Thiêng liêng Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn

Vinh Thông/VOV-Miền Trung | 08/03/2023, 07:48

Theo thông lệ hàng năm, hôm nay 7/3, nhằm ngày 16/2 năm Quý Mão, tại Nghĩa Tự An Hải, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, Ban Khánh tiết Đình làng An Hải, huyện Lý Sơn tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa.

“Hoàng Sa trời nước mênh mông

Người đì thì có mà không thấy về

Hoàng Sa mây nước bốn bề

Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa”.

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa là nghi lễ “cúng thế lính” xưa của nhân dân các làng An Hải, An Vĩnh và các tộc họ trên đảo Lý Sơn để cầu bình an cho người lính Hoàng Sa trước khi lên đường làm nhiệm vụ. Đây là một lễ thức dân gian được các tộc họ trên đảo Lý Sơn tổ chức vào tháng 2 và tháng 3 âm lịch hàng năm. Hàng trăm năm trước, những người con ưu tú của quê hương Lý Sơn, tuân thủ lệnh vua đi ra Hoàng Sa, Trường Sa đo đạc hải trình cắm mốc chủ quyền, khai thác sản vật. Nhiều người ra đi không trở về, thân xác họ đã hòa mình vào biển cả mênh mông.

Ông Bùi Văn Cảnh, Trưởng Ban Khánh tiết Đình làng An Hải, huyện Lý Sơn cho biết: “Hàng năm, vào dịp tháng Hai, làng An Hải tổ chức Lễ Khao lề nhằm để tưởng nhớ, cầu mong cho ngư dân phát triển, làm ăn tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, góp phần bảo vệ chủ quyền. Cầu mong ngư dân bình an trở về quê hương”.

Huyện đảo Lý Sơn hiện có hơn 3.000 ngư dân, hơn 500 tàu thuyền, trong đó hơn 100 tàu đánh bắt xa bờ. Cùng với sự hỗ trợ của nhà nước, ngư dân Lý Sơn luôn đầu tư nâng cấp, cải hoán tàu thuyền, trang bị các phương tiện đánh bắt hiện đại, vươn khơi bám biển.

Ông Đinh Văn Tiến, ở xã An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, bà con đánh bắt theo tổ đội, giúp đỡ nhau nâng cao hiệu quả phiên biển: “Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa của cha ông từ xưa tiếp sức để con cháu vươn khơi bám biển. Lễ này có ý nghĩa rất quan trọng đối với ngư dân, tiếp tục nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền.”

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa trở thành một phong tục đẹp, một dấu ấn văn hóa tâm linh trong đời sống của các thế hệ người dân đảo Lý Sơn. Năm 2013, Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ông Trương Văn Sửu, Trưởng phòng Văn hoá- Thông tin huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi thông tin, địa phương chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch: “Hàng năm, chúng tôi tham mưu UBND huyện chỉ đạo trong công tác bảo vệ, giới thiệu cho du khách, bạn bè gần xa những di sản văn hoá có ý nghĩa truyền thống trên đảo Lý Sơn. Chúng tôi cũng có kế hoạch thường xuyên trùng tu, sửa chữa các hạng mục, phục vụ cho việc tổ chức các lễ nghi tại hai làng An Vĩnh và An Hải”./.

Bài liên quan
Lễ hội Đền thờ Thái phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan được Nhà nước công nhận là Di sản Văn hoá phi vật thể Quốc gia.
VOVLIVE - Dòng họ Nguyễn Cảnh, có hơn 600 năm lịch sử phát triển, từ Đông Triều (Quảng Ninh) đến định cư trên đất Nghệ An. Với 25 đời con cháu hậu duệ, dòng họ Nguyễn Cảnh không chỉ góp phần xây dựng cơ nghiệp mà còn sản sinh ra những danh tướng, danh nhân, nhà văn hóa, và lương y nổi tiếng tài năng, có những đóng góp ý nghĩa trong lịch sử dân tộc với truyền thống “Trung cần nhân nghĩa - Bảo quốc hộ dân”.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Cận cảnh cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo trước ngày thông xe
VOVLIVE - 7h ngày 26/4, cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo qua các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận sẽ thông xe để phục vụ nhu cầu đi lại trong dịp nghỉ lễ.
Mới nhất