Ngày 19/7, David Ortiz, một quản lý cấp cao tại TikTok Mỹ, chia sẻ trên LinkedIn rằng, vị trí của ông đã bị hủy bỏ trong nỗ lực tái cấu trúc lớn của công ty. Ortiz là cựu tướng tại hãng phần mềm đám mây Salesforce và mạng xã hội Snap. Năm 2020, ông là một trong các nhân sự đầu tiên mà TikTok tuyển dụng ở nước ngoài để xây dựng đội ngũ kỹ thuật và quản trị sản phẩm quốc tế.
Trước đó một ngày, tạp chí Wired đưa tin TikTok thông báo về đợt cắt giảm nhân sự sắp tới tại Anh và Mỹ. Các nhân viên khác tại châu Âu sẽ có các cuộc gặp với đại diện nguồn nhân lực trong vài tuần tới.
Sự xáo trộn này cũng xuất hiện ở hàng ngũ cao cấp. Tuần trước, TikTok thông báo Roland Cloutier sẽ từ chức Giám đốc Bảo mật toàn cầu và chuyển sang vai trò cố vấn chiến lược vào tháng 9.
Theo người phát ngôn, TikTok thường xuyên điều chỉnh nhân sự để hỗ trợ các mục tiêu của mình. Dù vậy, nó diễn ra trong bối cảnh TikTok làm dấy lên các lo ngại mới về hành vi thu thập dữ liệu tại các thị trường nước ngoài quan trọng.
Tuần trước, cơ quan bảo vệ dữ liệu Italy cho biết, TikTok có thể đã vi phạm quy định của EU khi cung cấp quảng cáo mục tiêu mà không được sự đồng ý của người dùng. Tuần này, công ty an ninh mạng Internet 2.0 của Australia cáo buộc TikTok thu thập dữ liệu người dùng quá mức. Các nhà nghiên cứu chỉ ra ứng dụng kiểm tra vị trí của thiết bị ít nhất 1 lần/giờ; liên tục xin truy cập danh bạ ngay cả khi người dùng đã từ chối các yêu cầu trước đó; lập bản đồ tất cả ứng dụng đã cài đặt trên một thiết bị.
Trước những thông tin này, TikTok cho biết họ không phải hãng duy nhất thu thập dữ liệu và thậm chí còn ít hơn so với nhiều ứng dụng di động khác.
Các chính trị gia Australia còn đặt câu hỏi về biện pháp bảo vệ người dùng nước ngoài của TikTok sau khi CEO Chew Shou Zi xác nhận trong một email nội bộ rằng, nhân viên Trung Quốc có thể truy cập thông tin nhất định của người dùng TikTok Mỹ.
Tại Mỹ, Giám đốc Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) Brendan Carr công khai yêu cầu Apple và Google gỡ bỏ TikTok khỏi chợ ứng dụng, tố cáo ứng dụng đe dọa an ninh quốc gia do khai thác dữ liệu rộng rãi.
Để giải quyết các lo ngại này, TikTok đã thành lập một phòng mới có tên Bảo mật dữ liệu Mỹ với mục đích giảm đáng kể việc nhân viên truy cập dữ liệu người dùng Mỹ, cũng như chuyển dữ liệu giữa các khu vực.
Đây là làn sóng giám sát mới nhất mà TikTok gặp phải kể từ năm 2020, khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa cấm ứng dụng, trừ khi bán mình cho một công ty Mỹ. Dù vậy, Tổng thống Joe Biden đã thu hồi sắc lệnh hành pháp của người tiền nhiệm.
Nhằm trấn an người dùng và nhà chức trách, TikTok dự định mở các trung tâm minh bạch tại Los Angeles, Washington và Dublin để giải thích về mã nguồn của ứng dụng và cách thức thuật toán vận hành. TikTok cũng liên tục nhắc đến việc dữ liệu người dùng được lưu trữ tại địa phương và sao lưu tại Singapore. Vào tháng 6, công ty nói sẽ chuyển tất cả dữ liệu Mỹ sang máy chủ của Oracle./.