Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, mưa lũ đã làm 1 người tử vong do bị nhà gỗ 3 gian sập đổ vào; hơn 430 nhà dân bị sạt lở, tốc mái, trong đó gần 270 hộ dân phải di dời khẩn cấp. Sản xuất nông nghiệp cũng thiệt hại nặng nề với trên 600 héc ta lúa, ngô, hoa màu bị ngập lụt, gẫy đổ, cuốn trôi; nhiều gia súc, gia cầm bị chết...
Vùng cao Trạm Tấu hiện là nơi bị thiệt hại nặng nhất của Yên Bái trong đợt mưa bão này. Hầu hết các tuyến đường đang bị sạt lở, chia cắt, rất khó khăn cho công tác khắc phục hậu quả. Đặc biệt là tỉnh lộ 174 từ thị xã Nghĩa Lộ đi Trạm Tấu, đến 16 giờ chiều nay vẫn chưa thể thông tuyến do địa chất yếu và vẫn đang tiếp tục sạt lở.
Ông Đặng Tiến Dũng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái cho biết: "Ban Thường vụ Huyện uỷ trực tiếp xuống cơ sở để chỉ đạo công tác phòng chống. Các khe nước thì nước vẫn về, nước lớn nên chúng tôi truyên truyền bà con không ra ngoài mà nên ở nhà. Đối với các điểm sạt lở, máy móc đã sẵn sàng nhưng đất đá vẫn đang sạt nên chưa thể khắc phục ngay".
Tại tỉnh Sơn La, hoàn lưu bão số 3 đã gây thiệt hại tại 8/12 huyện, thành phố; tình trạng ngập úng, lũ lụt, sạt lở đất diễn ra tại nhiều địa phương.
Theo báo cáo nhanh của tỉnh, đã có 1 người chết, nguyên nhân ban đầu được xác định do đi kiểm tra ruộng bị trượt chân ngã xuống suối và bị nước lũ cuốn; hơn 380 nhà ở bị thiệt hại, 4 trường học bị ảnh hưởng, hơn 470 ha cây trồng, hoa màu bị vùi lấp, cuốn trôi... Công tác ứng phó, khắc phục hậu quả đang được các địa phương triển khai quyết liệt.
Bà Đinh Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Yên, Sơn La cho biết: "Tại các điểm có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất đá, huyện đã kiên quyết chỉ đạo di dời ngay người và tài sản, đặc biệt trường hợp cần thiết phải cưỡng chế để di dời, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Cắm các biển cảnh báo tại các nơi nguy hiểm, nhất là tại các các ngầm, các đập tràn, kiên quyết không để người dân đi qua. Đối với các xã dọc sông Đà chúng tôi cũng đang triển khai hướng dẫn người dân thu hoạch cá, neo đậu tàu thuyền đến vị trí an toàn".
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã có mưa trên diện rộng và bước đầu gây sạt lở, đá rơi trên một số tuyến giao thông. Theo dự báo, một số khu vực thuộc các huyện Phong Thổ, Tam Đường, Tân Uyên, Than Uyên và thành phố Lai Châu độ ẩm đất đã đạt trạng thái bão hòa trên 80%, nguy cơ sạt lở cao. Ngành Giao thông – Vận tải Lai Châu đã chỉ đạo các đơn vị triển khai các phương án đảm bảo giao thông, hạn chế thiệt hại do hoàn lưu bão gây ra.
Ông Hoàng Tiến Quý, Giám đốc Công ty Cổ phần bảo trì đường bộ I Lai Châu cho biết: "Đơn vị chúng tôi đã chủ động tăng cường lực lượng tuần đường, tuần tra, kiểm soát để nắm bắt các vị trí xung yếu có nguy cơ sạt lở. Trên dọc tuyến chúng tôi đã bố trí phương tiện, thiết bị, máy móc cũng như ô tô, máy xúc, máy đào, máy ủi để thường trực tại các Nhà cung hạt và các vị trí xung yếu trên dọc tuyến. Đối với các vị trí sạt lở, chúng tôi đã tăng cường hót dọn, khơi thông cống rãnh, nắn chỉnh cọc tiêu, biển báo, gác chắn tại các vị trí nguy hiểm để thực hiện đảm bảo an toàn giao thông và cảnh báo cho nhân dân qua lại được an toàn".
Tuy chưa ghi nhận thiệt hại do mưa lũ, nhưng tỉnh Điện Biên đã và đang chủ động, quyết liệt triển khai các phương án ứng phó.
Bà Phạm Thị Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên cho biết: Huyện đã thành lập 3 tổ công tác, rà soát tất cả các vị trí xung yếu tại 19 xã trên địa bàn. Qua công tác kiểm tra, việc chủ động ứng phó với thiên tai được thực hiện nghiêm, nhất là tại các xã vùng cao có nguy cơ lớn xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
"Khu vực nguy hiểm nhất là các xã ở vùng núi cao khi mưa kéo dài ngày thì có thể xảy ra lũ quét. Các xã đã chủ động bố trí theo phương châm 4 tại chỗ, các lực lượng đã chuẩn bị đầy đủ. Bên cạnh đó, các công tác chuẩn bị khác như trạm y tế luôn sẵn sàng thuốc men dự trữ, đảm bảo giao thông cũng luôn có lực lượng ứng trực sẵn", bà Tuyên nói.