giản để TP.HCM triển khai thu phí một phần lòng đường, vỉa hè bởi sẽ đụng chạm trực tiếp đến quyền lợi của rất nhiều cá nhân, tổ chức.

Tuy nhiên, “khó không phải là không thể”. Quan trọng là các bên liên quan có đủ quyết tâm và bản lĩnh để đi đến cùng hay tiếp tục rơi vào tình trạng “đẽo cày giữa đường” như nhiều chủ trương, đề xuất khác./.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Toàn văn phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 9 khóa XIII của Tổng Bí thư
Sáng nay (16/5), Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII khai mạc trọng thể tại Hà Nội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì và phát biểu khai mạc Hội nghị. Thủ tướng Phạm Minh Chính điều hành phiên khai mạc.
Mới nhất