Ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô & Chiến lược thị trường, Khối Phân tích của Công ty chứng khoán VNDirect cho biết, các thị trường chứng khoán lớn tại châu Á trong phiên 5/8 đều diễn biến tiêu cực và VN-Index cũng không phải ngoại lệ khi giảm tới 3,9% xuống mức 1.188,1 điểm, thấp nhất kể từ ngày 23/4.
Phân tích kỹ hơn, ông Hinh dẫn chứng, số lượng mã giảm điểm chiếm áp đảo với 448 mã so với 24 mã tăng điểm, trong đó có 91 mã chạm sàn.
Ngân hàng là một trong những ngành tạo áp lực lớn tới chỉ số với BID (-3,5%), TCB (-5,1%), CTG (-4,4%), VPB (-3,2%), VCB (-2,0%) và HDB (-6,1%). Khối ngoại đã quay trở lại bán ròng với giá trị 750 tỷ đồng, tập trung vào các mã HPG, FPT, MWG và STB. VN-Index đã phục hồi trở lại trong ngày 6/8 khi tăng hơn 22 điểm lên mức 1.210,3.
Những cổ phiếu tác động tích cực tới chỉ số bao gồm VNM (+4,8%), GVR (+4,2%), MSN (+3,8%), BID (+1,4%), BCM (+5,2%) và FPT (+1,9%). Đặc biệt, VNM đóng góp 1,7 điểm cho VN-Index và giá đã chạm mức cao nhất trong 10 tháng qua. VN-Index phiên 7/8 tiếp tục tăng gần 0,5% lên mức 1.215,9 điểm. Tuy nhiên, thanh khoản thị trường lại cho thấy dấu hiệu suy yếu khi giảm dần qua từng phiên.
Bất động sản, Hóa chất và Dầu khí là những ngành dẫn dắt với VHM (+6,9%), GVR (+3,8%) và BSR (+3,2%) tăng điểm mạnh. Đáng chú ý, VHM chạm trần khi Vinhomes công bố mua 370 triệu cổ phiếu quỹ, tương đương 8,5% khối lượng cổ phiếu đang lưu hành.
VN-Index diễn biến tích cực trong sáng 8/8 tuy nhiên lực bán đã áp đảo trở lại vào buổi chiều và khiến chỉ số giảm 0,6% xuống mức 1.208,3 điểm. VCG (+5,7%) phục hồi trở lại kể từ đà giảm đầu tháng 7 khi ghi nhận lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm tăng tới 260% so với cùng kỳ.
Khối ngoại bán ròng 1,16 nghìn tỷ đồng, tập trung vào VJC, VHM và TCB.
Phiên giao dịch ngày 9/8 đã phần nào xua tan những lo lắng về việc VN-Index có thể quay trở lại xu hướng điều chỉnh khi chỉ số này đã tăng 15,3 điểm để chinh phục lại mốc 1.220 điểm.
Sắc xanh chiếm áp đảo với tỷ lệ mã tăng/giảm điểm là 329/86. Khối ngoại mua ròng trở lại với giá trị hơn 56 tỉ đồng, tập trung vào các mã FPT, MWG và CTG. Kết tuần, VN-Index giảm 1,1% xuống mức 1.223,6 điểm, HNX-Index giảm 0,9% xuống 229,4 điểm và UPCOM-Index giảm 1% xuống mức 92,8 điểm.
"Thanh khoản tuần này tăng 6,1% lên mức 17.048 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại bán ròng 3.994,3 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần, trong đó bán ròng 3.943,5 tỷ đồng trên HOSE, mua ròng 6,3 tỷ đồng trên HNX và bán ròng 57,1 tỷ đồng trên UPCOM", ông Hinh nhấn mạnh.
Chứng khoán tuần tới thế nào?
Nhận định về chứng khoán tuần tới, ông Đinh Quang Hinh cho rằng thị trường dần cân bằng trở lại, nhà đầu tư xem xét tái cơ cấu danh mục cho mục tiêu đầu tư trung và dài hạn.
