Thị trường Trung Quốc giúp 200 'ông lớn' thế giới kiếm bộn tiền

10/01/2024, 08:51

Trung Quốc vẫn là một thị trường quan trọng với các công ty đa quốc gia trong năm 2024 bất chấp những rủi ro về địa chính trị và sức cạnh tranh lớn trong khu vực.

Theo dữ liệu của công ty tư vấn Bain & Company, có trụ sở chính tại Boston (Mỹ), thị trường Trung Quốc đóng góp khoảng 15% doanh thu toàn cầu cho  200 công ty đa quốc gia (MNC) lớn nhất từ Nhật Bản, Châu Âu và Mỹ trong năm 2022.

Vai trò của Trung Quốc thậm chí còn lớn hơn đối với Tesla, Mercedes-Benz và Shiseido, những hãng kiếm được 22 - 37% doanh thu từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Ông Bruno Lannes, đối tác của Bain tại Thượng Hải (Trung Quốc), nhận định: “Điều quan trọng là phải có cái nhìn dài hạn hơn về Trung Quốc thay vì chỉ tập trung vào những biến động ngắn hạn. Nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển và chiếm tỷ trọng ngày càng tăng trong doanh thu toàn cầu của các MNC tại đây”.

Nền kinh tế Trung Quốc dự kiến ​​sẽ tăng trưởng 5,4% vào năm 2023, nhanh hơn mức 3% vào năm 2022 khi đất nước này gặp khó khăn bởi các hạn chế để theo đuổi chính sách Zero-COVID. Theo dự báo thị trường do Bloomberg tổng hợp, đà tăng trưởng này có thể chậm lại, còn khoảng 4,5% vào năm 2024, do các biện pháp kích thích từng phần không đủ để xoa dịu nỗi lo của chủ doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Dù vậy, theo Bain, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất trong các lĩnh vực thực phẩm, ô tô, dệt may, hóa chất và sản phẩm hóa chất, sắt thép và điện tử tiêu dùng.

Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu dùng lớn và cũng là đầu mối cung ứng quan trọng. (Ảnh minh họa: Sina)

Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu dùng lớn và cũng là đầu mối cung ứng quan trọng. (Ảnh minh họa: Sina)

Alfredo Montufar-Helu, người đứng đầu Trung tâm Kinh tế và Kinh doanh Trung Quốc tại The Conference Board, một tổ chức tư vấn phi lợi nhuận toàn cầu, cũng đánh giá cao Trung Quốc, nói rằng thị trường này vẫn hấp dẫn với các công ty nước ngoài ngay cả khi xảy ra biến động tầm vĩ mô.

"Ngày càng có nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nói về sự cần thiết phải duy trì hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc. Điều này không chỉ vì Trung Quốc là thị trường tiêu dùng lớn mà còn vì thị trường này là đầu mối quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nhờ hệ sinh thái công nghiệp dồi dào và rẻ”, ông giải thích.

Cũng theo ông Alfredo, vấn đề đa dạng hóa chuỗi cung ứng là ưu tiên hàng đầu đối với các công ty nước ngoài đang tìm cách củng cố chỗ đứng tại Trung Quốc. Nhiều MNC đang nỗ lực “nội địa hóa” ở Trung Quốc, đồng thời phát triển các trung tâm sản xuất mới ở các khu vực khác để đáp ứng nhu cầu toàn cầu.

“Tất cả những điều này cho thấy hầu hết các MNC nước ngoài ở Trung Quốc đều đã đưa ra một mức độ cam kết nhất định với thị trường này và đang nỗ lực thực sự để tăng cường khả năng khôi phục các hoạt động của họ trước những biến động kinh tế và địa chính trị”, ông nói.

Yang Jing, giám đốc nghiên cứu doanh nghiệp Trung Quốc tại Fitch Ratings, cho biết các MNC trong ngành công nghiệp ô tô và xe điện (EV) đang đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ ra các khu vực khác ngoài Trung Quốc. Hoạt động này giống như một biện pháp phòng ngừa do lo ngại các lệnh trừng phạt và những bất ổn địa chính trị có thể làm gián đoạn tới các hoạt động sản xuất.

Những chiến lược được gọi là “Trung Quốc + 1” hoặc “Trung Quốc + N” - trong đó các công ty nhìn vào các nền kinh tế đang phát triển ngoài Trung Quốc để tìm nguồn cung ứng, sản xuất và đầu tư - có thể tạo ra rủi ro cho các nhà cung cấp Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng cũng có thể mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp nội địa có lợi thế về công nghệ và tiết kiệm chi phí.

Yang cho biết: “Vào năm 2024, chúng ta có thể thấy nhiều hình thức hợp tác khác nhau giữa các nhà sản xuất và nhà cung cấp ô tô tại Trung Quốc và nước ngoài, các hình thức này không chỉ giới hạn ở việc gia công sản xuất, cấp phép công nghệ, liên doanh và liên minh trong các dịch vụ. Xu hướng sát nhập và mua lại sẽ diễn ra giữa các công ty dẫn đầu thị trường có nguồn vốn dồi dào và các công ty khởi nghiệp trong chuỗi cung ứng xe điện am hiểu công nghệ”.

Cũng theo Yang, các nhà sản xuất ô tô và xe điện nước ngoài sẽ phải đối mặt với sức cạnh tranh lớn hơn từ các công ty nội địa trong năm tới, do các công ty trong nước có khả năng công bố các sản phẩm mới với mức giá cạnh tranh và áp dụng hệ thống lái tự động. Tuy nhiên, đối với các MNC đang tìm cách duy trì thị phần của mình tại thị trường Trung Quốc, họ vẫn có cơ hội thông qua các hình thức hợp tác như liên doanh, sáp nhập và mua lại.

“Đặc biệt, Trung Quốc vẫn có vai trò rất quan trọng đối với các MNC và các công ty hiện đại, có chuyên môn, có khả năng đánh giá rủi ro khách quan và chiến lược cạnh tranh hợp lý để bắt những cơ hội phong phú mà thị trường Trung Quốc mang lại", ông Lannes nhận xét.

Hoa Vũ(Nguồn: SCMP)

Bài liên quan
Sập mặt đường cao tốc khiến 19 người thiệt mạng ở Quảng Đông (Trung Quốc)
Sáng sớm nay (01/5), một vụ sập mặt đường cao tốc đã xảy ra trên đoạn đường từ Đại Bộ đến Phúc Kiến thuộc đường cao tốc Mai Đại ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Vụ tai nạn đã khiến 19 người thiệt mạng và 30 người khác bị thương.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
“Chiều mùng bảy tháng năm” trong ký ức cựu chiến binh Điện Biên Phủ
VOVLIVE - Chiều 7/5, lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries - chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Với mỗi cựu chiến binh từng sống tại khoảnh khắc vinh quang này, ký ức về “một chiều hè lịch sử” vẫn vẹn nguyên suốt 70 năm qua.
Mới nhất