Theo ông Hinh, sau phiên điều chỉnh mạnh đầu tuần, các chỉ số chứng khoán trong nước đã xuất hiện nhịp phục hồi kỹ thuật khi thị trường đón nhận những thông tin hỗ trợ.
Cụ thể, Bộ Lao động Mỹ công bố số người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần qua ít hơn dự báo đã phần nào xóa tan những lo ngại về nguy cơ nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái. Số liệu mới này cũng đối lập với số liệu việc làm đáng thất vọng vào thứ sáu tuần trước, cho thấy bức tranh của nền kinh tế Mỹ “không yếu như cái cách mà thị trường đã phản ứng trong phiên cuối tuần trước và đầu tuần này”.
Sau thông tin tích cực trên, các chỉ số chứng khoán Mỹ đã ghi nhận phiên tăng điểm mạnh nhất trong 2 năm, giá dầu tăng trở lại đi cùng với lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ phục hồi về mức 4%, tất cả những diễn biến này cho thấy tâm lý thị trường đã dần cân bằng trở lại sau cú sốc cuối tuần trước.
Trong nước, thị trường cũng đón nhận thông tin hỗ trợ khi kết quả kinh doanh quý 2 của các doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng vượt dự báo.
Theo Khối Phân tích VNDIRECT, lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp niêm yết trong quý 2 năm 2024 đã tăng trưởng trên 20% svck, vượt mức dự báo của thị trường trước đó là 5-10%. Đồng thời, sau nhịp điều chỉnh mạnh, định giá của thị trường cũng về mức hấp dẫn hơn khi P/E của VN-INDEX đã có thời điểm chạm mức -1 độ lệch chuẩn, từ đó kích thích dòng tiền “bắt đáy” nhập cuộc.
"Với những biến động trên thị trường tài chính trong nước và quốc tế vừa qua, chúng tôi vẫn duy trì quan điểm tích cực đối với triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong trung hạn từ 6-12 tháng tới nhờ kết quả kinh doanh tích cực trong quý II/2024 đã củng cố cho dự báo của chúng tôi rằng lợi nhuận toàn thị trường có thể tăng trưởng 18% trong năm nay", ông Hinh nói.
Bên cạnh đó, với kịch bản Fed hạ lãi suất điều hành 2-3 lần từ nay đến cuối năm đang dần trở nên hiện hữu, điều này sẽ giúp giảm bớt áp lực tỷ giá và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể linh hoạt hơn để bơm thanh khoản vào hệ thống, đặc biệt là trong quý 4 (thông qua kênh OMO và mua vào USD), qua đó giúp duy trì mặt bằng lãi suất trong nước ở mức hấp dẫn để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Chúng tôi vẫn giữ nguyên quan điểm chỉ số VN-INDEX có thể đóng cửa năm 2024 ở vùng 1.300-1.350 điểm (kịch bản cơ sở) và trong kích bản tích cực (Fed hạ lãi suất điều hành như thị trường kỳ vọng và NHNN có động thái nới lỏng chính sách tiền tệ), chỉ số VN-INDEX có thể đóng cửa trên 1.400 điểm trong năm nay.
Do đó, trong trường hợp chỉ số VN-INDEX kiểm định lại vùng hỗ trợ 1.200 điểm sẽ là cơ hội tốt để nhà đầu tư dài hạn xem xét gia tăng tỷ trọng cổ phiếu và xây dựng danh mục đầu tư cho tầm nhìn 6-12 tháng tới.
"Ưu tiên các nhóm ngành có triển vọng kinh doanh cải thiện như Ngân hàng và Xuất nhập khẩu (dệt may, thủy sản, sắt thép). Tuy vậy, nhà đầu tư lưu ý duy trì tỷ trọng danh mục ở mức hợp lý (60-70% cổ phiếu) và không sử dụng đòn bẩy để quản trị rủi ro khi trong ngắn hạn thị trường vẫn còn nguy cơ rung lắc mạnh", ông Hinh lưu ý.